14/06/2006 14:35 GMT+7

"Sức ì'' của giới trẻ

Theo báo Sinh Viên Việt Nam
Theo báo Sinh Viên Việt Nam

Cuộc khảo sát mới nhất tiến hành tại hơn 10 trường ĐH Hà Nội đã được đông đảo sinh viên (SV) quan tâm: đo chỉ số "sức ì "của bạn.

6jCyucxp.jpgPhóng to
Sinh viên là tiềm năng của đất nước, cần năng động, sáng tạo... - Ảnh minh họa
Cuộc khảo sát mới nhất tiến hành tại hơn 10 trường ĐH Hà Nội đã được đông đảo sinh viên (SV) quan tâm: đo chỉ số "sức ì "của bạn.

Chỉ số sức ì tỷ lệ nghịch với thành công của mỗi người trẻ trong công việc và học tập. Và vẫn chưa muộn nếu ngay bây giờ, chúng ta tìm cách tẩy chay hoặc làm giảm chỉ số này xuống mức thấp nhất có thể.

Bạn có thuộc nhóm "sức ì" mãn tính?

Phương thức học tập hiện nay với mô hình "luộc giáo án", "thầy đọc trò chép" phổ biến ở nhiều giảng đường là nguyên nhân chính gây ra sức ì trong học tập của SV. Khái niệm giảng viên là người dẫn đường nhiều kinh nghiệm dường như không tồn tại ở những giờ học có sức ì quá lớn: 21,7% SV thừa nhận. Chỉ có 25,6% SV cho rằng: cần phải tìm thêm tài liệu để hiểu kỹ về các vấn đề trên lớp.

Chỉ có 4,3% SV mệt mỏi với những thay đổi và họ chấp nhận sức ì hiện tại. 78% SV đã sẵn sàng cho những phương thức học hiện đại, sáng tạo và đòi hỏi những gia tốc lớn. Mặc dù đã có nhiều lớp học, tài liệu dạy về kỹ năng này, tuy nhiên vẫn có 4% SV cho rằng: "mình không tham gia hoạt động tập thể nếu có người lạ", 6,1% có tham gia nhưng chỉ ngồi một chỗ, 38,6% coi việc giao tiếp với người lạ là khó khăn nhưng vẫn cố gắng vượt qua.

Số người không thường xuyên tham gia các hoạt động chiếm đến 46,9%.14,4% SV được hỏi tham gia hoạt động Đoàn, Hội ở trạng thái "xuất hiện để điểm danh". Hơn một nửa SV không tham gia các CLB trong trường (56,3%). 15,2% tham gia hoạt động ngoại khóa nhưng không tích cực. Sự thực thì "thờ ơ", "không tích cực", "xuất hiện để điểm danh"... cũng đồng nghĩa với chỉ số cao của sức ì.

Tất cả các dòng sông đều chảy...

Một trong những biểu hiện chung nhất của sức ì là cảm giác thỏa hiệp với bản thân, trì trệ trong hoạt động và suy nghĩ. 13,3% SV được hỏi chưa và sẽ không có ý định làm thêm trong thời gian đi học. Phần lớn những người này không muốn thay đổi môi trường sống xung quanh mình, ngại chạm vào những vấn đề mới. 30% SV vẫn thích những công việc ổn định về thời gian, địa điểm, mức lương... 17% SV trả lởi phiếu hỏi cho rằng: họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để đổi lấy một công việc không cần bứt phá.

Phạm Diệu Linh, Lớp trưởng lớp 2P - 03, khoa Pháp, ĐH Ngoại ngữ HN: "Theo ước tính như của tôi thì phải có đến 80% SV ngại ngùng trước đám đông và trước những lần gặp gỡ đầu tiên. Có ít người dám vứt mình vào một môi trường khó khăn và chấp nhận thử thách. Tuy nhiên nếu có một cú huých, một tác động đặc biệt thì sức ì của nhiều bạn trẻ sẽ có thể bằng 0. Mỗi người trẻ đều có tiềm năng nội lực riêng của mình. Nếu có một sự tác động tích cực thì cỗ máy trì trệ trước đó sẽ vận hành rất hiệu quả. Một trong những cách để đem lại sự tự tin cho bản thân tôi đó là: học ngoại ngữ".

Nguyễn Thái An, SV năm III, khoa xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Các CLB trong trường ĐH, nếu hoạt động tốt sẽ là "cú huých" tích cực để thay đổi chỉ số sức ì của nhiều bạn trẻ. (Chỉ số này thường cao khi vào SV năm thứ 2 và năm thứ 3). Nên xây dựng những câu lạc bộ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của chính SV để họ có thể tự nguyện, tích cực tham gia, từ đó sẽ không e ngại các hoạt động khác. Ví dụ như CLB tiếng Anh, CLB nhà báo trẻ... Nhưng yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu chỉ số này chính là chúng ta.

Chính họ đang kéo lùi sự vận động của bản thân. Hi sinh một buổi học chỉ vì cần... vỗ về cơn buồn ngủ, nướng thời gian cho tivi, game với câu chép miệng "mình vẫn còn trẻ", tặc lưỡi bằng điệp khúc "việc hôm nay cứ để ngày mai", nhiều bạn trẻ "chán, chả biết làm gì"... Khi bạn rơi vào những tình huống này với cường độ cao, quả thật "sức ì" của bạn đang chuyển sang trạng thái mãn tính và khó thay đổi.

Trong một email gửi về nhóm khảo sát một SV là Đỗ Hoàng Nam trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ "đã có thời điểm tôi thực sự hốt hoảng về sức ì của bản thân mình": Cả tuần không có nổi một buổi sáng tập thể dục, cả tháng không đi thêm một con đường nào khác ngoài đường từ nhà đến trường và... quán game. Bài vở và kiến thức thì cứ yên phận mà ngủ ngon trong giáo trình, gần thi mới phải đào bới.

Chính Hoàng Nam tự cảm thấy mệt mỏi khi cơ thể mình như có chì buộc lại. Cậu ta dành thời gian để đọc một số cẩm nang cuộc sống và thấy hứng thú với mấy cuốn "Làn sóng thứ 3", "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi"... Sau đó thì cậu ta tự thiết kế một thời gian biểu cho mình rồi treo lên tường quyết tâm thực hiện được cụ thể hóa bằng slogan có 1 không 2: "Tất cả các dòng sông đều chảy, mình không chảy thì mình... tèo".

Bạn đã có slogan cho mình?

Xét ở góc độ vật lý, bản thân sức ì đã là một yếu tố quan trọng làm giảm vận tốc chuyển động của một vật. Trong một xã hội mà những tiến bộ và thay đổi được ví von là nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng thì bất kỳ chỉ số sức ì dù thấp dù cao cũng làm chậm công cuộc hội nhập và thành công của bạn.

Chỉ số sức ì thường cao hơn hẳn khi mỗi người bước vào cung độ tuổi ngoài 45. Và những người 20 tuổi được đánh giá là đối tượng ít bị lây nhiễm sức ì. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát sức ì trong những cơ thể đã lão hóa. Nhưng điều đáng sợ hơn cả vẫn là sức ì trong tư duy của những người trẻ.

Chúng ta vẫn treo trên status "1 năm tuổi trẻ bằng 10 năm tuổi già". Sức trẻ, nhiệt huyết, chí tiến thủ, tinh thần cầu thị lấn át chỉ số "sức ì" .Vậy nên, chẳng có lý do nào để mỗi chúng ta tự thỏa hiệp với bản thân và cam chịu chỉ số "sức ì" trong cơ thể trẻ trung của mình.

Theo báo Sinh Viên Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên