23/10/2016 22:47 GMT+7

Thi thể người lọt hố ga tử vong không ai nhận, xử lý ra sao?

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, công an Q.Bình Tân, TP.HCM đã chụp lại hình ảnh của nạn nhân đón xe buýt lọt hố ga tử vong kèm văn bản yêu cầu “Truy tìm người chết chưa rõ tung tích”.

Ống cống sau khi tai nạn đã được rào chắn lại - Ảnh: TIẾN LONG

Chiều 23-10, lãnh đạo Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết đến giờ này vẫn chưa có ai liên hệ nhận dạng người đàn ông chạy đón xe buýt đã lọt xuống cống tại một hố ga đường Kinh Dương Vương vào ngày 21-10.

Bảo quản trong 30 ngày

Trước thắc mắc về việc xử lý thi thể nạn nhân chưa rõ tung tích, một cán bộ điều tra Công an TP.HCM, cho biết quy trình cơ bản như sau: đăng báo truy tìm tung tích, tra cứu tàng thư lưu trữ (thông qua dấu vân tay), lấy thông tin từ những người trước đó nạn nhân từng tiếp xúc nhằm xác định nhân thân lai lịch…

Trong quá trình tìm kiếm tung tích, thi thể nạn nhân sẽ được bảo quản. Trong vòng 30 ngày kể từ lúc ra quyết định truy tìm mà không xác định được tung tích, cơ quan điều tra sẽ cho hỏa thiêu và lưu tro cốt nạn nhân tại nơi lưu cốt vô thừa nhận của nhà xác.

Trong trường hợp vụ việc có tính chất nghiêm trọng, khẩn cấp hoặc dư luận quan tâm, cần phải khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân tử vong. Lúc này cơ quan điều tra có quyền trưng cầu giám định pháp y mà không cần đến người thân nạn nhân. Và, việc phải mổ tử thi trong trường hợp này có sự giám sát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng.

Cụ thể hơn, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, cho biết cơ quan điều tra phải tiến hành khám nghiệm tử thi để đưa ra kết luận về nguyên nhân cái chết. Quy trình khám nghiệm sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dân sự.

Bộ luật tố tụng hình sự 2005 quy định, sau khi phát hiện nạn nhân tử vong, việc khám nghiệm tử thi phải do điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và người chứng kiến. Trường hợp cần mổ tử phải đáp ứng các điều kiện sau: có sự đồng ý của người quá cố trước khi người đó chết; có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người quá cố trước khi chết hoặc theo quyết định của tổ chức y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Kiểm sát viên phải có mặt

Trường hợp tai nạn xảy ra bất ngờ, nếu chưa liên lạc được với gia đình nạn nhân mà việc khám nghiệm tử thi là cần thiết và bắt buộc để xác định nguyên nhân cái chết và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có) thì cơ quan có thẩm quyền (cơ quan điều tra) có thể đưa ra quyết định tiến hành mổ tử thi.

Pháp luật hiện hành không quy định thời gian bao lâu thì phải tiến hành mổ khám nghiệm tử thi nhưng việc khám nghiệm tử thi cần được tiến hành càng sớm càng tốt kể từ thời điểm xảy ra cái chết để cho kết quả chính xác, xác định được nguyên nhân và trách nhiệm nếu có.

Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm tử thi phải được thông báo trước cho viện kiểm sát cùng cấp.

Kiểm sát viên phải có mặt để tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm tử thi và pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định, trong quá trình khám nghiệm tử thi, điều tra viên phải tiến hành lập biên bản ghi lại toàn bộ quá trình sự việc.

Trong trường hợp, sau khi khám nghiệm tử thi phát hiện việc nạn nhân tử vong là có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Cơ quan chức năng cũng tìm cách khôi phục sim điện thoại bị hư hỏng mà nạn nhân mang theo trong người, qua đó hi vọng có thể tìm được danh tính cũng như gia đình nạn nhân.

 

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên