21/02/2009 04:14 GMT+7

"Nhà sách SV kinh tế"

THỦY NGỌC
THỦY NGỌC

TT - 85% SV thích học sách gốc hơn photocopy, từ số liệu nghiên cứu những cơ hội kinh doanh đặc thù “Sách chuyên ngành kinh tế” ấy, Nguyễn Lê Minh Thơ (SV năm 3, khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM) đã mạnh dạn đưa dự án ra khỏi bàn giấy.

yhTBlU94.jpgPhóng to

Cô chủ SV Minh Thơ (bìa phải) giới thiệu sách cho khách hàng SV - Ảnh: Thủy Ngọc

Hai tháng rưỡi thực hiện cuộc khảo sát, thăm dò, lên kế hoạch, cô gái 22 tuổi này kiên định thuyết phục gia đình hỗ trợ đầu tư “nhà sách chuyên ngành kinh tế” với tổng kinh phí 70 triệu đồng.

Chưa tự tin lắm nhưng ba mẹ Thơ vẫn đồng tình. “Thất bại hay thành công không quan trọng. Hãy xem đây là “hành trang” ba mẹ giúp các con trang bị kinh nghiệm vào đời” - ba mẹ Thơ bảo. Số tiền là cả một gia tài đối với một SV như Thơ. Cô nhẩm tính các chi phí phát sinh, số tiền trong tay vừa đủ “săn” một vị trí khá hấp dẫn trước cổng trường - nơi cô đang theo học (làng ĐH Thủ Đức). 20m2 đủ kê năm giá sách với trên 300 đầu sách các loại chuyên về kinh tế, luật kinh tế, ngoại ngữ…

Để duy trì hiệu sách, bên cạnh chiến lược “kích” tiêu dùng với chương trình khuyến mãi giảm giá sách 10-20% cho các khách hàng thường xuyên, cô chủ SV ấy thường xuyên cập nhật thông tin các đầu sách mới, bổ ích cho SV mỗi đầu năm học. Bạn nào đặt mua sách với số lượng lớn sẽ ưu tiên chiết khấu giảm giá 2-3%.

“Về lâu dài sẽ tiến hành thu mua sách gốc cũ bán lại giá rẻ cho SV. Giá bán những quyển sách này có thể bằng hoặc cao hơn sách photo một ít, nhưng các bạn có sách gốc để học. Khuyến khích mua tập thể sẽ giảm được chi phí bán hàng, đồng thời hấp dẫn một lượng lớn SV có tài chính eo hẹp” - Minh Thơ phân tích rất “kinh tế”.

Nhưng không dễ chút nào! Giá cả, kênh phân phối - nguồn gốc hàng, quảng bá, dự trù kinh phí, rủi ro và những giải pháp duy trì mục tiêu phục vụ SV kinh tế… Một mớ “khái niệm kinh doanh” khi đụng trận với thực tế lại không như sách vở và lý thuyết đã học.

Thật may mắn khi Thơ được thầy cô ủng hộ, hướng dẫn thêm khâu chọn sách, cân đối nguồn sách và giới thiệu một số địa chỉ tin cậy: NXB Trẻ, NXB ĐHQG, NXB Thống Kê... để có đầu sách đa dạng, phong phú, phù hợp giáo trình.

Thơ mạnh dạn tiếp thị hiệu sách với bất cứ nơi nào có thể. Những việc làm thêm những ngày đầu năm 2 (bán báo dạo, tiếp thị sản phẩm, nhân viên hội chợ…) giúp Thơ thêm tự tin và có kinh nghiệm mời gọi cả những người bạn sách khó tính, tiềm năng. Giờ giải lao, Thơ tranh thủ mang sách đến bạn bè.

Rồi tham gia hội chợ sách, phát phiếu khảo sát trong khuôn viên trường, lấy ý kiến thầy cô, bán sách sát giá gốc… miễn sao quảng bá được hiệu sách. Theo Thơ, có thể những hoạt động ấy không dài hơi nhưng cố gắng đi từng bước một. Dẫu chậm mà chắc!

Chỉ sáu tháng sau, cộng thêm hỗ trợ từ hai thành viên khác trong gia đình, Thơ đã nhanh chóng hoàn vốn và hiệu sách bắt đầu trở thành nguồn trang trải học phí cho cả ba chị em. Có người thắc mắc, đề nghị đầu tư, kinh doanh thêm các đầu sách khác, dịch vụ photocopy...

Thơ lắc đầu vì: “Mở hiệu sách chuyên ngành cũng nhằm cải thiện ý thức đọc và chọn sách cho SV. Chủ hiệu sách cũng giống người nội tướng đi chợ vậy. Người bán sách trước tiên phải yêu sách, hiểu sách, tuyển sách hay và quan trọng là chất lượng đảm bảo, hợp hầu bao SV!”.

THỦY NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên