13/05/2015 10:47 GMT+7

“Không nơi nào xài tiền tùy tiện như ở Việt Nam”

TUYẾT MAI - H.ĐIỆP
TUYẾT MAI - H.ĐIỆP

TT -  Đó là ý kiến của ông Trần Du Lịch, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói khi góp ý Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Toàn bộ khu nhà hiệu bộ, nhà học chính của Trường THPT chuyên Trần Phú xây xong từ cuối năm 2012 và “bất động” từ đó đến nay - Ảnh: Thân Hoàng

Buổi tọa đàm góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) ngày 12-5 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức. 

Theo ông Lịch, dự thảo quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước là cụm từ sử dụng quá rộng, trong khi thực chất ngân sách nhà nước chỉ có hai nơi quyết định là Quốc hội và HĐND các cấp.

Ông Lịch đề xuất luật nên quy định rõ dự toán đã được Quốc hội hoặc HĐND các cấp quyết định, phê duyệt. Việc sử dụng từ ngữ tùy tiện khiến các cơ quan xài tiền một cách tùy tiện.

“Tôi đã đi nhiều nước nhưng không có nước nào xài tiền tùy tiện như VN. Tôi làm việc với Quốc hội Pháp, họ không mời được bữa cơm vì chưa thông qua ngân sách. Ở đây dự thảo viết là cơ quan có thẩm quyền, đó là cơ quan nào?” - ông nói.

Nói về vấn đề giám sát việc chi tiêu ngân sách nhà nước, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng thực tế hiện nay người dân không thể nào giám sát được việc chi tiêu ngân sách bởi dự toán ngân sách khi đưa ra Quốc hội toàn đóng dấu mật.

“Tôi đề nghị rất nhiều lần cái này phải sửa lại. Đại biểu của dân, ngân sách là tiền thuế của dân nhưng đưa ra Quốc hội lại là mật, tôi xì ra là tôi vi phạm luật”.

Theo bà Bùi Thị Mai Hoài (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), vấn đề sửa đổi chưa thật sự triệt để, vẫn mang tính chất “quá độ”, chắp vá. Khi mà triết lý quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn vẫn nghiêng về tuân thủ chứ chưa quản lý NSNN theo kết quả đầu ra thì luật cần bổ sung những qui định để tính công khai, minh bạch phải gắn với trách nhiệm giải trình các thông tin được công khai và đảm bảo sự tham gia thật sự của người dân vào trong hoạt động quản lý NSNN. Theo đó, cần thiết phải bổ sung thêm 1 điều về quyền yêu cầu cung cấp thông tin về NSNN của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Về trách nhiệm giải trình thì Dự thảo Luật chưa có một điều khoản riêng, mà nằm lẫn trong các điều khoản khác  và chỉ là giải trình chủ động của các cấp ngân sách, của đơn vị dự toán chứ chưa có nội dung qui định về giải trình theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức là những đối tượng chịu tác động hoặc thụ hưởng trực tiếp từ việc thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN. 

Về quyền giám sát của công dân, đề nghị cần bổ sung thêm một khoản về quyền giám sát trực tiếp và gián tiếp của công dân: “Công dân có quyền giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội đại diện cho mình về việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước ở các cấp ngân sách”. 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nêu ra thực tế hiện nay có rất nhiều quỹ dự phòng, theo các đại biểu thì hiện có hơn 70 quỹ ở trung ương, tuy nhiên toàn bộ số tiền trong quỹ đều nằm im một chỗ, trong khi ngân sách thiếu thì không thể sử dụng tiền các quỹ đó được.

Theo các đại biểu, đây là vấn đề tồn tại lớn nhất của ngân sách hiện nay.

TUYẾT MAI - H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên