28/10/2015 21:35 GMT+7

​Con ơi, ráng học lấy cái nghề

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Đợi lúc ba mẹ đã đi ra ngoài, Nhân lục trong tủ ra một gói hồ sơ màu vàng, ứa nước mắt kể: “Thực ra có lúc em đã định thôi học rồi".

Nhân và bộ hồ sơ xin đi làm công nhân, được mẹ Lệ củaem cất kỹ vào trong tủ - Ảnh: Mai Hoa
Nhân và bộ hồ sơ xin đi làm công nhân, được mẹ Lệ củaem cất kỹ vào trong tủ - Ảnh: Mai Hoa

Chiều tối thứ bảy, hai ông bà Nguyễn Văn Mõi - Phạm Thị Lệ ở ấp Bàu Tròn (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM) rộn ràng chuẩn bị cơm nước, chuẩn bị đón hai cậu con trai về nghỉ cuối tuần.

Một đứa do ông bà sinh ra, một đứa là bạn thân của nó mà ông bà đã thương yêu nuôi nấng suốt 5 năm nay, giờ đã thành sinh viên.

Dù hai đứa đã nhập học hơn một tháng trời, nhưng hai ông bà vẫn chưa quen được là nhà mình lại có tới hai cậu “sinh viên”. 

Rau cháo thương nhau

Cánh tay trái của ông Mõi vừa gãy chưa kịp liền, chỉ biết đi qua đi lại để phụ vợ. Ông kể, hồi đó vào khoảng năm 2010, khi đang học lớp 8, cậu con trai Nguyễn Văn Tâm của ông hay rủ một cậu bạn về nhà chơi.

Thằng bé tên Trần Văn Nhân, loắt choắt như một học sinh tiểu học. Nó kể, con mới chuyển tới học cùng lớp với Tâm, vì là người mới, lại nhỏ con nên bị mấy đứa lớn trong lớp bắt nạt. Thấy vậy, Tâm thường hay bênh vực. Khi đó, Nhân còn ở ngoài Thánh tịnh Tinh Quang Đẩu, cứ cuối tuần là Tâm xin ba mẹ ra ngoài Thánh tịnh ngủ với bạn.

Bà Lệ góp chuyện: Nó hiền lắm, tới nhà đợi thằng Tâm đi học mà thấy bạn đang ngủ cũng không dám kêu, cứ ngồi nép ngoài sân, tội nghiệp lắm. Tình bạn của hai cậu bé đã thôi thúc hai ông bà tìm hiểu hoàn cảnh của Nhân rồi nhận về nuôi.

Nhân quê ở Hải Dương, theo mẹ vào Tây Ninh từ bé. Mẹ cậu bán vé số nuôi con đi học được tới lớp 7. Đến đầu năm học lớp 8 thì hai mẹ con chuyển xuống ở Thánh tịnh này. Chẳng bao lâu thì mẹ em phát bệnh tâm thần, bỏ đi đâu không rõ. 

“Con mình ở nhà có cha có mẹ, có người coi sóc lo lắng cho. Còn nó cũng bằng tuổi con mình mà để ở ngoài lỡ nó lêu lổng hư thân thì tội nghiệp. Vợ chồng tui nói con về đây ở, có gì thì ăn nấy, cô chú coi coi như con. Nó đồng ý liền, chắc cũng do cái duyên với vợ chồng tui”, ông Mõi nói.

Và rồi từ đó, cứ mỗi lần lấy lương, ông đi mua quà cho con thì mua hai cái giống hệt nhau. Ở công ty hễ ai hỏi thăm về con cái, ông đều khoe: Nhà tui có ba đứa, hai đứa nhỏ cùng tuổi với nhau!

Thấy nhà có khách, bà nội của Nhân, Tâm đã gần 90 tuổi ở nhà bên lật đật chống gậy sang, hỏi: “Có phải mẹ thằng Nhân tới không?”. Rồi bà khóc tu tu lên như đứa trẻ “bà thương thằng Nhân lắm, lâu lâu để dành được năm ngàn ba ngàn bà lại cho nó, nhưng giờ nó lớn rồi, năm ngàn ba ngàn không mua được cơm ăn. Khổ lắm, con ơi”.

Căn nhà của vợ chồng ông Mõi vừa được sửa sang lại, cơi nới thêm gian phòng phía sau, lợp mái tôn cho khoảng sân trước nhà. Vừa nhìn ngắm cơ ngơi ấy, cô út Nguyễn Thị Muội vừa kể: “Ngày đó nhà ảnh nghèo lắm, nên ai cũng ngại lúc ảnh đón thằng Nhân về ở cùng, sợ nuôi nó không nổi lại mang tội. Ảnh làm thợ bảo trì ở xưởng may, lành nghề lắm, nhưng đến năm 2003 thì bị bệnh, dạng tai biến nhẹ, đầu cổ cứng ngắc không cựa quậy được. Chạy chữa hết 8 năm trời, công ty cho nghỉ việc. Chị dâu tui theo ảnh tới hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, cũng phải nghỉ việc luôn. Nhà dột nát, tềnh toàng trông ghê lắm. Giữa cái lúc như vậy, nuôi con mình còn khó, huống chi…”

Những điều ấy, trong câu chuyện của mình, ông Mõi không nhắc đến.

Quyết định khó khăn

Đợi lúc ba mẹ đã đi ra ngoài, Nhân lục trong tủ ra một gói hồ sơ màu vàng, ứa nước mắt kể: “Thực ra có lúc em đã định thôi học rồi. Lúc đó vừa thi xong, em muốn học trường sư phạm để đỡ tiền học phí cho ba mẹ, nhưng lại không đỗ. Em nghĩ thôi để mình Tâm đi học, còn em ở nhà đi làm phụ ba mẹ nuôi Tâm. Em nói mẹ làm cho em một bộ hồ sơ để xin đi làm công nhân, nói mãi ba mẹ mới chịu. Nhưng ít ngày sau, ba mẹ lại quyết định cho em đi học”.

Nói về quyết định ấy, bà Lệ kể rằng đã mất ngủ cả tuần trời không biết nên tính sao. Bà day dứt vì thấy không đủ sức nuôi con đi học. Rồi thằng Tâm cứ rủ rỉ hoài, mẹ mà kêu nó nghỉ học, ngày sau họp lớp ai cũng được đi học cả, mình nó đi làm, nó xấu hổ thì sao? Rồi cô út, an hem họ hàng, rồi ông bà nội ai cũng xúm vô nói thôi vợ chồng bây ráng lo cho nó học đi, học lấy cái nghề sau này đỡ khổ.

Nghe vậy, ông Mõi nghĩ: ừ, mình làm thợ máy, cả nhà mình ai cũng làm công nhân xưởng máy cả nhưng không có tay nghề, người ta muốn đuổi khi nào thì đuổi, giờ cho hai đứa nó học có tay nghề, lo cho con là phải lo vầy mới phải.

Vậy là cảnh nhà đã khó càng khó hơn. Ngoài giờ đi làm, ông Mõi đi lượm bao cám ở những trại nuôi heo nuôi bò về giặt sạch, phơi khô để may thành những cái giỏ xách, bán với giá 400 đồng/chiếc. Nhân làm riết, thành thợ lột bao cám chuyên nghiệp luôn. Cả nhà làm suốt ngày cũng được thêm chừng ba bốn chục nghìn.

“Khổ mấy thì em cũng chịu được, ở đây ai cũng thương em, từ ba mẹ, tới anh Hai, ông bà nội, các cô… Em biết em học không bằng người ta, nên người ta học một giờ thì em ráng học hai giờ cho hiểu bài”, Nhân vừa luôn tay việc nhà vừa nói.

Những đêm hai đứa chong đèn học tới gần sáng, ông bà Lệ đứng ngoài nhìn đã thấy được quyết tâm của hai cậu con trai, nên quyết chí cho con đi học. Nhân bảo, đợi việc học ổn định sẽ xin đi làm thêm, số tiền ba mẹ cho, em đang chi tiêu dè sẻn, chỉ dám ăn cơm vào bữa trưa. Bữa sáng nhịn, bữa tối ăn mì gói.

Thầy Huỳnh Xuân Bảo, chủ nhiệm lớp 12 của Nhân và Tâm nói về hai cậu học trò: Trong lớp, trò Nhân trò Tâm học lực không bằng nhiều bạn nhưng thầy rất quý, nhất là Nhân, vì em hiền và lúc nào cũng cố gắng.

Hiểu được hoàn cảnh của Nhân, Tâm, thầy Bảo gọi hai em tới nhà dạy kèm không lấy tiền. Khi chúng tôi hỏi chuyện, thầy còn băn khoăn mãi: “Biết hai em đi học tiếp, tôi rất muốn giúp thêm một số tiền, vì tôi biết nhà em Tâm cũng nghèo lắm. Tôi tin rằng cả hai trò sẽ học tốt ở trường cao đẳng và trở thành những người thợ tốt”, thầy Bảo nói.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên