05/03/2015 11:51 GMT+7

Nếu người lái môtô làm chủ tốc độ, tai nạn đã không xảy ra

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)

TT - Theo video ghi lại, nếu các xe đi phượt giữ đúng khoảng cách an toàn, làm chủ được tốc độ thì đã không đâm vào ông Lìn Mã Sáng.

Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh cắt từ clip
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh cắt từ clip

Tôi đã xem video ghi lại vụ tai nạn giao thông tại Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng tranh cúp Biwase lần 5-2015 làm chết ông Lìn Mã Sáng (53 tuổi, thành viên CLB môtô Q.Tân Bình, TP.HCM).

Video cho thấy chiếc môtô lao tới chèn qua người ông Lìn Mã Sáng đã có các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng hàng loạt quy định của Luật giao thông đường bộ như: lạng lách, chạy nhanh, không làm chủ được tốc độ, điều khiển môtô vượt quá tốc độ tối đa, vượt đoàn xe ưu tiên, không giữ khoảng cách an toàn khi điều khiển môtô tham gia giao thông trên đường bộ...

Điều 7, 8, 9 thông tư số 13/2009/TT-BGTVT quy định tốc độ tối đa cho phép đối với môtô tham gia giao thông trên đường trong khu vực đông dân cư là 40 km/giờ, ngoài khu vực đông dân cư là 60 km/giờ.

Đoạn video cho thấy chiếc môtô sau khi gây tai nạn với ông Sáng đã bung lên không trung, điều này chứng tỏ chiếc môtô này đang chạy với tốc độ rất lớn (theo những người thường chạy môtô, tốc độ lúc ấy có thể trên 100 km/giờ).

Clip ghi lại vụ tai nạn - Nguồn: Youtube

Do chưa biết cụ thể đoạn đường xảy ra tai nạn thuộc loại đoạn đường được quy định như thế nào về tốc độ tối đa khi tham gia giao thông nhưng với tốc độ quá cao như trên, đoàn xe này đã vượt quá tốc độ tối đa cho phép. 

Điều 8.1 Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định. Ngay cả khi chạy đúng tốc độ, người điều khiển phương tiện cũng phải kiểm soát được tốc độ. Nếu người điều khiển chiếc môtô làm chủ được tốc độ thì có thể đã không chèn qua người ông Sáng dù ông Sáng có ngã ra đường.

Ngoài ra, quy định khi tham gia giao thông người điều khiển chỉ được phép vượt khi đáp ứng đủ các điều kiện: xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi, chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải, không được vượt xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. 

Tuyến đường xảy ra tai nạn là đường hai chiều, đoàn môtô có xe cảnh sát dẫn đường thì được xem là đoàn xe ưu tiên theo quy định tại điều 22.1.b Luật giao thông đường bộ 2008, nhưng đoàn môtô đi phượt vẫn vượt với tốc độ cao, vượt khi đoàn xe ưu tiên vẫn đi ở sát bên trái làn đường đi cùng chiều.

Như vậy, đoàn môtô đi phượt đã vi phạm các quy định an toàn giao thông khi vượt xe, không được vượt đoàn xe ưu tiên theo điều 14 Luật giao thông đường bộ.

Theo điều 12 Luật giao thông đường bộ và điều 4, 11, 12 thông tư 13/2009/TT-BGTVT, người lái xe cũng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình.

Theo đó, lái xe phải đảm bảo khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước để đảm bảo xử lý tốt tình huống phát sinh, tránh được chướng ngại vật trên đường. 

Theo video ghi lại, cứ cho là hai thành viên của đội môtô bảo vệ đoàn đua đã va chạm với nhau rồi ngã ra đường nhưng nếu các xe đi phượt giữ đúng khoảng cách an toàn, làm chủ được tốc độ thì đã không đâm vào ông Lìn Mã Sáng.

Rõ ràng những người điều khiển môtô này đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ông Lìn Mã Sáng tử vong. Do đó, người trực tiếp gây tai nạn ngoài việc phải liên đới bồi thường thiệt hại còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 202 Bộ luật hình sự.

Việc ông Lìn Mã Sáng ngã ra đường bất ngờ chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự của người điều khiển môtô chèn qua người nạn nhân.

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên