29/03/2015 11:21 GMT+7

​Chia con

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - “Cô ấy là cô giáo mà ăn nói tục tĩu như vậy thì dạy con người ta thế nào?” - anh nói giữa tòa, giọng gay gắt. Chị khóc sụt sùi: “Chỉ vì tôi sinh được hai con gái, không sinh được con trai mà anh ấy kiếm cớ chửi mắng, đánh đập...”.

Phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp ly hôn được TAND TP Hà Nội mở vào một ngày giữa tháng 3. Vợ chồng họ cưới nhau được chục năm, đã có với nhau hai mặt con. Đứa lớn 9 tuổi, đứa bé 4 tuổi. Họ ly thân vào tháng 8-2014, rồi ly hôn vào cuối năm vì mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. TAND huyện giao con gái lớn cho anh nuôi, con gái bé chị nuôi. Anh kháng cáo đòi nuôi cả hai con.

Trả lời tòa về lý do đòi nuôi cả hai con, anh nói lớn: “Tôi không tán thành cách cô ấy dạy con. Năm ngoái cháu bé mới 3 tuổi nhưng cô ấy thả cháu vào máy giặt để quay. Cháu lớn năm ngoái mới 8 tuổi nhưng cô ấy ấn nó vào toilet, nhốt nó vào phòng khách rồi tắt điện. Cô ấy cầm chậu đuổi theo con từ nhà ra hẻm. Đuổi theo không kịp, cô ấy ném cái chậu ra sân vỡ nát.

Đuổi theo vậy lỡ con đập đầu xuống đất thì làm thế nào? Tôi còn chưa nói cô ấy là cô giáo mà ăn nói tục tĩu thì dạy con người ta ra sao? Hỏi thì cô ấy nói con người ta không hư như con anh, không dạy con để sau này nó đi làm đĩ à. Tôi hỏi tòa, đứa bé 8 tuổi thì biết gì mà cô ấy nói thế...”.

Thấy anh gay gắt, tòa ngắt lời bảo vợ chồng đã thuận tình ly hôn, chỉ kháng cáo chuyện con cái nên ở tòa phúc thẩm chỉ tập trung nói chuyện con. Tòa hỏi anh nói chị bạo hành con thì có chứng cứ gì không, anh lắc đầu.

Trả lời tòa, chị khóc sụt sùi: “Anh ấy đặt điều vu khống tôi. Tôi là giáo viên mầm non 10 năm nay, trông giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Chưa từng bị ai khiếu nại...”.

Chị thừa nhận với tòa có đánh mắng con gái lớn nhưng lý do vì nhiều lần chị phát hiện con lấy cắp tiền, trộm mấy lọ sơn móng tay móng chân của người họ hàng. Nhiều lần chị khuyên can con không được. Anh đi biền biệt, hai tuần về nhà một lần. Con ốm đau chị gọi điện thì anh tắt máy. Về nhà là anh đánh đập, chửi mắng vợ con.

“Ngày biết tôi mang bầu đứa thứ hai vẫn là con gái, anh đánh tôi ngay trong bữa ăn, trước mặt con gái lớn. Từ đó cứ mỗi lần tôi đi khám thai về anh lại đánh. Tôi xin tòa cho tôi nuôi hai con. Nếu không được thì cho tôi nuôi cháu bé vì cháu hay đau yếu...”.

Nghe chị nói vậy, anh vung tay phản ứng: “Tôi lên đón con về thì cô ta chửi từ ngoài ngõ. Tôi điện thoại lên gặp con thì cô ta không cho, cô ấy bày cho con bảo với tôi là thằng thất đức. Con còn bé, nếu cứ giáo dục nó như thế thì lớn lên nó sẽ thế nào?...”.

Tòa ngắt lời anh, hỏi người phụ nữ đi lấy chồng sinh được hai đứa con, giờ anh giành nuôi hết thì chị sẽ thế nào? Anh trả lời luôn: “Đó là điều bình thường. Người ta sống có tình thì không xa con dù chỉ một ngày. Nhưng cô ấy không thế. Cô ấy thất đức...”.

Trước tòa, chị bảo lương giáo viên mầm non của chị được 6 triệu đồng mỗi tháng. Anh bảo lương phó phòng hành chính của anh được 7 triệu đồng nên có thể nuôi tốt hai con. Rồi anh quay sang nói với chị: “Cô để tôi nuôi con, cả lý cả tình cô đều có lợi”. Chị lặng thinh.

Tòa tuyên bác kháng cáo của anh vì kháng cáo không có căn cứ. Bản án sơ thẩm được giữ nguyên, anh nuôi con lớn, chị nuôi con bé. Tòa giải thích sau này nếu anh chị thấy người kia nuôi con không tốt thì có thể làm đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Tan phiên tòa, anh vội vã đi trước. Chị lê những bước nặng nhọc đi sau.

Ra khỏi phòng xử, chị lật đật kéo khẩu trang bịt kín mặt, vậy mà không giấu được những dòng nước mắt. Chị dừng lại kể với người dự khán, anh đã nhiều lần bắt chị cố sinh đứa thứ ba để mong có con trai nhưng chị cứ lần lữa vì hai vợ chồng đều là công chức. Đến khi anh biết chị giấu anh đi đặt vòng và kiên quyết không sinh thì cuộc hôn nhân của họ không cứu vãn được nữa.

Chị nghẹn ngào: “Nhà cửa vợ chồng xây dựng, giờ anh nói của anh vay nợ để làm, tôi cũng để lại rồi ra đi tay trắng. Tôi nghĩ đã không còn gia đình, không còn tình nghĩa thì tài sản cũng trở nên vô nghĩa. Nghĩ chỉ thương con, nó vốn đã hư rồi, giờ sống với bố cứ đi biền biệt suốt ngày, đến hỏng đời nó mất thôi”.

Chị nói rồi kéo chiếc khẩu trang giấu những dòng nước mắt, lật đật bước đi...

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên