23/01/2016 09:13 GMT+7

Phía sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ

NGUYỄN QUẾ DIỆU
NGUYỄN QUẾ DIỆU

TT - 23 tuổi, cháu tôi chia tay chồng. Lý do cháu quyết định ly hôn là do chồng nghiện cờ bạc.

Phía sau sự đổ vỡ, người trong cuộc cần phải cố gắng hết sức để lấy lại thăng bằng - Ảnh minh họa: Quân Nam
Phía sau sự đổ vỡ, người trong cuộc cần phải cố gắng hết sức để lấy lại thăng bằng - Ảnh minh họa: Quân Nam

Lần thứ nhất chồng cháu hứa bỏ và không thực hiện được. Lần thứ 2 hứa, lần thứ 3 thề và lần thứ n thì cháu tôi không thể chấp nhận được.

Cờ bạc làm tan nát gia đình

Lần này, cháu tôi rất quyết tâm ly hôn và không thể chấp nhận những lời xin lỗi, lời hứa làm lại của chồng cũng như lời khuyên của những người thân. Ở quê, dù ngày nay đã tiến bộ hơn trước đây rất nhiều nhưng chuyện phụ nữ bỏ chồng cũng không thể nào tránh khỏi những lời dị nghị, đàm tiếu.

Thật khó khăn lắm cháu tôi mới đến được với cuộc hôn nhân ấy, dù phải trả giá. Cái giá cháu tôi phải trả là ước mơ làm cô giáo tan vỡ khi theo học được hơn một nửa chặng đường. Thật ra cháu phạm sai lầm, đó là quá tin tưởng vào tình yêu của mình, tin vào những lời hứa khi chưa kịp “thẩm định” để thực hiện nó.

Cưới nhau chưa bao lâu thì cháu tôi có bầu, sinh con, việc học dừng lại tại đây. Con còn nhỏ, để giải quyết bài toán cuộc sống, ngoài mấy sào ruộng, cháu tôi còn buôn bán nhỏ kiếm thêm thu nhập và vay mượn thêm để chồng có “cổ phần” và lái xe cho một hãng taxi. Xa vợ con, tiền làm được đồng nào cậu ấy nướng hết vào bài bạc, hết luôn cả phần góp vốn của mình.

Mất việc nhưng nợ vẫn còn và để có tiền trả nợ, cháu tôi quyết định cùng chồng khăn gói vào tận Bình Phước để làm ăn, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cháu tôi hi vọng với tình cảm chân thành cùng với sống gần nhau, cháu sẽ cảm hóa được chồng và sẽ vượt qua được mọi khó khăn miễn là vợ chồng cùng chung sức đồng lòng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian chứng nào tật đó, chồng cháu lại sa vào cờ bạc và mọi gom góp đều tan tành theo những cuộc sát phạt thâu đêm.

Hai vợ chồng lại khăn gói về nơi chôn nhau cắt rốn làm lại từ đầu. Nhưng mọi thứ lại lặp lại như những lần trước, lần này qua lần khác điệp khúc đánh bạc - xin lỗi, hứa từ bỏ và quyết tâm làm lại nhưng không thực hiện được của chồng cháu. Kết quả là cháu tôi quyết định ly hôn.

Đau lòng chuyện chia con

Dù chồng và gia đình bên chồng nhiều lần xin lỗi, hứa và năn nỉ nhưng cháu tôi vẫn quyết tâm. Thậm chí cháu tôi bị chồng đánh và đe dọa. Làm đơn nhiều lần nhưng chồng hết xé rồi không ký.

Cháu tôi phải xin xác nhận việc “không ký” ở địa phương nơi chồng cư trú. Cuối cùng mọi thủ tục cũng xong, ngày chia tay đến, tài sản không có gì ngoài đứa con nên cũng chẳng phải chia chác gì. Gia đình chồng cháu tôi chỉ năn nỉ cháu tôi và anh chị tôi một điều, đó là để lại cháu bé cho ông bà nội nuôi.

Do đứa bé là con trai, là đích tôn của dòng họ nên gia đình bên chồng mới tha thiết như vậy. Có lẽ trên thế gian này không có nỗi đau chia cắt nào bằng nỗi đau mẹ phải xa đứa con thơ dại, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ và cân nhắc chữ tình, chữ nghĩa, cái thiệt hơn, cháu tôi đồng ý để con mình cho ông bà nội của cháu chăm sóc.

Sau ly hôn, cháu tôi vẫn thường xuyên về thăm con và mỗi lần như vậy hai mẹ con lại quấn lấy nhau. Tuy nhiên do công việc cuối năm nhiều, công nhân phải tăng ca liên tục nên chỉ sau hơn một tháng cháu tôi về thăm con, con không còn theo mẹ như trước nữa. Mỗi lần xưng mẹ với cháu, cháu ngây ngô bảo “mẹ chết rồi” rồi chạy đến bên ông bà nội.

Sững sờ, chết lặng với cách giáo dục cháu của gia đình bên nội, cháu tôi lại gây áp lực để nuôi con. Lần này ông bà nội cháu lại xuống nước năn nỉ, cháu tôi vẫn đồng ý nhưng với điều kiện “lần sau về nếu thấy cháu còn nói với con như vậy, con sẽ đưa cháu về nuôi”.

Cha mẹ ly hôn, con cái luôn thiệt thòi, thậm chí là có thể bị ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trong một số nghiên cứu của mình cũng như trong cuộc sống xung quanh, tôi từng tiếp xúc với nhiều trẻ thiếu cha hoặc mẹ do ly hôn và nhìn chung, quá trình phát triển của trẻ có sự khập khiễng.

Khi ly hôn, trẻ có thể ở với cha, mẹ hoặc ông bà hay người thân nào đó, nhưng để đưa con trẻ vào quỹ đạo phát triển bình thường đòi hỏi người trong cuộc không chỉ phải có tình thương, trách nhiệm, mà còn tạo môi trường sống cũng như giáo dục một cách lành mạnh nhằm bù đắp những thiệt thòi mà trẻ gánh chịu.

Ngược lại, nếu vì lý do nào đó như hiềm khích, ganh ghét, không có thiện cảm với cha, mẹ của trẻ mà nhồi những ý nghĩ tiêu cực vào đầu con trẻ thì quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sẽ lệch lạc, thậm chí gây nên hậu quả khôn lường.

N.Phượng, người mẹ trẻ phải dằn lòng xa con trong câu chuyện này, đã ghi vội những dòng thơ ngay trong ngày nhận quyết định ly hôn.

Chia tay rồi mình gọi nhau là gì đây anh
Khi con chúng ta vẫn gọi mình là cha mẹ
...
Có một thời chồng đi trước vợ bước sau
Cơm chung nồi đêm mình nằm chung gối
Mà giờ này nhìn nhau sao bước vội
Hai đứa hai đường chân bước thật nhanh...
Em thấy mình như cơn gió chiều hanh
Con ở lại với cha mà gục đầu vào ngực mẹ
Thương con thế mà lòng em nào có thể
Bởi hết rồi cái duyên phận trời ban...
Ngủ ngon nghe con cứ yên giấc trong màn
Mẹ vẫn sẽ ở đây mẹ nhìn con khôn lớn
Mẹ vẫn biết dẫu mai này bận rộn
Con vẫn sẽ tìm về và gọi tiếng mẹ ơi...
Mẹ chẳng xa con đâu mẹ ở giữa đất trời
Nụ cười của con là cả cuộc đời của mẹ
Dẫu muôn ngàn khó khăn dẫu muôn ngàn dâu bể
Vẫn có mẹ vỗ về trong giấc ngủ con say....

N.PHƯỢNG

NGUYỄN QUẾ DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên