30/12/2016 09:30 GMT+7

Tấm lòng thanh niên, sinh viên xa quê với tình yêu biển đảo

HÀ THANH lược ghi
HÀ THANH lược ghi

TTO - Giải pháp mang nước sạch, rau xanh ra biển, đảo là ý tưởng đóng góp của tác giả Đỗ Cao Sơn - du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc - đoạt giải nhì cuộc thi “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Anh Nguyễn Đình Phú (trái) - đại diện nhóm tác giả đoạt giải nhất - giao lưu tại lễ trao giải cuộc thi “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”  - Ảnh: Hà Thanh
Anh Nguyễn Đình Phú (trái) - đại diện nhóm tác giả đoạt giải nhất - giao lưu tại lễ trao giải cuộc thi “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam” - Ảnh: Hà Thanh

Cuộc thi do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức. Trong số 15 tác giả đoạt giải cuộc thi, có 6 du học sinh sắp xếp được thời gian về Việt Nam nhận giải thưởng vào tối 28-12 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn bày tỏ xúc động khi những bài viết không chỉ hướng tới cuộc thi, mà còn thể hiện tấm lòng của những thanh niên, sinh viên xa quê muốn đem tri thức, hoài bão tuổi trẻ góp phần vào công cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thân yêu, tri ân các bậc tiền nhân.

Anh Nguyễn Đình Phú, đại diện nhóm tác giả đoạt giải nhất với bài viết “Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về biển, đảo Việt Nam” và anh Đỗ Cao Sơn - đoạt giải nhì với bài viết “Đóng góp ý kiến về vấn đề nước sạch - rau xanh và môi trường các quần đảo tuyến ngoài” - đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về đề tài biển đảo các bạn đang thực hiện.

* Trong các bài viết, điểm đặc biệt nhất các bạn chú trọng là gì?

- Anh Đỗ Cao Sơn: Vấn đề nước sạch tôi đề cập đến là nước mưa như nhiều nước Mỹ, Pháp, Singapore... sử dụng. Ngay cả người Việt mình trước đây từng tận dụng nguồn nước mưa để sinh hoạt. Ở đảo xa, nguồn cung cấp nước sạch rất hiếm.

Do đó tôi tính toán lượng nước mưa ở biển, đảo là bao nhiêu, tính toán các mái nhà ở đây là bao nhiêu, đem nhân với lượng mưa thì ra khả năng cho bao nhiêu nước. Với hải đảo, đây là phương pháp bền vững, thân thiện với môi trường.

Xây dựng các bể chứa nhỏ ở quy mô hộ gia đình vừa dễ dàng, tiện dụng. Hiệu quả kinh tế tăng theo thời gian khi biến đổi khí hậu khiến mùa khô ngày càng khắc nghiệt, nhưng lượng mưa hằng năm lại tăng.

- Anh Nguyễn Đình Phú: Được tiếp cận công nghệ tiên tiến, chúng tôi cùng thanh niên, sinh viên đang học tập ở Mỹ muốn ứng dụng làm những điều ý nghĩa, thiêng liêng cho Tổ quốc.

Điểm ấn tượng nhất là chúng tôi đưa ứng dụng sử dụng dữ liệu cho nghiên cứu khoa học, áp dụng rộng rãi cho du học sinh trong và ngoài nước có thông tin chính thống và chính xác về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

* Các bạn đánh giá như thế nào về tính khả thi, áp dụng trong thực tiễn của các đề tài?

Bố tôi từng là người lính đảo. Hồi đó đảo khó khăn lắm, nhất là vấn đề nước sạch sinh hoạt và rau xanh. Mỗi lần về đất liền bố chỉ thèm món rau luộc. Lĩnh vực tôi học là về khoa học môi trường nên tôi cố gắng vận dụng những kiến thức mình có, tổng hợp thông tin báo chí trong và ngoài nước để thực hiện bài viết

Anh ĐỖ CAO SƠN

- Anh Đỗ Cao Sơn: Đề tài của tôi áp dụng cho các quần đảo, đảo tuyến ngoài như Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ...

Tôi mong muốn những đóng góp này sẽ được áp dụng vào thực tế vì việc xây dựng bể nước mưa cũng đơn giản, vấn đề trước mắt là kinh phí.

Tôi kiến nghị Trung ương Hội LHTN VN đưa chương trình “Xây tặng bể nước mưa cho gia đình chính sách có công với cách mạng đang sống trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc” là một nội dung hoạt động của Hội; kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa trên mặt sân trường học, công sở, chùa chiền, mặt đường băng sân bay.

Về ý tưởng rau xanh, tôi đề xuất tận thu nước thải sinh hoạt dùng để tưới rau vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp tiết kiệm phân bón.

Trong canh tác rau ngắn ngày, việc lót bạt mỏng ở đáy vô cùng quan trọng, giúp tiết kiệm nước tưới và hạn chế chất màu thẩm thấu vào đất.

Tôi cũng kiến nghị Nhà nước và nhân dân cần quyết tâm bảo vệ bằng được rặng san hô có bán kính khoảng 3 hải lý quanh đảo. Đây chính là bờ kè tự nhiên của đảo, cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch mà không phải quốc gia nào cũng có.

Vấn đề chủ quyền biển đảo rất thiêng liêng với mỗi cá nhân. Nhận được thông tin về cuộc thi, nhóm VietData chúng tôi nghĩ đến xây dựng ý tưởng cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu và thông tin về biển đảo

Anh NGUYỄN ĐÌNH PHÚ

- Anh Nguyễn Đình Phú: Đề tài này là vấn đề chúng tôi đang triển khai chứ không chỉ là cuộc thi viết. Hiện tại chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu mở cho Việt Nam phù hợp về dữ liệu biển, đảo và cơ sở thông tin.

Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về biển, đảo Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Đình Phú và Lê Quốc Chiến. Mô hình hệ thống thông tin, dữ liệu biển, đảo Việt Nam được xây dựng trên các nền tảng công nghệ tiên tiến đang thịnh hành trên thế giới với tính kết nối và chia sẻ cao về cơ sở dữ liệu mở về Biển Đông phục vụ cho nghiên cứu, thư viện điện tử về Biển Đông, trang thông tin cập nhật các tin tức thời sự về Biển Đông, các kênh truyền thông xã hội về Biển Đông, dự án khám phá Biển Đông.

Hệ thống thông tin, dữ liệu là cầu nối đến bạn bè quốc tế bằng cách giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt về biển đảo ở Việt Nam với văn hóa, truyền thống đoàn kết, giàu lòng yêu nước.

Hiện nhóm đang kêu gọi sự hợp tác từ Hội Thanh niên, sinh viên VN tại Mỹ - nơi tập hợp hàng ngàn sinh viên và các nhà khoa học trẻ, các cựu sinh viên, đồng thời kêu gọi hội sinh viên các nước khác cùng phát triển dự án.

HÀ THANH lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên