07/10/2015 08:32 GMT+7

Nỗi day dứt của Vàng

LĨNH HỒNG - NGỌC TRINH
LĨNH HỒNG - NGỌC TRINH

TT -  “Bố mẹ ở nhà làm việc nặng mà nhiều lúc còn phải nhịn ăn cho các em, mình ở đây đi học thế này đã thấy sang lắm rồi” - Vàng mỉm cười nói.

“Những đứa em tội nghiệp của anh, anh sẽ cố gắng để các em được như người ta” - đó là trăn trở của cậu học trò nghèo Giàng A Vàng Ảnh: L.Hồng
“Những đứa em tội nghiệp của anh, anh sẽ cố gắng để các em được như người ta” - đó là trăn trở của cậu học trò Giàng A Vàng - Ảnh: L.Hồng

Dù hiện tại Giàng A Vàng - người anh thứ hai trong gia đình có 11 anh em ở thôn 3, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) - đã nhập học khoa dược Trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng) theo phương thức xét tuyển học bạ, nhưng lòng vẫn còn đầy day dứt.

Đó là tại kỳ thi vừa qua, Vàng được 19,75 điểm khối C (chưa tính ưu tiên) nhưng chỉ lựa chọn thi để xét tốt nghiệp THPT vì muốn... tiết kiệm tiền đi thi.

Đổi măng lấy cân thịt, con cá

Bốn vách nhà Vàng được đóng bằng những tấm ván cũ kỹ. Ở một góc sáng sủa nhất là những khung ảnh lớn nhỏ, bên trong lồng bằng khen, hình Vàng tốt nghiệp THPT. Có lẽ đó cũng là thứ quý nhất của gia đình.

Người anh hơn 20 tuổi lúi húi trong bếp dọn cơm cho các em ăn. Bữa cơm của mấy anh em chỉ đơn giản một ít rau rừng, còn thịt cá là thức ăn xa xỉ mà nhiều khi cả tháng “chưa được nếm”.

“Có những đứa quá nhỏ để biết được gia cảnh khó khăn. Chúng vẫn thường hay khóc nháo đòi ăn thịt, ăn cá. Những lúc như thế gia đình mình lại kéo nhau đi bẻ măng để đổi lấy cân thịt, con cá cho các em” - Vàng vừa rửa chén vừa cười nói.

Ánh mắt xa xăm, Vàng tâm sự: “Những đứa em nhỏ của mình chẳng bao giờ biết được giọt sữa có vị như thế nào. Nhiều lần thấy chúng nhìn bạn bè ăn kẹo mút, uống sữa mà nuốt nước miếng, mình thương lắm nhưng cũng không biết làm sao”.

Tiếp lời, Vàng nói: “Học nội trú có khi hai tháng mới về thăm nhà, nhiều lần về thấy trong nhà hết gạo, đàn em phải ăn cháo bắp, mình muốn bỏ học đi làm thêm gì đó cũng được để kiếm cơm cho các em, nhưng bố mẹ khuyên nhủ con phải đi học, bố mẹ dốt đủ rồi”.

Muốn tiết kiệm chi phí đi thi

Cậu học trò muốn đi học để sau này còn lo cho các em, nhưng nghĩ đến bố mẹ không có tiền nên cứ trăn trở mãi.

Ông Giàng A Chứ - bố của Vàng - từng động viên: “Bố sẽ vay tiền ngân hàng cho con được đi học, con cứ yên tâm mà đến trường”. Ông Chứ cũng muốn Vàng trở thành một luật sư, sau đó trở về giúp ích cho buôn làng, tuyên truyền cuộc sống tiến bộ cho người dân.

Thế nhưng Vàng chia sẻ: “Rồi cả chục đứa em nữa, vay nợ rồi bố mẹ làm sao trả nổi? Nhưng chỉ có học mới mong mang lại cho các em những điều tốt đẹp hơn nên mình không muốn dừng bước”.

Cũng chính vì điều này, ngày đăng ký thi THPT quốc gia Vàng đã suy nghĩ rất nhiều về những khoản chi phí khi lên Đắk Lắk, vì nếu muốn xét ĐH thì tất cả thí sinh ở huyện Đắk Nông phải dự thi tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Thế nên Vàng chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp tại địa phương để gia đình không tốn kém.

Ở vùng sâu hẻo lánh, không có Internet, Vàng như hoàn toàn sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài, hỏi gì Vàng cũng chỉ trả lời “mình không biết nữa”. Đến việc xét tuyển ĐH Vàng cũng mù mờ: “Mình cứ tưởng có nhiều trường ĐH chỉ cần điểm thi tốt nghiệp và học bạ là đủ”.

Tuổi đôi mươi quá nhiều trăn trở

Vàng buồn bã tâm sự: “Nhiều lần trăn trở về học phí, sinh hoạt phí ở giảng đường ĐH, nhưng bám lấy mảnh rẫy này thì bao giờ mới thay đổi được cuộc sống”.

Nhà Vàng là người dân tộc Mông, bố mẹ không được đi học, lại không được tuyên truyền về việc kế hoạch hóa gia đình nên bố Giàng A Chứ (1970) và mẹ Hảng Thị Dính (1976) mới 45 và 39 tuổi đã có tới 11 mặt con. Vàng là anh thứ hai trong nhà, dưới em là những em trai em gái còn rất nhỏ với năm sinh 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012… Em út chỉ mới được 11 tháng tuổi, được mẹ địu lên rẫy làm việc chung để tiện chăm nom.

Để có tiền nuôi đám con nheo nhóc, bố mẹ Vàng hằng ngày làm nương rẫy trên hai sào ruộng và khoảng 500 cây cà phê mà gia đình có được, ngoài giờ phải làm thuê để kiếm thêm những đồng tiền ít ỏi. Nhà chỉ còn Vàng và ba người em lần lượt học lớp 6, lớp 4 và lớp 1 còn đi học.

Các em còn lại đều nghỉ học lên nương phụ bố mẹ bẻ chồi, phát cỏ. “Các em nghỉ học gần hết rồi, nhưng không có tiền thì chẳng biết khuyên làm sao” - Vàng xót xa.

Ngày lên đường nhập học, bố mẹ chạy vạy mãi mới vay được 4 triệu đồng cho Vàng mang đi. “Mình đã đóng trước 1 triệu tiền học phí, số còn lại để lo chỗ ăn ở và mua đồ dùng học tập. Bố bảo chỉ xoay xở được bấy nhiêu thôi. Còn nữa thì phải đợi đến cuối năm khi nào thu hoạch mì, cà phê bán lấy tiền sẽ gửi vào cho mình đóng tiếp học phí” - Vàng kể.

Suốt một tuần nay, Vàng sốt ruột ngóng chờ điện thoại của nhà hàng dịch vụ lễ cưới gọi đến để đi làm. “Tiền sắp hết mà cần bao nhiêu khoản chi tiêu, lịch học thì lộn xộn cả ba buổi sáng, chiều, tối, rất khó đi làm thêm theo ca. Chỉ còn cách đi làm phục vụ lễ cưới mà đợi mãi vẫn chưa được đi làm” - Vàng nói.

Ở ký túc xá không có điều kiện đi ăn ngoài như các bạn, Vàng chỉ ăn mì gói. “Bố mẹ ở nhà làm việc nặng mà nhiều lúc còn phải nhịn ăn cho các em, mình ở đây đi học thế này đã thấy sang lắm rồi” - Vàng mỉm cười nói.

Cô Lê Thị Anh - giáo viên chủ nhiệm lớp 10 của Vàng (Trường THPT Dân tộc nội trú Đắk Glong, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) - cho biết Vàng đã nhiều lần tâm sự muốn nghỉ học, đi làm để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em.

Các thầy cô giảng dạy trong trường đã khuyên em nếu muốn giúp cha mẹ thì chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống của em, của các em nhỏ và của cả gia đình. Vì thế, Vàng đã tiếp tục đến trường và theo đuổi việc học của mình.

“Vàng là một trong những học sinh khá nhất của trường, em học rất tốt lại hiền lành, chăm chỉ” - cô Anh chia sẻ.

LĨNH HỒNG - NGỌC TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên