19/04/2015 09:21 GMT+7

​Cuộc mưu sinh của ông Định

THANH BA
THANH BA

TT - Hình ảnh người đàn ông mù cả hai mắt, da ngăm đen, đầu đội mũ tai bèo, chân lê từng bước trên đôi nạng gỗ và bên vai lúc nào cũng xách lỉnh kỉnh túi hàng bán dạo...

Ông đã trở nên thân thuộc với người dân Hội An suốt mấy chục năm qua. 

Ông Định rảo bước bán hàng rong - Ảnh: Th.Ba

Từ tờ mờ sáng, người ta đã thấy bóng ông Định “mù” (ông Phạm Văn Định, 60 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) từ con hẻm gần chợ Hội An bước ra với cây gậy mò mẫm dò đường.

Đó cũng là thời điểm ông bắt đầu cuộc hành trình rảo bước khắp ngóc ngách trong thành phố để bán từng chiếc quạt giấy, chai dầu xức... kiếm cơm sống qua ngày. 

“Hồi năm 12 tuổi, trong một lần chăn trâu ngoài đồng, tôi giẫm phải quả mìn, khi tỉnh lại thì hai mắt tôi mù hẳn và chân phải bị cụt. Ba mẹ mất sớm nên từ lúc tai họa ập xuống đời mình, tôi được đưa vô trại trẻ mồ côi và lớn lên trong nỗi mặc cảm, tự ti về bản thân không lành lặn” - ông Định ngậm ngùi kể.

Nương nhờ vào sự cưu mang của trại trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi thì ông xin học nghề đan chổi ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật huyện Duy Xuyên và tự thân kiếm cơm nhờ vào sản phẩm do đôi tay mình làm ra.

Nhắc đến ngã rẽ dẫn tới bước đường mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, ông Định chia sẻ: “30 tuổi tôi mới nên duyên chồng vợ với một người phụ nữ đồng cảnh ngộ. Cuộc sống càng chật vật vì gánh nặng gia đình nên tôi quyết định kiếm kế sinh nhai bằng việc bán quạt giấy, dầu gió cho du khách ở Hội An. Thấm thoắt gần 30 năm tôi gắn đời mình với phố cổ cùng cái nghề bất kể sớm hôm này”.

Nhờ vào miệng lưỡi bán buôn có duyên mà ông đủ sức gánh gồng miệng ăn cho cả hai vợ chồng và chi phí thuốc thang cho căn bệnh thần kinh tọa triền miên của vợ ở nhà.

“Với giá mỗi chai dầu, cái quạt 5.000 đồng, trung bình mỗi ngày tôi cũng kiếm được năm, bảy chục ngàn đồng tiền lời. Cứ đôi tháng tôi lại đón xe về quê và gửi tiền cho vợ trang trải chi phí sinh hoạt. Hai vợ chồng ăn uống kham khổ tí thì mới mong đủ sống qua ngày, vậy là hạnh phúc lắm rồi. Tôi sẽ tiếp tục làm nghề này đến khi nào chân còn lê bước, tay xách nổi giỏ và miệng còn đủ sức cất tiếng rao” - ông Định nói.

Ông Lê Văn Huynh, một người dân sống gần chợ Hội An, cho hay: “Thương cảnh ông mù lòa, du khách và người dân ở đây ai nấy thương tình mua giúp. Chính vì ông bán buôn thật thà, chẳng bao giờ “chặt chém” giá cả nên mọi người cảm mến và sẵn sàng giúp đỡ ông mỗi khi trái gió trở trời, ông lên cơn đau nhức phải nằm một chỗ”.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên