16/09/2014 12:16 GMT+7

Hoãn xử vụ Hào Dương vì phát sinh tình tiết mới

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sáng 16-9, sau phần thẩm vấn và xét hỏi, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên bố hoãn xét xử để làm rõ một số tình tiết phát sinh tại phiên tòa.

Bị cáo Trịnh Thị Phương Mai (áo đen) tại phiên tòa sáng 16-9 - Ảnh: Hoàng Điệp

Vụ án “Vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động” xảy ra tại Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương, KCN Hiệp Phước, Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM).

Có kỹ sư Trung Quốc chỉ đạo vụ việc?

Theo đó, bị cáo Trịnh Thị Phương Mai (31 tuổi, ngụ P.Phú Mỹ, Q.7, nguyên phó giám đốc Công ty Hào Dương) đã phản đối toàn bộ nội dung cáo trạng liên quan đến vụ việc.

Bị cáo cho rằng khi xảy ra sự việc, các công nhân đã làm việc dưới sự chỉ đạo của một người kỹ sư Trung Quốc (do hội đồng quản trị là ông Tăng Văn Đức đưa vào công ty) và bị cáo không chỉ đạo các kỹ sư và công nhân thực hiện công việc dẫn đến xảy ra tai nạn.

Theo bị cáo Mai, cô đã phản đối việc người kỹ sư Trung Quốc đưa công nhân đi xử lý bể chứa nước thải của công ty vào ngày 24-4 và yêu cầu sẽ làm việc này vào ngày 30-4.

Theo lời khai của ông Phận, phó giám đốc Công ty Hào Dương và bị cáo Mai, công ty không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động.

Lý do để bị cáo Mai khai ra các tình tiết mới liên quan đến kỹ sư người Trung Quốc bởi sau khi vụ việc xảy ra hội đồng quản trị (HĐQT) đã họp trong công ty cho rằng không nên khai ra người kỹ sư Trung Quốc.

Chủ tịch HĐQT đã nói với Mai rằng cô cứ lo việc cho chu toàn, mọi việc đã được lo ổn thỏa. Tuy nhiên, mới đây HĐQT đã sa thải bị cáo và đẩy toàn bộ trách nhiệm của vụ việc cho mình nên bị cáo mới biết rằng mọi lời hứa của HĐQT là "hứa lèo". 

Xác nhận thông tin liên quan đến lời khai của bị cáo Mai, ông Trương Hải, giám đốc Công ty Hào Dương cho biết việc kỹ sư Trung Quốc vào làm việc trong công ty hoàn toàn là ý của HĐQT, ban giám đốc không được biết.

Đồng thời, mọi đề đạt liên quan đến phương tiện bảo hộ lao động gửi lên HĐQT của công ty đều không được phản hồi và Ban giám đốc chỉ là những người làm công ăn lương nên không quyết được vấn đề tài chính.

Không trang bị phương tiện bảo hộ lao động?

Theo lời khai của bị cáo Mai cũng như ông Lê Đức Phận, phó Giám đốc Công ty Hào Dương, vị kỹ sư Trung Quốc này đã làm việc tại Hào Dương cả tháng trước đó và không hề có đăng ký tạm trú tạm vắng.

Khi xảy ra sự việc, người Trung Quốc này đã rời công ty ngay lập tức.

Tại phiên tòa, một người được mời đến với tư cách là nhân chứng là ông Uông Trường Giang - chủ tịch HĐQT Công ty kỹ thuật môi trường Bắc Nam (Phước Kiểng, H.Nhà Bè).

Ông Giang cho biết công ty của mình là đối tác thường xuyên của Hào Dương trong việc chở chất thải đi xử lý.

Tại tòa, ông Giang cho biết các công nhân của Hào Dương làm việc trong môi trường độc hại và không có các phương tiện bảo hộ tối thiểu là khẩu trang than hoạt tính.

Ông Giang cũng khẳng định rằng Hào Dương hoạt động không tuân thủ pháp luật và bản thân ông đã ký hợp đồng với ban giám đốc nhưng đến tận hôm nay ra tòa, ông Giang mới biết mặt ông Hải, ông Phận và bị cáo Mai.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương do ông Tăng Văn Đức làm chủ tịch HĐQT, ông Trương Hải làm giám đốc, ông Lê Đức Phận làm phó giám đốc phụ trách về an toàn lao động và bà Trịnh Thị Phương Mai làm phó giám đốc phụ trách về môi trường.

Ngày 24-4 kỹ sư Nguyễn Minh Tuân, phó phòng môi trường báo với bà Mai về việc đường ống dẫn bùn sang bể lắng bị nghẹt và đề xuất phương án xử lý.

Sau khi nghe báo cáo, bà Mai đồng ý để Nguyễn Minh Tuân đi kiểm tra và thực hiện công việc.

Đến khoảng 9g ngày 24-4 Nguyễn Minh Tuân đi xuống hiện trường cùng Nguyễn Văn Dủ, Huỳnh Thanh Tài, Trần Quốc Trí, Lê Phát Tài.

Quá trình thông cống nghẹt đã làm 3 người là Huỳnh Thanh Tài, Nguyễn Minh Tuân và Lê Phát Tài chết ngạt bởi khí thải.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên