19/11/2010 15:54 GMT+7

Khi vợ là cô giáo mầm non

HỒNG HƯƠNG (ghi lại từ tâm sự của một người chồng)
HỒNG HƯƠNG (ghi lại từ tâm sự của một người chồng)

TTO - Dù không theo ngành sư phạm nhưng tôi vẫn được nhiều người trân trọng gọi là “thầy”, bởi vợ tôi là cô giáo mầm non. Sau gần 10 năm gắn bó với nàng, tôi muốn chia sẻ cảm nghiệm của người chồng khi có vợ làm nghề “gõ đầu trẻ” nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

uEezSIRF.jpgPhóng to
"Nếu có ai hỏi tôi rằng nghề nào vất vả nhất, tôi sẽ trả lời ngay không cần suy nghĩ đó là nghề cô giáo mầm non"

Tôi thành người cha đảm đang

6g30 nàng phải có mặt ở lớp, tươi tỉnh và vui vẻ đón học trò. Buổi chiều, sớm thì 17g30, trễ thì 18g nàng mới ra khỏi trường.

Tôi trở thành người cha đảm đang chăm lo dỗ dành con ăn sáng, đưa đón con đi học từ lúc nào không hay. Chuyện thong thả ngồi cà phê sáng với bạn bè đã trở thành ký ức. May mắn là tôi có mẹ đi chợ nấu ăn cho cả nhà, nhưng những ngày ba mẹ đi vắng mà vợ mắc họp thì chuyện ông kỹ sư là tôi tranh thủ đi chợ cũng dần trở thành chuyện nhỏ.

Chủ nhật nàng được nghỉ nên chúng tôi có thời gian dự lễ nhà thờ với nhau và đón con gái học giáo lý về.

Lúc ở nhà, vợ cũng là... cô giáo

Từ khi nàng về làm dâu, ngôi nhà bé nhỏ với bốn anh em trai của tôi không còn cảnh đồ đạc lộn xộn như trước. Ba mẹ tôi hài lòng ra mặt khi những chàng trai của mình trở nên lịch sự, gọn gàng ngăn nắp. Đó là nhờ sau một tuần quan sát, chủ nhật nghỉ ở nhà nàng và thằng út (học lớp 6) hí hoáy cắt cắt dán dán.

Và thành quả là từ nhà bếp đến phòng khách mọi chỗ đều được ghi chú cẩn thận: tủ chén, ngăn đồ sửa điện, kệ để giày... Mẹ tôi không còn phải cằn nhằn vì tìm mãi không ra cái kéo hay cầm nhầm lọ muối với hũ đường.

Khi con gái ra đời, tôi trở thành chuyên gia tư vấn cho bạn bè về cách nuôi dạy con từ thực tế học được nơi vợ. Nàng là chuyên gia chăm sóc trẻ em đúng phương pháp, từ việc dinh dưỡng đến phát triển ngôn ngữ, giáo dục lễ giáo cho trẻ... Nàng luôn có cách hóa giải các mâu thuẫn và tạo không khí vui tươi cho cả nhà.

Cả nhà đều thi

Nếu có ai hỏi tôi rằng nghề nào vất vả nhất, tôi sẽ trả lời ngay không cần suy nghĩ đó là nghề cô giáo mầm non. Từ 6g30 đến 17g30, cô giáo mầm non không một chút nghỉ ngơi. Giờ học, giờ chơi và nhất là giờ ăn lúc nào cũng phải luôn tay luôn miệng. Giờ nghỉ trưa, cô vẫn canh trẻ vì bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố. Tối về nhà, người mệt nhừ, vợ tranh thủ phụ tôi làm công việc nhà thật nhanh rồi soạn giáo án, làm sổ sách lớp.

Tất cả thành viên trong nhà tôi có cơ hội tiếp xúc với công việc của nàng: bao sách vở, cắt dán phiếu bé ngoan, làm đồ chơi… Cao điểm vào những ngày nàng chuẩn bị dạy tiết học tốt hay thi giáo viên dạy giỏi là mọi người cùng bước vào cuộc thi, bởi ba mẹ tôi không đành lòng nhìn con dâu thức khuya vất vả một mình.

Vẽ tranh, thiết kế giáo án điện tử, làm đồ dùng dạy học minh họa (sợ nhất là nàng bốc thăm trúng dạy tiết toán. Ví dụ dạy số lượng 5 mà lớp 40 cháu, mỗi cháu cần 3 bộ học cụ, thử nhẩm tính số lượng sơ sơ 600 cái, làm đủ số này cũng toát mồ hôi)…

Thường thì với sự nhiệt tình huy động của ba mẹ tôi, các thành viên liên quan (kể cả hai cô dâu tương lai) đều được quy tụ về để đóng góp tài năng khéo léo của mình nhằm giúp “thí sinh nhà” đạt kết quả cao.

Vợ tôi là số 1!

Không ít lần đi đón vợ, tôi chứng kiến cảnh phụ huynh nặng lời trách móc nàng vì con họ bị té hoặc trầy xước khi chơi với bạn. Tôi chỉ biết nắm tay động viên nàng. Nghề cô giáo mầm non cũng nhiều nước mắt chứ không phải đơn giản. Cháu học giỏi, tăng cân hằng tháng thì ít ai khen. Nhưng sụt cân, đau bụng, lười ăn thì cô giáo sẽ mệt với phụ huynh.

Dù có nhiều cơ hội để làm việc khác nhưng vợ tôi vẫn tâm huyết với nghề này. Nàng tâm sự mỗi ngày thấy học trò lớn hơn, nhìn vào ánh mắt trong veo đầy thích thú của chúng khi khám phá được một điều mới cô dạy, thấy được sự cố gắng thay đổi một tánh xấu của đứa trẻ nghịch phá, những cái ôm và lời nói nũng nịu thương cô… là động lực giúp nàng tiếp tục gắn bó với nghề.

Sống với vợ, dần dần tôi khám phá tâm hồn nàng rất đẹp. Không chỉ quan tâm trẻ trên lớp, nàng còn hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của từng cháu để có cách chăm sóc, dạy dỗ hợp lý. Những cháu có cha mẹ không sống chung, nàng trao đổi với phụ huynh để giúp bé giảm bớt khủng hoảng tâm lý.

Nếu ai nói là có vợ là giáo viên mẫu giáo thì gia đình thiệt thòi nhiều vì nàng có ít thời gian chăm sóc gia đình, tôi đồng ý liền. Nhưng bù lại biết vợ mình đang nuôi dạy, chăm sóc những mầm non của xã hội để các cháu có một nền tảng nhân bản vững chắc, sau này trở thành những công dân tốt thì cũng thật hạnh phúc.

Cũng giống như các học trò lớp chồi của vợ tôi, mọi điều nàng dạy đều là đúng tuyệt đối với chúng thì dù người khác đánh giá thế nào, tôi luôn hãnh diện khi nói với mọi người rằng: vợ tôi là số 1!

HỒNG HƯƠNG (ghi lại từ tâm sự của một người chồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên