05/03/2016 09:07 GMT+7

Giới trẻ không ngó lơ chính trị, nhưng...

MAI HƯƠNG ghi
MAI HƯƠNG ghi

TT - “Lâu nay, việc tham gia các tổ chức chính trị, xã hội dường như là “trận địa” không dành cho người trẻ ở khu vực ngoài nhà nước…”.

Nguyễn Hoàng Kim Khánh - Ảnh: Mai Hương
Nguyễn Hoàng Kim Khánh - Ảnh: Mai Hương
“Cần tổ chức nhiều cuộc thi hiến kế, đóng góp cho chiến lược, sách lược phát triển đất nước, treo giải thật cao để thu hút chất xám từ đủ mọi khu vực, thành phần. Đừng tổ chức thi kiểu phong trào, đến hẹn lại lên, kiểu “lập thành tích chào mừng” nhưng chỉ có cán bộ nhà nước, cán bộ trong ngành... gửi bài thi cho đủ chỉ tiêu mà cấp trên phân bổ

Đó là ý kiến của bạn Nguyễn Hoàng Kim Khánh - chuyên viên quan hệ công chúng của một tập đoàn truyền thông quảng cáo đa quốc gia tại Việt Nam - về việc giới trẻ quan tâm như thế nào đến Quốc hội, đến các vấn đề chính trị của xã hội.

Kim Khánh bày tỏ: “Tôi cho rằng việc tăng cường đại biểu là giới trẻ tham gia Quốc hội và HĐND là điều cần làm, đặc biệt là đối với một quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ cao như VN. Chúng ta không thiếu những người trẻ, tài, giỏi, có tiềm năng, có nhiệt huyết. Với một lực lượng dân số vàng hùng hậu có chí, có lực và có sức mà không dùng thì rõ ràng là lãng phí.

Đây không phải lần đầu tiên quan điểm trẻ hóa bộ máy nhà nước, cơ quan dân cử, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo được nêu ra. Trao cơ hội cho lớp trẻ - chuyện này chúng tôi đã nghe nhiều chuyên gia đề xuất, nhiều cán bộ lãnh đạo phát biểu trên báo chí, trong các kỳ họp, nhưng thực tế tiến hành thì chúng tôi vẫn thấy còn khá xa vời.

Chúng tôi có cảm giác thế hệ đi trước còn chưa thật sự mạnh dạn, hoặc chưa yên tâm trao gửi cơ hội, niềm tin vào năng lực của lớp trẻ; chưa đủ thời gian và tâm sức đóng vai trò hướng dẫn, cố vấn, hỗ trợ người trẻ trong việc tham gia và trưởng thành dần từ những quyết định mang tầm chiến lược phát triển cộng đồng, xã hội. Có thể người lớn đang e dè vì sợ rủi ro, không dám giao trọng trách bởi ngại góc nhìn non trẻ, thiếu kinh nghiệm của người trẻ.

Nhưng vì thế mà nói chúng tôi ít quan tâm đến các vấn đề chính trị thì đó lại là đánh giá một chiều. Đơn giản chỉ nhìn vào những phần comment (bình luận), ý kiến phản hồi của bạn đọc dưới các bài báo liên quan đến vấn đề chính trị, xã hội, thay đổi nhân sự lãnh đạo của TP, của đất nước... sẽ thấy có rất nhiều người trẻ theo dõi và bày tỏ quan điểm. Quan sát một vòng các trang mạng xã hội, báo điện tử sẽ thấy các bạn trẻ không “ngó lơ” chính trị.

Tuy nhiên, từ trước đến nay việc tham gia các tổ chức chính trị, xã hội dường như là “trận địa” không dành cho người trẻ ở khu vực ngoài nhà nước.

Điều đó cũng có lý do bởi cán bộ Đoàn, Hội quen việc hơn, có nhiều cơ hội hiểu biết hoạt động của các cơ quan nhà nước hơn những người không làm cho nhà nước mà hoạt động ở khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hay những tập đoàn đa quốc gia. Nhưng khu vực này thực tế cũng có rất nhiều người giỏi, năng động, suy nghĩ đột phá.

Để có một quốc hội năng động, hiện đại, bắt kịp với xu thế phát triển thì theo tôi, nên chọn thêm đại biểu là người trẻ từ khu vực này.

Trước mắt, để thu hút các bạn trẻ tham gia những chuyện đại sự của đất nước thì trước nhất cần làm cho họ thấy mình được lắng nghe. Những vấn đề đem ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân thì nên công khai nội dung được tiếp thu.

Ngoài ra, cần tổ chức nhiều cuộc thi hiến kế, đóng góp cho chiến lược, sách lược phát triển đất nước, treo giải thật cao để thu hút chất xám từ đủ mọi khu vực, thành phần. Đừng tổ chức thi kiểu phong trào, đến hẹn lại lên, kiểu “lập thành tích chào mừng” nhưng chỉ có cán bộ nhà nước, cán bộ trong ngành... gửi bài thi cho đủ chỉ tiêu mà cấp trên phân bổ.

Về lâu dài, tôi nghĩ không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu làm chính trị. Đam mê là một chuyện, nhưng để thành tài, thành công trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần trui rèn, học tập bài bản. Cần định hướng, ưu tiên ngay từ khâu giáo dục trong nhà trường.

Người trẻ chúng tôi không phải ngán học chính trị nhưng các ngành học về chính trị, hành chính công... cần đổi mới phương pháp sao cho thời sự, “thời thượng” hơn, hấp dẫn hơn. Tôi cho rằng muốn hái quả ngọt thì phải nhọc công trồng chứ cứ trông đợi thiên tài thì rất khó, nhất là khi chính trị lại là một lĩnh vực khó, có đặc thù riêng và đòi hỏi riêng.

MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên