11/10/2008 21:04 GMT+7

Khi con vào "cửa ải" lớp 1...

TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG
TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG

TT - Với nhiều người, lớp 1 là “cửa ải” của con trẻ lẫn cha mẹ. Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng sẽ mách nước phụ huynh nhiều “chiêu” thú vị để giúp con vượt qua thử thách này…

EARpeHAm.jpgPhóng to
Mẹ giúp con học - Ảnh: Gia Tiến
TT - Với nhiều người, lớp 1 là “cửa ải” của con trẻ lẫn cha mẹ. Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng sẽ mách nước phụ huynh nhiều “chiêu” thú vị để giúp con vượt qua thử thách này…

1

Họp phụ huynh đầu năm cô giáo than phiền về các cháu chưa biết chữ, số, nói ngọng. Con tôi lọt vào số HS này. Làm thế nào để cháu đuổi kịp cả lớp?

- Thông thường ở lớp lá mẫu giáo, HS đã được học nhận biết mặt chữ, đếm số từ 1-10… để chuẩn bị vào lớp 1. Vì vậy, nếu con anh/chị chưa biết mặt chữ, đếm số sẽ gặp khó khăn khi học lớp 1. Anh/chị cần tích cực “phụ đạo” hằng ngày để cháu theo kịp chương trình lớp 1. Tốc độ phát triển tâm lý của trẻ lớp 1 không đồng đều, trong lớp luôn có sự chênh lệch về khả năng tiếp thu của HS. Một số trẻ học chậm hơn bạn trong năm đầu, nhưng các năm sau lại vượt trội. Cha mẹ không nên vội bi quan khi thấy con mình thua kém bạn, mà cần bình tĩnh giúp con đạt yêu cầu của chương trình học...

2

Bài vở cô giáo cho quá nhiều, tối đến tôi phải giúp cháu tập viết (bằng cách viết sơ cho cháu đồ) như vậy có nên không?

- Nếu thấy bài vở về nhà nhiều khiến con đuối sức, cha mẹ nên phản ảnh với giáo viên để thầy cô đưa ra yêu cầu học tập đúng mức với trẻ. Cha mẹ có thể viết sơ nét cho con đồ nhưng không nên làm thay khiến trẻ ỷ lại. Hãy cho trẻ tự làm bài để giáo viên nhận biết khả năng thật sự của HS và có phương pháp giúp đỡ các em học tốt hơn.

3

Làm cách nào để trẻ ham thích học tập? Con tôi rất ham chơi, mỗi lần ngồi vào bàn là ngáp ngắn ngáp dài…

- Trẻ vào lớp 1 vẫn còn trong độ tuổi ăn tuổi ngủ nên thích chơi hơn. Muốn trẻ ham thích học, cha mẹ nên hỗ trợ về “kỹ thuật” để trẻ học nhẹ nhàng hơn như cùng ngồi học với con, lấy giúp đồ dùng học tập, gọt bút chì, bơm mực, quạt mát cho con... Phân bố thời gian để con được nghỉ giải lao sau mỗi bài học, không bắt con ngồi học liền mạch quá lâu (hơn một giờ). Thỉnh thoảng có lời khen con đã viết đẹp hơn, ngồi đúng tư thế, biết sắp xếp bàn học… Cha mẹ không nên ép buộc, đe dọa, trừng phạt khi trẻ chưa tự giác, trái lại trẻ cần được động viên, khen ngợi thường xuyên.

4

Qua một tháng học con tôi chỉ có một điểm 6 môn tập viết, còn lại là điểm 5 và cả 4 trong khi các bạn khác trong lớp đều được 9-10 điểm (có lẽ các cháu này đã học trước chương trình lớp 1). Làm gì để giúp con vượt qua mặc cảm này?

- Để con không mặc cảm vô lý vì các bạn khác đã học trước chương trình, cha mẹ nên giữ thái độ bình thường trước kết quả học tập của con, không so sánh điểm số của con với bạn mà chỉ đặt ra mức phấn đấu cho con ở những bài viết sau. Cha mẹ hỗ trợ con cách cầm viết, ngồi đúng tư thế và nhắc nhở con nắn nót nét chữ. Khi con đạt điểm cao hơn trước (6-7 điểm), cha mẹ cần bày tỏ sự vui vẻ và khen ngợi con tiến bộ. Trẻ sẽ được tiếp thêm động lực phấn đấu và không bị ức chế hay mặc cảm với bạn bè.

5

Con tôi vốn rất năng động nhưng từ ngày đi học cháu ít nói hẳn, nghe cô răm rắp. Phải làm sao để cháu không sợ sệt như vậy?

- HS tiểu học thường coi trọng và tuân phục ý kiến giáo viên hơn cha mẹ. Những trẻ hiền ngoan sợ thầy cô trách phạt nên không dám làm trái ý giáo viên. Nếu phát hiện thầy cô “khủng bố” HS, cha mẹ có thể góp ý tế nhị với giáo viên, hoặc phản ảnh với ban giám hiệu để nhà trường chỉnh sửa cách thức giáo dục HS. Trong trường hợp thầy cô không gây áp lực nhưng do trẻ quá e dè thì cha mẹ nên chủ động cùng trẻ gặp gỡ giáo viên, để trẻ được thầy cô tiếp chuyện vui vẻ, bình thường. Nhờ vậy trẻ sẽ bớt sợ thầy cô và tự tin hơn khi đến trường.

6

Chồng tôi tuyên bố không cần con học giỏi, chỉ cần lên lớp là được vì không muốn nhồi nhét cho con học. Tôi lại thấy cháu phải học giỏi từ bây giờ mới có đà cho những năm sau. Ai đúng, ai sai?

- Chồng chị đã có quan điểm đúng. Tuy nhiên, nếu để con lơ là việc học và chỉ đối phó với việc lên lớp sẽ làm mai một khả năng của con. Vì vậy anh/chị cần khuyến khích con học tập vừa sức, đồng thời hướng dẫn cháu vui chơi, rèn luyện đa dạng để sự phát triển cá nhân hài hòa hơn.

7

Con học khá nên tôi không cho cháu đi học thêm, nhưng cháu nằng nặc đòi học thêm nếu không vào lớp rất sợ cô. Tôi phải làm thế nào?

- Anh/chị có thể đưa cháu đến gặp cô và hỏi ý kiến “Cháu có cần phải học thêm không?”. Thông thường, giáo viên chỉ thẳng thắn đề nghị cha mẹ cho trẻ học thêm khi cháu học yếu, đuối sức so với bạn trong lớp. Khi nghe rõ lời cô “Em không cần học thêm” thì cháu sẽ không sợ cô và không đòi đi học thêm nữa.

Những điều cần lưu ý khi con vào lớp 1

Trẻ vào lớp 1 thường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường mới. Cha mẹ cần hỗ trợ trẻ trong suốt học kỳ 1, giúp trẻ hòa nhập và đáp ứng được yêu cầu của nhà trường. Những điểm cha mẹ cần lưu ý:

* Trẻ thường lúng túng trong việc tự chăm lo bản thân khi sinh hoạt cả ngày ở trường (ăn uống, vệ sinh cá nhân…). Cần hướng dẫn con cách ứng xử khi ăn uống ở trường không hợp khẩu vị, khi nhà vệ sinh của trường không sạch sẽ, thiếu tiện nghi so với gia đình…

* Trẻ chưa quen ghi nhớ những dặn dò của giáo viên về trang phục, dụng cụ học tập, bài tập… nên không báo lại với cha mẹ, do đó thường sai sót khi đến trường. Cha mẹ nên liên lạc với giáo viên hoặc phụ huynh cùng lớp để giúp con làm đúng lời dặn của thầy cô.

* Trẻ chưa hiểu, chưa nhớ hết nội quy nhà trường nên dễ sai phạm. Cha mẹ không vội vã chê trách, la mắng con mà nhắc nhở và khuyên con cố gắng tuân thủ nội quy.

* Trẻ không biết cách làm quen hoặc ứng xử với bạn mới. Trẻ có thể bị lẻ loi hoặc gây ác cảm với bạn. Mỗi ngày, cha mẹ hỏi han quan hệ của trẻ với bạn, kịp thời phát hiện những sai sót, vụng về của trẻ để giúp trẻ điều chỉnh, xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn. Nếu trẻ bị bạn hiếp đáp cần hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình (nhờ thầy cô giải quyết, nhờ các bạn khác phân xử, chờ gặp cha mẹ bạn nhờ họ phân xử hoặc bình tĩnh đối phó với bạn) chứ không vội “ra tay” (tìm gặp la mắng, đe dọa HS đã hiếp đáp con mình). Điều này có thể gây xung đột giữa các phụ huynh và không giúp các trẻ làm lành, chơi tốt với nhau được.

* Trẻ chưa kiên trì khi học bài, làm bài ở nhà, cha mẹ chia nhỏ các nhiệm vụ để trẻ thực hiện từng bước. Theo dõi thời khóa biểu để nhắc trẻ hoàn thành nhiệm vụ học tập ở nhà.

Thư của một bà mẹ có con học lớp 1: Cả nhà ta khổ thật!

Con vào lớp 1 vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo vì đã nghe nhiều bạn bè có con qua “truông” lớp 1 hù rất nhiều. Thể chất cháu yếu ớt nên dù cha mẹ đều là công chức, chúng tôi vẫn đăng ký cho cháu học một buổi, chả cần “tăng cường”, bán trú gì cả. Tưởng là yên thân, nhưng hóa ra không phải “dễ nuốt” như vậy. Hai vợ chồng đi làm suốt ngày, tận 19g mới về đến nhà. Cháu ở nhà với ông bà cả buổi chiều, học bài, làm bài với sự hướng dẫn của bà ngoại. Khổ nỗi mắt mũi bà kèm nhèm, cháu thì khờ dại nên sự phối hợp học tập của “đôi bạn già - trẻ cùng tiến” này thành ra... hỏng bét!

Tối về nhà lật bài tập viết của cháu, tôi hết cả hồn, chữ mẫu của cô một đằng, cháu viết một nẻo (vì sự cải cách chữ quá rối rắm, chữ không nằm trọn một ô li mà lửng lơ một ô li rưỡi...), mắt bà không thấy rõ, tay cháu chưa vững thế là sai bét. Ăn cơm tối tốc hành xong, vợ chồng con cái kéo nhau lên phòng cùng học. Mỗi người một nhiệm vụ, bố phụ trách đánh răng, khò nước muối, cạo lưỡi, tắm rửa cho con, pha sữa; mẹ ngồi viết sơ nét để con đồ cho nhanh (vì cháu tự viết thì mất đứt hai giờ cho một trang tập), rồi xem bài học hôm sau để giảng trước cho cháu hiểu.

Cả nhà cứ như dây chuyền sản xuất, cháu tinh tươm xong các khoản thì mẹ cũng vừa xong. Con ngồi viết, mẹ ngồi bên vừa hầu quạt vừa động viên tinh thần kiêm luôn thợ matxa. Cứ viết được một hàng thì con than mỏi tay, buồn ngủ, phải để con lon ton đi rửa mặt, uống nước… Con khỏe thì ổn, nhưng nhằm hôm con bệnh xót không thể tả. Con vừa viết vừa ho sù sụ, có khi còn nôn cả lên bàn, may mà mẹ lấy tập ra kịp. Khổ, sự tình này cũng do tôi gây ra, mẹ tôi đã khuyên nên cho cháu học trước nhưng tôi vẫn khăng khăng nghe theo... Bộ Giáo dục - đào tạo cho cháu vừa học vừa chơi với các cô mẫu giáo, kết quả là con tôi bị cô giáo liệt vào dạng “đặc biệt” (họ hàng gần với “cá biệt”!) trong lớp, vì ù ù cạc cạc với tốc độ giảng của cô, trong khi các bạn khác “chạy tốt” vì đã học trước lớp 1!

Cả nhà kết thúc chương trình “bổ túc lớp 1” tầm tầm 22g. Hôm nào bố mẹ kẹt xe về muộn, ăn cơm trễ thì phải 23g mới được ngủ. Con vừa viết vừa khóc ri rỉ vì buồn ngủ díp mắt là bị mẹ mắng. Mà đâu chỉ tập viết, con còn làm toán, thủ công… 5g15 sáng hôm sau, một chu kỳ mới lại bắt đầu, kéo mãi đến giữa khuya mới chấm dứt. Chỉ mới bước lên nấc đầu tiên trong 12 nấc thang học vấn phổ thông mà sao đã khổ thế này, những đứa trẻ và cả chúng ta!

Giúp con tập trung học tập

* Phát triển cả hai bán cầu não:

Bán cầu não trái thiên về khả năng phân tích, tư duy logic; bán cầu não phải thiên về khả năng cảm thụ hình ảnh, màu sắc, âm thanh... Một bài học thuộc lòng khô khan sẽ lôi cuốn trẻ hơn khi chúng vừa học vừa gõ theo nhịp điệu, hay gắn những con chữ vào một giai điệu dễ đọc dễ nhớ.

* Sử dụng tất cả giác quan:

Trẻ thu nhận thông tin đầy đủ qua ba hình thức: nghe thấy, nhìn thấy và cảm nhận được. Trẻ sẽ tập trung tốt nhất khi sử dụng tất cả giác quan để trải nghiệm bài học. Đừng gò bó trẻ trong những tư thế học tập quá nghiêm túc. Trẻ có thể đọc bài to tiếng, vừa đọc vừa gõ thước hoặc chạy vòng quanh nhà.

* Tạo không gian học tập:

Nếu trẻ không có phòng học riêng, phụ huynh cần ý thức giảm những âm thanh như tiếng tivi, tiếng trò chuyện… để trẻ không bị phân tâm.

* Đặt mục tiêu học tập:

Cha mẹ cần động viên để trẻ có sự cam kết tự ý thức xác định mục tiêu học tập. Khuyến khích, giúp đỡ trẻ học môn khó với trẻ trước, sau đó mới đến môn dễ. Thành công từng bước sẽ làm trẻ hào hứng và dần thay đổi định kiến với môn khó, hình thành thói quen học tập hiệu quả.

* Nâng cao tập trung bằng thể thao, trò chơi yêu thích:

Khi được tham gia những hoạt động sở trường và năng khiếu, trẻ sẽ chơi hết mình. Đó là lúc trẻ rèn luyện sự tập trung cao độ. Khi đã có thói quen tập trung vào một việc hay một hoạt động nào đó và với sự hướng dẫn của cha mẹ, trẻ rất dễ đạt được sự tập trung trong học tập.

* Định tâm:

Rất nhiều chuyên gia khuyến khích luyện tập khả năng định tâm ở mỗi cá nhân để đạt được thành công trong cuộc sống. Với trẻ con cũng vậy, cha mẹ có thể tập cho trẻ những thủ thuật nhỏ giúp trẻ có được khả năng định tâm theo lứa tuổi, từ đó đạt được sự vững chắc nội tâm trong học tập và sinh hoạt.

TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên