Chị Lê Thị Lành buồn bã chăm sóc chồng là anh Lê Văn Ngọc Hùng (42 tuổi) tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A Lộc |
Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 22-2 (27 tháng chạp đến mùng 4 tết) đã có trên 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong.
Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... là những địa phương có số người phải vào viện vì... đánh nhau cao nhất nước.
Theo nhận xét của các bác sĩ, một phần nguyên nhân là đánh nhau sau va chạm giao thông khi đi chúc tết, chơi xuân và đánh nhau sau khi uống rượu bia.
Người trực tiếp đánh nhau bị thương đã đành, có một số trường hợp do can ngăn hàng xóm, hay thậm chí là khách qua đường dừng lại xem đánh nhau mà bị vạ lây |
Bác sĩ NGUYỄN TIẾN DŨNG (khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang) |
Lỡ chạm vai cũng bị đâm chết
Theo Công an TP Huế (Thừa Thiên - Huế), tại TP này đã xảy ra một vụ ẩu đả gây chết người trong đêm 19-2 (mùng 1 tết) tại quán bar Zen Club. Hung thủ là Nguyễn Văn Hải Tuệ (20 tuổi, trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) đã đâm chết một thanh niên 23 tuổi chỉ vì lỡ chạm vào vai gây khó chịu.
Thống kê của Trung tâm chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết từ ngày 15 đến 22-2 đã tiếp nhận 35 trường hợp đánh nhau. Cao điểm là ngày 22-2, bệnh viện này tiếp nhận đến 15 trường hợp bị thương do đánh nhau, cao hơn hẳn các năm trước.
Tương tự, Công an huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết khuya 22-2, sau khi uống rượu, Nguyễn Quốc Cường (27 tuổi) chở Huỳnh Minh Tuấn (16 tuổi) chạy ngang một quán vỉa hè ở thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.
Nhóm ba người của Trương Khải Thọ có nói với theo: “Đi đâu vậy mấy thằng nhóc?”. Cường về nhà lấy dao quay lại hỏi: “Thằng nào hồi nãy chửi tao?”.
Cả nhóm của Thọ liền bỏ chạy, riêng Thọ chưa kịp chạy thì bị Cường móc dao thủ sẵn trong người đâm liên tiếp hai nhát trúng vào hông sườn trái và chết trên đường đến bệnh viện.
Bác sĩ Hà Văn Tâm, giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Châu (An Giang), cho biết mùng 2 tết bệnh viện tiếp nhận năm ca bị thương do đánh nhau, trong đó có một ca ở xã Long An tử vong.
Theo người nhà nạn nhân kể lại, sáng hôm ấy bạn bè tổ chức họp mặt lai rai mừng xuân, ông N.V.T. đến chung vui. Trong cuộc nhậu xảy ra xích mích dẫn tới cự cãi lớn tiếng nên ông T. bỏ ra ngoài lên xe máy về nhà.
Một bạn nhậu xách dao đuổi theo đâm khiến ông này gục tại chỗ. Mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp.
Còn bác sĩ Bùi Văn Te, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, cũng cho hay có ngày nơi này tiếp nhận hơn chục ca, tất cả đều có nguyên nhân do xảy ra mâu thuẫn, xích mích sau khi đã dùng rượu bia quá chén. Ngoài ra một số trường hợp đánh nhau từ chỗ ăn thua cờ bạc.
Từ ngày 15 đến 22-2, các cơ sở y tế trong tỉnh An Giang đã tiếp nhận điều trị 284 ca bị thương tích do đánh nhau, ẩu đả, trong đó có ba người tử vong. Con số này tăng đột biến so với dịp tết các năm trước.
Nằm cấp cứu vẫn còn cãi vã
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), bệnh nhân P.M.T. (ngụ Trảng Bom) bị chém gần đứt nhiều ngón tay trái, bác sĩ phải nối gân chỉ được hai ngón.
Còn tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sáng 23-2, còn ba bệnh nhân đang điều trị vì bị đả thương trong dịp tết.
Bệnh nhân Lê Văn Ngọc Hùng (42 tuổi, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) được chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi phải, đang đợi mổ. Trước đó, ông Hùng nhập viện tối 22-2 (mùng 4 tết) do bị cháu ruột đánh.
Kể lại sự việc, vợ ông Hùng cho biết ông Hùng cùng anh rể và hai đứa cháu ngồi nhậu tại nhà ông Hùng. Sau vài ly bia, giữa ông Hùng và cháu ruột xảy ra mâu thuẫn, người cháu nói: “Chú ăn gì mà ngu thế?”.
Ông Hùng trả lời: “Mày nói thế thì bước ra khỏi nhà tao chứ mày dạy tao hả?”. Bực tức, người cháu chạy về nhà lấy cây sắt quay lại đánh vào người ông Hùng khiến ông ngã quỵ tại chỗ.
Còn tại Kiên Giang, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang - cho biết bình quân mỗi ngày tết có khoảng 10 trường hợp nhập viện do đánh nhau, đều là các trường hợp bị thương nặng được người nhà chuyển lên từ các huyện, nhiều nhất là huyện Hòn Đất.
Số ca nhập viện sau khi phát sinh mâu thuẫn trên bàn nhậu tăng khá nhiều so với năm trước.
Không ít trường hợp người bị thương sau khi được sơ cứu, điều trị đã tìm cách bỏ trốn vì sợ bị công an bắt, bác sĩ Dũng kể. Lại có trường hợp vào đến bệnh viện, đang nằm trên giường cấp cứu nhưng hai bên vẫn còn cãi vã, hăm he nhau về nhà sẽ... “xử tiếp”.
“Người trực tiếp đánh nhau bị thương đã đành, có một số trường hợp do can ngăn hàng xóm, hay thậm chí là khách qua đường dừng lại xem đánh nhau mà bị vạ lây” - bác sĩ Dũng nói.
Ngoài nguyên nhân đánh nhau do rượu chè quá chén, cũng có trường hợp đánh nhau do mâu thuẫn nợ nần bài bạc, điển hình mùng 3 tết có tới ba người trong một gia đình phải nhập viện với các vết thương rạch mặt, đâm, chém vì bị giang hồ đòi nợ.
Thống kê của công an: không đến hàng trăm “Bình quân mỗi ngày chỉ có 20-30 vụ cố ý gây thương tích” là khẳng định của trung tướng Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, về tình hình an ninh trật tự trên cả nước trong những ngày Tết Ất Mùi 2015. Theo ông Vĩnh, tình hình an ninh trật tự Tết Nguyên đán năm nay trên cả nước rất bình yên nên không thể có con số hơn 5.000 người bị thương tích do đánh nhau. Thống kê của lực lượng công an cho biết con số này không đến hàng trăm. Đơn cử mùng 1 tết, trên cả nước xảy ra 80 vụ việc có dấu hiệu hình sự, trong đó bao gồm cả cố ý gây thương tích; mùng 4 tết là 61 vụ... Cũng liên quan đến con số này, giám đốc Trung tâm thông tin chỉ huy Bộ Công an Đào Quang Kỳ cho biết những địa phương mà báo chí có nêu đều được lãnh đạo bộ chỉ đạo kiểm tra. Ông Kỳ cho rằng có lẽ những vụ việc đánh nhau gây thương tích chỉ chủ yếu xảy ra ở các vùng nông thôn, còn trên thực tế ở các vùng đô thị, thành phố lớn rất ít vụ việc như vậy. (MINH QUANG) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận