28/07/2016 16:23 GMT+7

Đại án 9.000 tỉ: Cho vay cả trăm tỉ chỉ thẩm định trên hồ sơ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ngày 28-7, ngày xét xử tiếp theo của tuần xét xử thứ 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đã làm thất thoát của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 9.000 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Trong phần xét hỏi ngày 28-7, HĐXX và đại diện VKS đã xét hỏi nhóm bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ của VNCB trong việc thẩm định các hợp đồng tín dụng, quy trình cho vay tiền cũng như xác minh các tài sản bảo đảm thế chấp cho vay.

Dễ dãi vì đây toàn là khách hàng lớn

Hồ sơ cho thấy các bị cáo này đã không thực hiện đúng chức năng của mình, vi phạm về quy định cho vay, để thông qua hồ sơ vay vốn 12 công ty bù nhìn của Tập đoàn Thiên Thanh, làm thất thoát gần 2.000 tỉ đồng.

Theo đó, hàng loạt cán bộ ngân hàng với chức danh trưởng phòng kinh doanh, phòng tín dụng, phòng kế toán của VNCB đều cho rằng tất cả các hợp đồng cho vay đối với 12 doanh nghiệp (chỉ có giám đốc) của Tập đoàn Thiên Thanh đều nhận được sự đồng thuận từ hội đồng quản trị VNCB cũng như các lãnh đạo ngân hàng.

Việc nhận được sự đồng thuận của giám đốc, tổng giám đốc ngân hàng này khiến các bị cáo chỉ ký để hoàn thiện hồ sơ chứ không phải thực hiện chức năng thẩm định, đánh giá hồ sơ nữa.

Các bị cáo khai nhận do đây là khách hàng lớn có uy tín, có quan hệ với các sếp của ngân hàng nên các cán bộ, nhân viên của VNCB đều tin tưởng để làm các thủ tục cho vay. Có bị cáo còn cho rằng việc các bị cáo làm là thực hiện đúng nghiệp vụ, chức năng và vì sự phát triển của ngân hàng chứ không bởi tư lợi cá nhân.

Chỉ thẩm định trên hồ sơ bởi tài sản thế chấp rất lớn

Đó là lời khai của các nhân viên VNCB khi thực hiện việc cho vay.

Với trách nhiệm phải kiểm tra tài sản thế chấp, nhưng họ không kiểm tra tài sản thế chấp; đối với các doanh nghiệp vay thì phải xác minh doanh nghiệp kinh doanh gì, trụ sở ở đâu, có báo cáo tài chính hay không, tình hình hoạt động thế nào… đều không được các nhân viên ngân hàng thực hiện.

Đại diện VKS cho rằng nếu những nhân viên này thực hiện hết chức trách của mình thì làm sao hồ sơ vay của 12 doanh nghiệp “ma” chỉ có giám đốc “bù nhìn” này có thể rút ra được 2.000 tỉ đồng cho Phạm Công Danh sử dụng?

Cụ thể, trong phần trả lời của bị cáo Võ Ngọc Nguyễn Bình (nguyên phó phòng phụ trách kinh doanh, VNCB chi nhánh Sài Gòn), người thực hiện cho 4 hồ sơ vay thì hồ sơ này của lãnh đạo giao xuống và yêu cầu làm cùng Nguyễn Tiến Hùng, nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn.

“Anh Khương nói ban giám đốc đã xem hết rồi, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ và các cấp phê duyệt. Nhận thức của bị cáo lúc đó là mình làm đúng dù bị cáo không đi thực tế, bởi hồ sơ sếp đưa cho nên bị cáo nghĩ không cần thiết phải đi thực tế mà chỉ thẩm định trên hồ sơ, cán bộ tín dụng cũng không đi, bị cáo chỉ gặp doanh nghiệp lên ký hợp đồng”, bị cáo Bình khai.

Tuy nhiên, lời khai về việc gặp các giám đốc để ký hợp đồng vay tiền của Bình đã bị ba trong tổng số bốn bị cáo nguyên là giám đốc phản đối. Những người này cho rằng họ không hề đến ngân hàng để gặp Bình mà hồ sơ vay đều được ký tại Tập đoàn Thiên Thanh rồi nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh mang đến VNCB.

Bị cáo Bình lập luận dù bị cáo không đi kiểm tra tài sản và doanh nghiệp, nhưng thực tế tài sản thế chấp của các doanh nghiệp là rất lớn, nên đảm bảo rủi ro cho ngân hàng, do đó đây là căn cứ để bị cáo Bình chấp nhận các hồ sơ vay.

“Sau này, các hồ sơ của công ty Toàn Tâm, An Phát bị cáo Bình từ chối ký bởi dù hồ sơ đã nhận được chủ trương của lãnh đạo nhưng khi xem các hồ sơ này, tài sản đảm bảo là Tập đoàn Thiên Thanh, và khi đó Thiên Thanh là là cổ đông lớn của VNCB thì Luật tổ chức tín dụng không cho vay vốn nên bị cáo đã không ký và tự làm đơn xin nghỉ việc”, Bình nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên