21/04/2009 06:20 GMT+7

Chứng thực chữ ký: Khổ với những biểu mẫu "không giống ai"

CHI MAI
CHI MAI

TT - Nhiều người dân bức xúc vì đến phường chứng thực chữ ký nhưng phường chỉ qua công chứng, công chứng lại chỉ về phường… UBND phường khẳng định không phải phường làm khó dân. Vậy tại sao?

volfakQ8.jpgPhóng to
Người dân làm thủ tục tại Phòng công chứng số 1 - Ảnh: Chi Mai

Tháng 3-2009, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (ngụ P.9, Q.3, TP.HCM) đưa chúng tôi xem bộ hồ sơ bảo hiểm nhân thọ mà người chồng quá cố của bà đã ký kết với Công ty bảo hiểm Prudential. Bà cho biết đã mất hơn ba tháng lên xuống nhiều nơi mà vẫn không nhận được quyền lợi bảo hiểm.

Vào năm 2002, chồng bà Tâm là ông Phạm Đức Tiến đứng tên ký hợp đồng mua sản phẩm bảo hiểm tích lũy giáo dục của Prudential cho con gái. Tháng 12-2008 ông Tiến mất. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Tâm đã đến công ty bảo hiểm yêu cầu hủy hợp đồng, nhận hoàn lại số tiền đã đóng.

Chạy lòng vòng

Sau nhiều lần liên hệ, bà Tâm mới được công ty bảo hiểm hướng dẫn thủ tục nhận lại tiền với điều kiện phải làm “văn bản thỏa thuận cử người nhận quyền lợi bảo hiểm”, và phải có chứng thực địa phương về chữ ký của những người có tên trong văn bản.

Khi đem mẫu văn bản thỏa thuận này đến UBND P.9, Q.3 để chứng thực chữ ký, phường từ chối và cho rằng nội dung văn bản liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế, không thuộc thẩm quyền của phường mà phải do cơ quan công chứng ký. Bà Tâm mang văn bản này đến phòng công chứng nhưng chẳng phòng công chứng nào nhận. Theo cơ quan công chứng, việc khai nhận di sản thừa kế phải được thực hiện theo một trình tự, biểu mẫu quy định chứ không phải theo văn bản mà công ty bảo hiểm đưa ra.

Gia đình bà Tâm đành trở lại công ty bảo hiểm đề nghị xem xét lại văn bản thỏa thuận này. Sau hơn chục ngày “nghiên cứu”, phía công ty bảo hiểm mới mời gia đình lên thanh lý hợp đồng, nhận lại số tiền hơn 8,5 triệu đồng.

Bà Ung Thị Xuân Hương, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết có nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật nên soạn thảo nhiều biểu mẫu không đúng, gây khó khăn cho người dân. Sở Tư pháp TP sẽ tập hợp các biểu mẫu không đúng quy định này để gửi về các phường xã nhằm lưu ý. Nhất là sẽ có văn bản gửi tới một số tổ chức, đơn vị đề nghị soạn thảo các biểu mẫu phù hợp quy định, tránh gây phiền hà cho người dân khi đi chứng giấy tờ.

Theo giải thích của chị Nguyễn Thị Phương Nhung, công chức tư pháp, hộ tịch UBND P.9, Q.3, mẫu “văn bản thỏa thuận” do Công ty bảo hiểm Prudential tự soạn thảo không đúng theo quy định của pháp luật. Dù phường có trách nhiệm chứng thực chữ ký nhưng nếu nội dung trong văn bản thể hiện sự thỏa thuận, giao dịch của các bên về nội dung gì đó (trường hợp này là thỏa thuận về nhận di sản thừa kế) thì chỉ cơ quan công chứng mới có thẩm quyền xác nhận.

Cũng theo chị Nhung, trong “văn bản thỏa thuận” của công ty bảo hiểm tự soạn còn có một lưu ý “không giống ai” là “trong trường hợp người thừa kế thường trú ở nhiều địa phương khác nhau thì sẽ có nhiều chính quyền chứng thực chữ ký”. Theo quy định hiện nay, người dân có hộ khẩu nơi này nhưng vẫn có thể đến UBND phường bất kỳ nơi nào để yêu cầu chứng thực chữ ký, chứ không nhất thiết phải buộc người dân đến UBND phường nơi thường trú để chứng được.

Hướng dẫn nhầm địa chỉ

Theo một số cán bộ UBND phường xã, thời gian qua có nhiều trường hợp người dân đến phường để ký những văn bản “không giống ai” do các công ty, đơn vị tự soạn thảo, không dựa trên quy định của pháp luật về thẩm quyền công chứng, chứng thực. Không ít trường hợp phường xã không được quyền chứng thực, khi từ chối thì người dân lại cho rằng cán bộ cố tình làm khó. Có ngân hàng còn soạn biểu mẫu yêu cầu khách hàng đến phường ký giấy cam kết, bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ thay người khác.

Chẳng hạn như trường hợp giấy chủ quyền nhà chỉ đứng tên người vợ nên trong hợp đồng thế chấp với ngân hàng chỉ có người vợ ký, nhưng để “ăn chắc” ngân hàng vẫn yêu cầu người chồng phải ra phường chứng giấy cam kết chung nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Có trường hợp người con vay tiền ngân hàng, trả góp hằng tháng nhưng sau đó lại không trả đúng hạn, để không bị phát mãi tài sản thế chấp, người mẹ cam đoan sẽ trả thay cho con nên cán bộ ngân hàng yêu cầu bà phải ra phường chứng giấy cam đoan việc trả nợ thay này.

UBND P.9, Q.3 còn cho biết có trường hợp cha mẹ đến chứng giấy bảo lãnh, cam đoan hoàn lại tiền học phí cho con em mình trong trường hợp được cơ quan, đơn vị cấp kinh phí đi học nếu khi học xong không về làm việc tại cơ quan, đơn vị đó. Thật ra đây là một loại hợp đồng bảo lãnh, phải thuộc thẩm quyền của cơ quan công chứng chứ không phải phường xã.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên