23/10/2016 09:24 GMT+7

“Mẹ” Laila Haidari và 3.600 người cai nghiện

D.KIM THOA 
(Theo CS Monitor) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA 
(Theo CS Monitor) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)

TTO - Bốn năm qua, khu nhà đặc biệt có tên Mother Camp là nơi nương náu của những người nghiện ma túy được bà Laila Haidari cưu mang, giúp cai nghiện.

Bà Laila Haidari đứng dưới gầm cầu Pul-e Sokhta, nơi cư trú của nhiều người nghiện ma túy tại Kabul - Ảnh: THEFIX
Bà Laila Haidari đứng dưới gầm cầu Pul-e Sokhta, nơi cư trú của nhiều người nghiện ma túy tại Kabul - Ảnh: THEFIX

Suốt thời gian ấy, 3.600 người nghiện đã cùng vượt qua những khoảnh khắc thử thách nhất để thoát được cám dỗ của “nàng tiên nâu”, tìm về cuộc sống lương thiện, bình thường.

“Mẹ” là cách những thành viên trong Trung tâm Mother Camp gọi bà Laila Haidari. Với bất cứ ai tìm đến nơi này, theo lời người coi sóc khu nhà Nasim Alizada, “mẹ” sẽ trò chuyện trực tiếp với họ về cơn nghiện và về cách thức có thể giúp họ vượt qua ma túy”.

Bà Haidari không phải là một chuyên gia tư vấn đã qua đào tạo. Nhưng tình trạng nghiện ngập và ảnh hưởng tồi tệ của nó tới đời sống xã hội đã thôi thúc bà tham gia khởi tạo dự án này.

Tới nay, Afghanistan vẫn là quốc gia sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới. Và Afghanistan cũng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề từ tệ nạn nghiện ngập ma túy.

Anh Fahim, ngoài 40 tuổi, kể: “Tôi từng là một đầu bếp chuyên nghiệp làm việc cho Văn phòng chính phủ. Tôi có thể nấu món ăn của Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Tôi nhập ngũ và phục vụ đất nước được tám năm thì dính vào ma túy và bị sa thải”.

Bà Haidari chia sẻ: “Tôi sinh ra đã là một đứa trẻ tị nạn ở Pakistan. Tôi ngóng từng ngày được trở về quê nhà và hình dung Afghanistan là một nơi tuyệt đẹp.

Nhưng khi về đây năm 2009, tôi đã sốc trước những gì chứng kiến. Đất nước Afghanistan xinh đẹp của tôi đâu rồi? Tôi chỉ thấy sự đau đớn và thống khổ, tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn”.

Thế rồi tới lượt anh trai của bà Haidari lâm vào nghiện ngập và bỏ nhà đi. Bà kể: “Anh tôi là một người rất tốt và từng là một quân nhân Afghanistan. Tôi không thể nói hết được nỗi thống khổ cùng cực khi phải chứng kiến một người ruột thịt của mình bị cuốn vào vòng xoáy của nghiện ngập”.

Mỗi buổi chiều tối khi từ nơi làm việc trở về nhà (bà làm việc cho một hãng sản xuất phim), bà luôn phải đi qua khu vực tai tiếng nhất ở Kabul. Đó là cây cầu Pul-e Sokhta. Phía dưới gầm cầu là nơi trú ẩn của rất đông người nghiện ma túy. Hàng trăm người nghiện, đàn ông có, đàn bà có, trẻ em cũng có đang phải sống tạm bợ trong điều kiện vệ sinh vô cùng tệ hại.

Xã hội Afghanistan không chấp nhận những con nghiện này. Bà Haidari nói: “Mỗi người sống bên dưới cây cầu đó đều có hoàn cảnh riêng. Lần nào đi qua đó tôi cũng đều đau lòng khi thấy họ.

Trên thực tế tại Afghanistan chỉ có khoảng 115 trung tâm điều trị cai nghiện do chính phủ quản lý. Số lượng đó không thể đủ chứa lượng người nghiện ma túy từ 2,5 -2,9 triệu người.

Và bà Haidari quyết định phải làm gì đó để thay đổi điều đó. “Nhưng mọi sự không đơn giản” - bà nói. Những người lớn tuổi trong cộng đồng ngăn cản vì cho rằng việc một phụ nữ muốn làm việc với các thành phần bị xã hội gạt ra ngoài là chuyện bất bình thường ở Afghanistan.

Nhưng rốt cuộc bà cũng tìm được một vài sự ủng hộ. Năm 2012, bà tìm được một căn nhà không ai muốn thuê vì tình trạng rất thảm hại. Bà nhờ bạn bè xắn tay vào giúp đỡ, sắm thêm đồ đạc và các vật dụng cần thiết, hỗ trợ một phần tài chính ban đầu.

Sau đó bà cùng vài người bạn đi tới khu vực gầm cầu tai tiếng Pul-e Sokhta, gặp những người ở đó và nói với họ ý muốn giúp đỡ. Bà kể: “Tôi không bắt ép, mà chỉ nói rằng ai muốn có thể tự nguyện đi với tôi nếu họ muốn cai nghiện”. Lần đó đã có 18 người đồng ý theo bà.

Bà kể tiếp: “Đầu tiên, chúng tôi đưa họ tới một nhà tắm công cộng để được tắm rửa sạch sẽ. Sau khi tắm táp, trông tất cả đều khác hẳn và tôi hiểu rằng quá trình hồi phục của họ đã bắt đầu”. Bà mỉm cười.

Cứ thế trong bốn năm qua, 3.600 người đã được nương náu và cai nghiện thành công tại Mother Camp. Do những hạn chế về thuốc men nên các biện pháp hỗ trợ cai nghiện ở Mother Camp còn rất đơn giản, tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc cơ bản giúp cắt cơn vẫn được đảm bảo.

Nhờ Mother Camp, nhiều người đã thay đổi cuộc đời. Anh Fahim bây giờ là một người bán trái cây ở thủ đô Kabul. Hai năm qua anh không còn dùng ma túy nữa. Hay như cậu thanh niên Nazar đã là một kỹ sư làm việc cho một tổ chức đa quốc gia tại Kabul.

Để có nguồn kinh phí lâu dài cho hoạt động của Trung tâm Mother Camp, bà Haidari đã tổ chức thành lập nhà hàng Taj Begum năm 2012 tại Kabul. Tới nay, nhà hàng này đã tạo dựng được thương hiệu riêng và thu nhập từ đó là nguồn kinh phí đáng kể cho hoạt động hỗ trợ những người cai nghiện của bà Haidari.

D.KIM THOA 
(Theo CS Monitor) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên