24/06/2016 17:50 GMT+7

​Người mẹ giúp con thoát tự kỷ lập trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Chị Đào Hải Ninh, người đã nỗ lực không mệt mỏi suốt 10 năm giúp con gái bị tự kỷ trở thành một đứa trẻ bình thường, luôn mong muốn hỗ trợ những đứa trẻ tự kỷ khác được may mắn như con mình.

Chị Đào Hải Ninh tại lễ ra mắt trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ Tuệ Quang - Ảnh: T.L
Chị Đào Hải Ninh tại lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và hỗ trợ trẻ tự kỷ Tuệ Quang - Ảnh: T.L.

Sáng 24-5, chị Đào Hải Ninh (42 tuổi) đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và hỗ trợ trẻ tự kỷ Tuệ Quang tại Hà Nội.

Năm 2014, loạt bài trên Tuổi Trẻ mang tên “10 năm vượt sóng cùng con” kể về câu chuyện mẹ con chị Hải Ninh đã làm nhiều người xúc động.

Chị Ninh phát hiện con gái Phương Minh mắc chứng tự kỷ năm bé 2 tuổi. Nhiều người gọi tự kỷ là “căn bệnh không thuốc chữa” và khuyên chị đừng nên chạy chữa cho con mà vô ích.

Không chịu bỏ cuộc, chị Ninh đưa con đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, từ trung tâm này sang trung tâm khác để chữa trị. Và rồi chị nhận ra chính mình là cô giáo tốt nhất cho con chứ không phải là một ai khác.

Phương Minh mắc chứng tự kỷ dạng tăng động nên khả năng tập trung vô cùng kém. Khi bắt đầu học, Minh gần 3 tuổi nhưng vẫn chưa nói được mà chỉ gật, lắc. Minh thích bò quanh nhà hơn đi, vẫn đi nhón gót và ngã đập đầu xuống đất.

Vậy mà sau 10 năm chị kiên trì, Minh khỏe mạnh và phát triển như bạn bè cùng trang lứa.

Minh nay là học sinh lớp 8. Cô bé là lớp phó học tập và đứng thứ 4 trong lớp về thành tích học tập. Ngoài giờ học, Minh luôn giúp mẹ nấu cơm, rửa bát, phơi quần áo… Và đặc biệt Minh không bao giờ từ chối chơi với các em nhỏ mắc chứng tự kỷ như mình.

Các cô giáo tại trung tâm Tuệ Quang tập vận động cho trẻ bị tự kỷ  - Ảnh: T.L
Các cô giáo tại Trung tâm Tuệ Quang tập vận động cho trẻ bị tự kỷ - Ảnh: T.L.

Trung tâm Tuệ Quang ra đời là tâm huyết của chị Ninh suốt những năm qua. Với những gia đình khó khăn, chị Ninh sẽ truyền đạt kinh nghiệm hoàn toàn miễn phí. Chị không từ chối cuộc điện thoại nhờ tư vấn nào dù đang là đêm khuya. Chị còn liên hệ với một số doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho trẻ tự kỷ. 

“Câu hỏi làm thế nào để có thể giúp được nhiều hơn nữa những gia đình có con mắc chứng tự kỷ sớm tìm được hạnh phúc trọn vẹn luôn là vấn đề được đặt ra trong tôi. Tôi luôn thấy mình may mắn hơn những người khác. Tôi đã được nhận những thứ tốt đẹp và giờ mỗi việc tôi làm là để cho đi những gì tôi nhận được…” - chị Đào Hải Ninh chia sẻ.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên