19/03/2015 09:32 GMT+7

Giao dịch dân sự lại bị công an "bắt khẩn cấp"

BÁ SƠN - NGỌC HẬU
BÁ SƠN - NGỌC HẬU

TT - Nợ tiền bán hạt điều, vay vốn làm ăn - những tưởng chỉ là giao dịch dân sự giữa bạn hàng với nhau nhưng bất ngờ bà Trần Thị Búp bị Công an huyện Bù Gia Mập "bắt khẩn cấp"

Con rể bà Trần Thị Búp là Vũ Xuân Dần đang trình bày đơn kêu oan cho mẹ vợ - Ảnh: B.S.

Công an tỉnh Bình Phước vừa yêu cầu Công an huyện Bù Gia Mập báo cáo gấp, đồng thời giao văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh thẩm định lại toàn bộ hồ sơ, chứng cứ trong vụ Công an Bù Gia Mập đã bắt khẩn cấp, khởi tố một bị can về tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo Công an tỉnh Bình Phước, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc cho thấy các căn cứ bắt khẩn cấp và khởi tố bị can không vững chắc.

Mặt khác, việc xử lý hình sự cũng có những dấu hiệu bất thường khi cơ quan điều tra yêu cầu gia đình bị can phải trả tiền cho người tố cáo mà không xem xét đến các tài liệu có lợi cho bị can. 

Bắt khẩn cấp

Theo đơn tố cáo của đại diện gia đình bà Trần Thị Búp (51 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), bà Búp có quan hệ làm ăn, mua bán hạt điều với bà Lâm Cẩm Bé (tên thường gọi là Dung, ngụ thị xã Phước Long, Bình Phước).

Trong quá trình làm ăn, do có nhu cầu vốn nên bà Dung mượn của bà Búp 4 tỉ đồng (có tính lãi suất).

Tới tháng 2-2015, sau nhiều lần trả thì bà Dung còn nợ bà Búp tiền gốc là hơn 210 triệu đồng và tiền lãi của 4 tỉ đồng (vẫn chưa được tính ra con số cụ thể). Trong băng ghi âm cuộc trao đổi giữa bà Dung và bà Búp thì bà Dung có thừa nhận nợ bà Búp số tiền trên.

Phải nghiên cứu cả chứng cứ gỡ tội

Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho rằng theo nguyên tắc, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không chỉ dùng chứng cứ buộc tội mà còn phải dùng chứng cứ gỡ tội.

“Nếu chỉ dùng chứng cứ buộc tội không thì coi chừng sai. Ngay cả trong quá trình xét xử cũng luôn luôn phải theo hướng có lợi cho bị cáo. Đã có chứng cứ gỡ tội cho bị can mà không nghiên cứu gỡ tội cho họ là trật, không thể được” - vị lãnh đạo này nói.

Ngày 1-2-2015, bà Búp nhận của bà Dung hai container hạt điều để bán lại và hưởng tiền cò.

Sau đó ít ngày, bà Búp bán xong hai container điều với giá hơn 880 triệu đồng/container nhưng mới trả tiền một container cho bà Dung. Bà Dung gọi điện đòi bà Búp phải trả nốt số tiền còn lại.

Ngày 6-2-2015, bà Dung và bà Búp hẹn nhau tại một quán cà phê tại thị xã Phước Long để giải quyết chuyện công nợ.

Cùng dự có bà Trần Thị Hoa (56 tuổi, ngụ P.Long Phước, thị xã Phước Long, là người quen chung của cả bà Dung và bà Búp), bà Lê Thị Thủy (ngụ Bình Phước, là người làm ăn với bà Dung) và một số người khác.

Tại đây, bà Búp đề nghị trước khi tính tới số tiền bán container điều còn lại thì bà Dung tính toán công nợ và hẹn ngày trả số tiền mà bà Dung còn nợ bà Búp (bao gồm số tiền gốc còn lại của khoản vay 4 tỉ và lãi suất, tiền lời - lỗ một số container điều hai người có mua bán chung và một số khoản tiền khác).

Tuy nhiên, bà Dung chỉ thừa nhận nợ bà Búp số tiền gốc còn lại là “hơn 210 triệu đồng” cùng tiền lãi của 4 tỉ đồng và hẹn “28, 29 tết sẽ trả”.

Đồng thời, bà Dung chất vấn bà Búp tại sao chưa trả tiền bán container điều còn lại cho bà Dung thì bà Búp trả lời “yên tâm, tiền của ai sẽ về người đó”.

Bà Dung yêu cầu ngay trong chiều cùng ngày bà Búp phải trả tiền, nếu không “sẽ nhờ công an giải quyết”.

Sau đó, hai bên tiếp tục tranh cãi nhưng không đi đến được thống nhất. Chứng kiến cuộc tranh cãi, bà Trần Thị Hoa khuyên bà Dung và bà Búp tự giải quyết với nhau, “nếu đưa ra pháp luật thì xấu hổ”; còn bà Lê Thị Thủy không có ý kiến gì.

Trong suốt cuộc gặp, bà Dung nhiều lần khẳng định hai container điều nói trên là của mình bán lại cho bà Búp.

Những tưởng vụ việc trên chỉ là giao dịch làm ăn giữa bà Dung và bà Búp, nhưng bất ngờ mấy ngày sau, bà Lê Thị Thủy làm đơn tố cáo bà Búp tới Công an huyện Bù Gia Mập.

Từ đơn tố cáo của bà Thủy, Công an huyện Bù Gia Mập đã nhiều lần làm việc với bà Búp. Trong những lần làm việc này, bà Búp cung cấp băng ghi âm cuộc trao đổi ngày 6-2-2015 giữa bà Búp và bà Dung.

Trong đó, thể hiện bà Búp mua hai container điều của bà Dung chứ không giao dịch với bà Thủy, đồng thời thể hiện việc bà Dung còn nợ tiền của bà Búp và giữa hai người chưa thống nhất được một số khoản tiền.

Ngày 12-2-2015 (24 tháng chạp), sau khi làm việc với công an, bà Búp đang trên đường về nhà thì Công an huyện Bù Gia Mập bắt khẩn cấp.

Quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân Bù Gia Mập phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp bà Búp - Ảnh: B.S.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo quyết định phê chuẩn của Viện KSND huyện Bù Gia Mập, căn cứ để bắt khẩn cấp bà Trần Thị Búp là theo điểm b, khoản 1, điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Bình Phước và PC44 Công an tỉnh Bình Phước đang thẩm định lại căn cứ pháp lý của quyết định bắt khẩn cấp này.

Theo Công an tỉnh Bình Phước, hiện nay văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã sao lưu toàn bộ hồ sơ từ Công an huyện Bù Gia Mập để thẩm định theo hai nội dung: thứ nhất là việc bắt khẩn cấp bà Búp có cơ sở không, có cần thiết không; thứ hai là xác định đây là vụ án hình sự hay dân sự.

Căn cứ vào các chứng cứ, lời khai thu thập từ cả hai phía người tố cáo và bị can, Công an tỉnh Bình Phước sẽ xem xét và có ý kiến chính thức.

Trong khi đó, Viện KSND tỉnh Bình Phước cũng đã yêu cầu Viện KSND huyện Bù Gia Mập báo cáo và thẩm định hồ sơ kiểm sát. Sau khi thẩm định, nếu thấy căn cứ, chứng cứ pháp lý không đảm bảo thì các cơ quan thẩm định sẽ yêu cầu hủy bỏ tạm giam, đình chỉ vụ án.

“Có căn cứ hay không có căn cứ thì chúng tôi cũng sẽ có ý kiến sớm. Các cơ quan thẩm định làm việc trên tinh thần làm gấp, không rề rà vì nếu làm sai mà càng kéo dài thì càng có hại” - lãnh đạo một cơ quan tố tụng của Bình Phước nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng - phó trưởng Công an huyện Bù Gia Mập - cho biết cơ quan công an đã nhận được đơn khiếu nại của người dân và sẽ trả lời đơn theo quy trình.

Việc Công an Bù Gia Mập bắt khẩn cấp và khởi tố đối với bà Búp đã có viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn và hiện nay Công an tỉnh đang thẩm định.

Ông Hùng lấy lý do vụ việc đang được điều tra nên từ chối cung cấp thông tin và nói “việc người dân khiếu nại thì cơ quan công an sẽ củng cố thêm để trả lời cho người dân”.

Việc bắt bà Búp chưa thuyết phục (?)

Theo luật sư Nguyễn Thế Tân, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, điểm b, khoản 1, điều 81 Bộ luật dân sự quy định trường hợp được bắt khẩn cấp khi “người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn”.

Xét vào trường hợp bị bắt khẩn cấp của bà Trần Thị Búp thì tại thời điểm làm việc với Công an Bù Gia Mập, bà Búp có hộ khẩu thường trú tại Bù Gia Mập và vẫn làm ăn, giao dịch bình thường, không có lý do gì để bỏ trốn.

Vợ chồng bà Búp có nhà cửa và xưởng chế biến hạt điều vẫn đang hoạt động.

Luật sư Nguyễn Thế Tân cho rằng việc Cơ quan điều tra Công an huyện Bù Gia Mập vận dụng điều khoản trên để bắt khẩn cấp bà Búp và Viện KSND  huyện Bù Gia Mập phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp này là chưa thuyết phục.

BÁ SƠN - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên