06/06/2015 16:00 GMT+7

Bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Chấn, lấy tiền từ đâu?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Theo Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, tòa sẽ làm hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính duyệt chi ngân sách bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

undefined
Ông Nguyễn Thanh Chấn xúc động trong vòng tay người thân, xóm giềng ngày mới được trả tự do 

Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng thì đây là trường hợp nhận được bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. 

Cấp ngân sách để bồi thường

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội cho biết sau khi thỏa thuận xong về số tiền bồi thường với ông Nguyễn Thanh Chấn (bị kết án chung thân oan), theo đúng quy trình, tòa sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét.

Nếu không phát hiện sai sót, hồ sơ sẽ được chuyển cho Vụ kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao, sau đó chuyển sang Bộ Tài chính để cấp phát kinh phí.

Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt, tiền chi trả bồi thường sẽ được rót về Vụ kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao để chi trả cho ông Chấn.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết theo quy định của pháp luật, tất cả kinh phí bồi thường ở trung ương đều do Bộ Tài chính quản lý. 

Sau khi cơ quan bồi thường thương lượng thành công với ông Chấn, tòa án sẽ ra quyết định giải quyết bồi thường và chuyển giao quyết định cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

15 ngày sau khi nhận được quyết định, nếu ông Chấn không khiếu nại, khởi kiện thì quyết định sẽ có hiệu lực pháp luật.

Sau đó, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội lập hồ sơ và đề nghị cấp kinh phí để chuyển qua Vụ Kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao.

Sau khi thẩm định hồ sơ, nếu thấy thủ tục bồi thường đã đầy đủ, đúng trình tự thủ tục, Vụ Kế hoạch tài chính sẽ chuyển hồ sơ qua Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính. Vụ Hành chính sự nghiệp lại tiếp tục thẩm định.

Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong 15 ngày, Bộ Tài Chính sẽ cấp phát kinh phí qua tài khoản của Tòa án nhân dân tối cao. Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận tiền, tòa án sẽ phải chi trả tiền bồi thường cho ông Chấn.

Người tiến hành tố tụng có lỗi phải bồi thường

Về trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 7,2 tỷ đồng cho Nhà nước, ông Trần Việt Hưng cho biết trong vòng 20 ngày sau khi chi trả tiền bồi thường cho ông Chấn, các cơ quan sẽ thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.

Hội đồng sẽ ngồi lại với nhau để bàn xem ai là người chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền này.

Theo ông Hưng, thực tế ai là người gây oan sai cho ông Chấn trong thời gian truy tố, điều tra, xét xử thì phải xem xét.

Liên quan đến vụ án này đã có điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán bị khởi tố nên có thể hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ phải đợi bản án của tòa án.

Nếu tòa án tuyên các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có lỗi cố ý trong việc làm oan ông Chấn thì các đối tượng này mới phải chịu trách nhiệm  hoàn trả.

"Trong trường hợp tòa tuyên điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả." - ông Hưng cho biết.

Theo ông Trần Việt Hưng, trước đây có vụ bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) là người đã được tòa tuyên buộc cơ quan tố tụng phải bồi thường số tiền kỷ lục từ trước đến nay là 21 tỷ đồng.

Tuy nhiên bản án bồi thường cho ông Phi đã bị tòa tuyên hủy và đang được xem xét lại, chưa có hiệu lực thi hành.

 Vì vậy nếu ông Nguyễn Thanh Chấn được nhận số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng thì đây là trường hợp nhận được bồi thường oan sai lớn nhất từ trước tới nay.  

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng):

Phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ bồi thường của công chức

Điều 10, Điều 56 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, kết quả giám sát trong lĩnh vực hình sự cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn. 

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Luật đã quy định nhưng tại sao các ngành, các cấp không thực hiện? Đây là vấn đề rất lớn, cần phải được xem xét nghiêm túc để trả lời cho cử tri.

Qua giám sát cho thấy do chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn nên người gây ra oan sai “thoát” nghĩa vụ này.

Có thể thấy câu hỏi này không khó trả lời vì luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định. Vì vậy, với một vụ việc oan trái mà cả nước đều biết, đều quan tâm, hãy coi đây là cơ hội để thực hiện.

Điều đó không chỉ trả lại công bằng cho ông Nguyễn Thanh Chấn mà công bằng cho cả những người dân khác, khi bao năm qua một số tiền thuế không nhỏ của họ đã được dùng để bồi thường cho những án oan sai.

VIỄN SỰ ghi

Oan cho dân đóng thuế

Liên quan trách nhiệm bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn vì đã kết án chung thân oan đối với ông, khiến ông đã phải thi hành án, ngồi tù oan 10 năm khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến việc lấy tiền đâu để bồi thường.

Nhiều bạn đọc gửi phản hồi về Tuổi Trẻ đã bày tỏ rằng việc lấy tiền ngân sách (trong đó có tiền đóng thuế của người dân) để bồi thường lỗi mà người tiến hành tố tụng đã gây ra là không đúng.

Bạn đọc Quoc Huynh thắc mắc: Số tiền 7,2 tỷ đồng là do ai phải bỏ ra để đền oan sai? Cơ qua điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hay là tiền ngân sách nhà nước vậy? Tiền ngân sách thì là tiền của dân, mà oan sai này đâu phải do người dân gây ra mà bắt dân phải gánh chứ?

Bạn đọc Hoàng Phú Châu viết: Tiền ngân sách à? Thế là vẫn còn... oan, oan cho người dân đóng thuế. Cán bộ làm thiếu trách nhiệm, gây oan sai sao bắt dân chịu? 

Bạn đọc Ly Gia Bao đề nghị: Vụ án oan sai trên phải bắt những cán bộ tòa án mà xử ông Chấn, lấy tiền lương của mình ra để bồi thường cho ông. Tuyệt đối không dùng tiền thuế của người dân, làm như vậy mới giảm những vụ án oan sai như trên và sẽ chấm dứt được tình trạng "quýt làm cam chịu". 

Còn bạn đọc Lê Quang thì bình tĩnh phân tích: Để xử lý vụ này đã có Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nghĩa là trước tiên nhà nước bồi thường nếu có oan sai. Sau đó mới tính đến xử lý nội bộ xem ai làm sai. 

Các hành vi sai trái của công chức được xử lý bằng luật khác nhưng chắc sẽ không có công chức nào (có sai sót trong vụ này) phải đền đủ 7,2 tỷ cả, tựa như không bác sĩ nào - lỡ tay hoặc do kém trình độ - mổ chết bệnh nhân phải bị đền mạng cả.

Vì nếu vậy sẽ không có ai làm thẩm phán, kiểm sát viên, lái taxi, bác sĩ, phi công cả. Tất cả họ đều có tiềm năng gây chết người mà! Chế tài nào cũng phải để ngỏ khả năng để người bị trừng phạt phục thiện chứ không phải cứ thích là "đập chết ăn thịt" cho bõ tức!

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên