30/03/2016 11:42 GMT+7

Trui rèn tính độc lập từ nhỏ

CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)
CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)

TTO - "Suy cho cùng khi trưởng thành, việc hiểu rõ thời cuộc là yếu tố bắt buộc để chúng tôi bảo vệ quyền lợi của chính mình chứ khoan nói đến điều to tát như lợi ích chung của xã hội", một bạn trẻ ở Đức nói.

Người Đức phần lớn để trẻ tập quen với sự độc lập từ bé, không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em Đức chỉ mới 2-3 tuổi tự đạp xe ngoài đường - Ảnh: C.Nhật
Người Đức phần lớn để trẻ tập quen với sự độc lập từ bé, không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em Đức chỉ mới 2-3 tuổi tự đạp xe ngoài đường - Ảnh: C.Nhật

Những câu “vặn vẹo” đã gây “sốt” khắp nơi của bé gái 10 tuổi Charlotte với nhà báo lão thành Đài BBC Andrew Neil trong chương trình CBBC tháng 3. Trái với bề ngoài non nớt, Charlotte lập luận sắc bén và bình tĩnh về chủ đề đánh thuế đường của Chính phủ Anh.

Dĩ nhiên sự sắc bén đó không chỉ bắt nguồn từ mối quan tâm đến thời cuộc, mà còn từ một hệ thống giáo dục biết hun đúc sự tự tin, tạo cơ hội cho người học bày tỏ điều mình nghĩ từ rất sớm.

Nhưng điều gây sốc hơn (đặc biệt với người dân châu Á) là thái độ điềm tĩnh của ông Andrew Neil trước câu nói như “trời giáng” của Charlotte. 67 tuổi và có thâm niên làm báo gần 50 năm (ông viết báo từ thời sinh viên), Andrew vẫn nhún nhường thừa nhận câu góp ý “có lẽ ông đã không được giáo dục đầy đủ” từ Charlotte.

Cả Charlotte và Andrew Neil đều là người Anh, một dân tộc được cho là có “cái tôi” cao hàng đầu và chương trình ĐH vẫn còn thiên về hướng hàn lâm (so với giáo dục Mỹ). Dẫu vậy trước những ý kiến phản biện thuyết phục, họ sẵn sàng trân trọng, lắng nghe dù đó là từ một người có vị thế nhỏ hơn.

Đức là quốc gia “nguồn cội” của các dòng xe sang như Audi, Mercedes-Benz, Porsche... nhưng lượng người già lẫn trẻ chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển rất đông, kể cả khi trời âm độ.

Một “đặc sản” khác làm nên thương hiệu người Đức - đặc biệt là ở giới trẻ - là rất đúng giờ và lưu loát tiếng Anh. Trái với vẻ rụt rè thường thấy ở các học viên trường nghề tại Việt Nam, những bạn trẻ học trường nghề ở Đức nói về sự lựa chọn của mình đầy dõng dạc.

“Chúng tôi được trui rèn tính độc lập từ rất sớm. Và để có thể sống độc lập tốt thì buộc mỗi cá nhân phải nỗ lực nhận thức được vai trò, hệ quả của mọi thứ xung quanh. Suy cho cùng khi trưởng thành, việc hiểu rõ thời cuộc là yếu tố bắt buộc để chúng tôi bảo vệ quyền lợi của chính mình chứ khoan nói đến điều to tát như lợi ích chung của xã hội. Nó tựa như hơi thở vậy” - Liam Schmitt (21 tuổi, sinh viên tại Berlin) khẳng định.

Đồng quan điểm, Khánh Vũ (26 tuổi, thạc sĩ hóa học tại Frankfurt) và Huy Nguyễn (35 tuổi, kiến trúc sư tại Frankfurt) cho biết giới trẻ Đức (độ tuổi 20 trở lên) đều rất quan tâm đến những tin tức thời sự trải dài từ lĩnh vực chính trị, khoa học, kinh tế, giáo dục...

Liam giải thích chi tiết hơn: “Tại Đức, chúng tôi được tạo điều kiện tự do học thuật, môi trường nghiên cứu khoa học rộng mở. Việc nêu lên quan điểm, phản biện trong mọi khía cạnh cuộc sống được lắng nghe, khuyến khích chúng tôi quan tâm đến thời cuộc. Chẳng hạn với chính sách mở cửa cho người nhập cư của Thủ tướng Angela Merkel, chúng tôi có thể tranh luận “nảy lửa” ở căngtin lẫn trên lớp học.

Bên cạnh đó, hầu hết thông tin tại Đức đều rất minh bạch, chúng tôi biết rõ số tiền mình bỏ ra (chẳng hạn như mua vé xe buýt) sẽ được sử dụng như thế nào, đi xe đạp sẽ tốt cho sức khỏe và gìn giữ môi trường ra sao, tính thiếu kỷ luật sẽ gây tác hại như thế nào...”.

Đây cũng là một trong những lý do chính đã giữ chân tiến sĩ Tatiana Sandoval Guzmán (ĐH Kỹ thuật Dresden) tại Đức thay vì Mỹ hay quê hương Mexico như lời bà bộc bạch.

“Hoặc câu chuyện xã hội “thừa thầy thiếu thợ” là điều nhà nước, nhà trường đã lên tiếng cảnh báo rộng rãi từ sớm cũng như có những hành động hỗ trợ cụ thể. Phần khác, chúng tôi được hun đúc lý tưởng sống dù theo học ĐH hay chỉ học nghề... Việc nghề nghiệp, tiếng nói của ai cũng được tôn trọng cũng góp phần giúp mọi người tự tin lưu tâm đến chuyện thời cuộc hơn” - một nam học viên nghề bếp tại Dresden nói.

Một số người lập luận rằng sự xuất hiện tràn lan các trang báo mạng, tạp chí “lá cải”, mạng xã hội... đã hút hết sự quan tâm của giới trẻ Việt trước các vấn đề thời sự, điều đó nên chăng cần suy nghĩ lại.

Báo “lá cải”, tạp chí “nóng bỏng mắt”, các trang mạng xã hội... tại Đức rất đa dạng, nhưng sự lưu tâm của giới trẻ của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này với các vấn đề thời cuộc chưa bao giờ giảm sút.

Trong một khảo sát quy mô lớn (trên 11.000 người đến từ chín quốc gia như Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Đan Mạch...) được đăng trên trang web uy tín Digital News Report, tỉ lệ người Đức đặc biệt quan tâm đến thời sự quốc tế, tin tức trong vùng đứng cao nhất bảng xếp hạng, tỉ lệ người Đức quan tâm đến khoa học kỹ thuật cũng xếp rất cao (thậm chí trên Anh và Mỹ), tỉ lệ người Đức quan tâm đến chính trị cao hơn người Anh...

CÔNG NHẬT (congnhat@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên