24/08/2016 20:22 GMT+7

Tự chặt chân, tay để đòi bảo hiểm vì nợ vài trăm triệu đồng

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Hiệp hội bảo hiểm VN, công an và luật sư đều khuyến cáo đừng vì lợi ích mà hủy hoại thân thể khi nhắc đến vụ chị L. T. N thuê người chặt bàn chân tay của mình để đòi bảo hiểm chi trả 3,5 tỉ đồng.

Một lãnh đạo đội hình sự, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết theo như khai nhận thì chị N. đang nợ khoảng vài trăm triệu đồng.

Do áp lực phải trả nợ, chị N. đã nghĩ ra cách mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sau đó thuê D. lên kế hoạch tạo ra một vụ tai nạn giả bằng cách chặt chân và tay mình với giá 50 triệu đồng.

Sau khi thực hiện xong, D. đã được N. trả 20 triệu đồng.

“Điều đáng tiếc và đau đớn hơn cả đối với chị N. là cả bàn tay, bàn chân đều bị hoại tử phải tháo ra, bây giờ chị phải chấp nhận tàn tật, cụt một bàn tay, một bàn chân”, vị này cho biết.

Dễ mất cả chì lẫn chài

Theo ông Phùng Đắc Lộc, tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, mỗi một đơn vị kinh doanh bảo hiểm thường xây dựng quy chế riêng trong khai thác, thu hút khách hàng cũng như chi trả bồi thường, giải quyết khiếu nại rất chặt chẽ nên người mua bảo hiểm muốn qua mắt để trục lợi không dễ.

Trước khi bồi thường, bộ phận pháp chế của công ty bảo hiểm sẽ giám định hồ sơ, kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng thậm chí kiểm tra chéo nội bộ lẫn nhau nên dễ phát hiện những điểm mâu thuẫn trong các vụ việc có dấu hiệu trục lợi.

Ông Lộc cho biết đã từng có những vụ giả chết để lấy tiền bảo hiểm nhưng đều bị cơ quan chức năng phát hiện.

Điển hình ở Kiên Giang có vụ bà L. T. T. T. nhận cháu L. M. P. Đ. làm con nuôi rồi mua bảo hiểm cho Đ. Sau đó, bà T. nhờ chính quyền ở quê chồng mình làm biên bản giả tạo ra vụ con nuôi của bà bị chết đuối và đòi bảo hiểm chi trả tiền.

Nhận thấy có nhiều dấu hiện nghi vấn, phía bảo hiểm điều tra ra bà T. không có đứa con nào bị chết đuối, con nuôi của bà đã được thay tên, đổi họ và về sống với mẹ ruột.

Tương tự, ở Thanh Hoá cũng có một vụ người chồng là L. H. T. đến cơ quan công an trình báo vợ mình là L. T. H. bị chết do tai nạn giao thông. T. đã yêu cầu công ty nơi vợ mình làm việc trả tiền bảo hiểm đã đóng và chi trả đền bù bảo hiểm.

Tuy nhiên, phía bảo hiểm cùng cơ quan công an vào cuộc điều tra thì phát hiện vợ của T. đã về quê ngoại sinh sống. Còn phần mộ mà T. tạo ra cho vợ là giả. Khi công an khai quật thì phát hiện trong quan tài có chứa khoảng 20kg đất trộn với tiết lợn.

“Vụ tự chặt chân chặt tay thực sự rúng động nhưng cũng cần cái nhìn cảm thông vì có thể người phụ nữ này đang nợ nần bị chủ nợ đòi liên tục, họ không nghĩ ra tia sáng nào khác. Người dân cần tỉnh táo và hiểu rằng trục lợi bảo hiểm rất dễ mất cả chì lẫn chài, bởi nhiều khi không nhận được tiền mà còn phải chịu xử lý hình sự nếu hành lừa đảo, nhận tiền bảo hiểm đã thực hiện xong”, ông Lộc nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nhận định việc cơ quan Công an quận Từ Liêm không ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng theo quy định của Luật. Đối với hành vi chặt chân, chặt tay của D. cho dù là được thuê thì vẫn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên người bị hại trong vụ việc này là chị N. phải có đơn khiếu nại, cơ quan Công an đưa N. đi giám định thương tật thì mới có căn cứ để khởi tố điều tra, xử lý D. về tội danh này.

Luật sư Thơm cho biết thêm, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, dại dột và thiếu hiểu biết khi cho rằng tự huỷ hoại bản thân để đòi bảo hiểm thì sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi tự gây thương tích cho bản thân để trục lợi bảo hiểm đã được quy định tại điều 213 Bộ luật hình sự 2015 (đang bị tạm dừng) về hành vi “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.

Theo đó nếu người nào gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, thì sẽ tuỳ theo mức độ bị xử phạt hành chính cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù từ 1-3 năm.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên