10/02/2015 10:40 GMT+7

Kiện sản phẩm có dị vật: Nhiều trường hợp được bồi thường

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Trên thế giới từng xảy ra không ít vụ khách hàng phát hiện trong nước giải khát và thực phẩm có côn trùng chết như ruồi, chuột trong chai nước ngọt, lưỡi cưa trong bánh mì kẹp...

Một con côn trùng chết trong bánh hamburger của McDonald’s ở Norfolk, Anh - Ảnh: Huffington Post
Một thực trạng ở Việt Nam là đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng lại rất ít khi thắng kiện nhà sản xuất. Có lẽ không có ở nước nào người tiêu dùng bị xâm phạm như ở nước ta
Ông ĐINH VĂN QUẾ 
(nguyên chánh Tòa hình sự TAND tối cao)

Trong phần lớn trường hợp nêu trên, khi khách hàng kiện thì nhà sản xuất hoặc hãng cung cấp sản phẩm luôn phải bồi thường.

Nhiều khách hàng thắng kiện

Theo Hãng tin Press Trust Of India, hồi tháng 9-2014 chính quyền thành phố Chennai ở Ấn Độ đã buộc Hãng rượu USL phải bồi thường cho một khách hàng tên G Ramesh gần 900 USD do ông Ramesh mua một chai rượu của USL có chứa côn trùng chết hai năm trước.

Sau khi mua phải chai rượu này, ông Ramesh khiếu nại lên USL nhưng bị phớt lờ. Ông đâm đơn kiện lên chính quyền thành phố. USL bào chữa rằng dây chuyền sản xuất của hãng an toàn 100%, không thể có chuyện côn trùng chết trong chai rượu.

Tuy nhiên, chính quyền Chennai khẳng định USL phải bồi thường và nhấn mạnh bất cứ ai uống phải rượu có côn trùng chết như vậy cũng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tương tự, hồi tháng 4-2014 Ủy ban Giải quyết khiếu nại tiêu dùng Ấn Độ buộc Hãng Hindustan Coca-Cola Beverages bồi thường cho một khách hàng gần 200 USD vì ông này mua phải một chai nước Fanta có côn trùng chết bên trong. Hindustan Coca-Cola cãi rằng chai Fanta có thể là hàng giả, nhưng điều tra cho thấy đó chính là sản phẩm của hãng.

Vẫn ở Ấn Độ, hồi tháng 4-2006 nhà chức trách New Delhi ép đại gia giải khát Coca-Cola phải nộp phạt và bồi thường gần 2.000 USD cho một khách hàng mua phải một chai nước Sprite có đầy côn trùng chết bên trong. Cũng như vụ trên, Coca-Cola tuyên bố chai nước Sprite trên là hàng giả, nhưng rốt cuộc phải chấp nhận chi tiền.

Có vụ được bồi thường hàng chục nghìn USD

Tại các nước phương Tây, trong những trường hợp tương tự, người mua phải sản phẩm có dị vật thường đòi bồi thường lên đến hàng chục nghìn USD. Tháng 11-2008, anh Ronald Ball ở hạt Madison, bang Illinois (Mỹ) mua một lon nước Mountain Dew của Pepsico, mở nắp, nhấp một ngụm và lập tức ói mửa. Hóa ra bên trong lon nước này có một con chuột nhỏ chết. Lập tức anh Ball đâm đơn kiện Pepsico, đòi bồi thường tới 75.000 USD.

Pepsico bào chữa rằng không thể có chuyện chuột chui được vào lon Mountain Dew, bởi nếu có xác chuột sẽ bị biến thành một miếng như thạch vì tác động của nước sođa. Vụ việc gây xôn xao dư luận sau bốn năm dằng dai, rốt cuộc Pepsico chấp nhận bồi thường cho anh Ball một khoản tiền không tiết lộ (nhưng được biết là cũng khá lớn) để anh Ball hủy bỏ đơn kiện.

Hồi tháng 11-2001, anh Waddah Mustapha ở thành phố Windsor (Ontario, Canada) đâm đơn kiện Công ty nước giải khát Culligan vì vợ chồng anh uống phải một chai nước có ruồi chết bên trong. Trong đơn kiện, anh khẳng định đã bị ám ảnh với con ruồi chết trong chai nước đến mức mất ngủ, trầm cảm, thậm chí hết hứng thú với cuộc sống chăn gối.

Tòa án Windsor đã buộc Hãng Culligan phải bồi thường tới 343.000 USD. Tuy nhiên, sau đó Tòa án tối cao Canada hủy bỏ phán quyết này vì cho rằng anh Mustapha không chứng minh được tác động của việc uống chai nước trên tới sức khỏe.

Những trường hợp dị vật trong thực phẩm khác còn kinh khủng hơn. Theo trang www.i-lawsuit.com, năm 2008 anh John Agnesini ở New York mua bánh mì của cửa hàng Subway và phát hiện bên trong có một lưỡi cưa dài 17cm. Anh đâm đơn kiện Subway đòi bồi thường tới 1 triệu USD và tòa án ra phán quyết cho anh hưởng khoản bồi thường 20.000 USD.

Năm 2005, anh David Scheiding khi đến cửa hàng đồ ăn nhanh Arby’s ở Miami ăn bánh mì kẹp thịt gà thì bất ngờ phát hiện trong bánh mì có một ngón tay người. Anh Scheiding kiện Arby’s và được bồi thường 50.000 USD.

Năm 2004, cô Laila Sultan ở quận Cam đi ăn ở nhà hàng McCormick & Smith’s Irvine và nhai phải một bao cao su đã qua sử dụng trong chén xúp. Cô đâm đơn kiện nhà hàng McCormick & Smith’s Irvine và được bồi thường một khoản tiền không công bố.

Phải thu hồi tất cả

Theo AFP, hôm 5-2, lãnh đạo chuỗi nhà hàng McDonald’s tại Nhật đã phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng vì vụ phát hiện mẩu răng người trong khoai tây chiên tại một nhà hàng ở Osaka. 

Theo báo Japan Times, mới tháng 1 vừa qua, Công ty Nhật Asahi Holdings phải thu hồi 120.000 túi thực phẩm cho trẻ em sau khi một khách hàng ở Tochigi, đông bắc Tokyo, phát hiện một con dế bên trong một túi thực phẩm.

Sau khi điều tra, Asahi Holdings xác nhận túi thực phẩm này được đóng gói tại nhà máy của công ty ở thành phố Kazo. Lãnh đạo Asahi Holdings phải lên tiếng xin lỗi khách hàng. 

Trước đó tháng 12-2014, Hãng Nissin Frozen Foods cũng ở Nhật đã thu hồi gần 750.000 gói mì Ý sau khi có khách hàng phát hiện một con gián chết bên trong một gói mì hồi cuối tháng 11. Nissin thừa nhận nhiều khả năng rau mà công ty này sử dụng trong sản phẩm đã chứa gián.

Tương tự, Hãng sản xuất mì gói Maruka Foods Corp đã phải dừng toàn bộ hoạt động ở hai nhà máy sau khi phát hiện côn trùng bên trong một gói mì.

Maruka cũng ngưng bán mì và thu hồi 50.000 gói mì được sản xuất tại dây chuyền đã làm ra gói mì có chứa côn trùng. Hãng cũng cam kết trả lại tiền cho bất kỳ khách hàng nào muốn trả lại các gói mì đã mua. Trong những vụ tương tự ở Nhật, nhà sản xuất thường chịu thiệt hại nặng nề do bị người tiêu dùng tẩy chay trong nhiều năm liền.

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên