03/10/2015 09:13 GMT+7

Nâng bước chân mồ côi

Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG - H.GIANG
Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG - H.GIANG

TT - Đọc từng lá thư viết trên trang giấy học trò gửi về chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của các tân sinh viên nghèo Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi không khỏi khâm phục.

Võ Thị Cam cùng bà ngoại, hai bà cháu đang cùng cố gắng mỗi ngày để nuôi ước mơ cho Cam - Ảnh: Đ.Cường

Khâm phục bởi 112 tân sinh viên nhận học bổng đều có một điểm chung là mồ côi, nghèo khó nhưng chí hướng không lùi bước, quyết tâm học hành.

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 112 tân sinh viên Quảng Nam, Đà Nẵng

* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Quảng Nam, Thành đoàn Đà Nẵng, Sở GD-ĐT Quảng Nam và Đà Nẵng

* Tài trợ: Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.HCM và Công ty CP Xây dựng Bắc - Nam 79

Chương trình “Tiếp sức đến trường” ở Quảng Nam - Đà Nẵng được tổ chức sáng nay 3-10 tại Palm Garden Resort (Hội An, Quảng Nam) với chủ đề "Nâng bước chân mồ côi" - như lời nhắn nhủ với các bạn rằng: các bạn sẽ không “mồ côi” thêm một lần nữa trên con đường học vấn khi bên cạnh các bạn còn có nhiều tấm lòng...

Không cam chịu số phận

Cô tân sinh viên tên Võ Thị Cam ở xóm biển Tân Thuận (Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng) có số phận thật ngặt nghèo: chào đời đã không biết cha là ai, mẹ đi giúp việc suốt gần 20 năm để nuôi con. Rồi số phận buồn vẫn không buông tha khi hai năm trước mẹ cũng qua đời vì bạo bệnh, chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bà ngoại đã 75 tuổi.

Ngôi nhà tình thương cấp 4 được một nhà chùa ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) ủng hộ ngót 10 năm nên đã rệu rã theo thời gian là nơi hai bà cháu đang ở. Ngay cạnh chiếc giường ngủ của hai bà cháu là một cái thau để hứng nước dột.

Lúc chúng tôi đến nhà, bà Đỗ Thị Kha (75 tuổi, bà ngoại của Cam) còn đang trên núi Sơn Trà để nhặt lá dẻ, lá bồ đường... mang về bán. Đó là kế sinh nhai của hai bà cháu.

Chị Võ Thị Bảy (dì của Cam) cho biết chị Võ Thị Da (mẹ Cam) từ năm 20 tuổi đã đi giúp việc cho người ta. “Chị Da chăm chỉ, siêng năng, cứ làm lụng miết. Khi có thêm con Cam nữa, ngoài đi giúp việc, tối về có quán nhậu, quán ăn nào thuê rửa chén bát chị lại làm thêm”- chị Bảy tâm sự.

Đáp lại, Cam phấn đấu học tập để không phụ lòng của bà và mẹ. Bên chiếc bàn học cũ kỹ là những tấm giấy khen học sinh giỏi, chứng nhận giải khuyến khích cấp quận môn văn lớp 8, giải nhì thành phố môn văn lớp 9.

“Chị Da thức đêm thức hôm, làm lụng quần quật rồi lao lực đổ bệnh nhưng không chữa kịp thời nên mới ra nông nỗi này” - chị Bảy sụt sùi nói. Mẹ mất, Cam chỉ còn biết dựa vào bà ngoại già yếu. Dì Bảy nhà nghèo cũng góp một tay giúp cô bé ăn học hai năm nay. Còn bà Kha dù tuổi đã cao, lại bị bệnh thấp khớp đi lại khó khăn nhưng ngày ngày vẫn đi nhờ xe của làng xóm lên núi Sơn Trà hái lá về phơi bán với giá 20.000 - 30.000 đồng/ngày làm kế sinh nhai. Xóm biển Tân Thuận nghèo khó là vậy nhưng luôn đùm bọc hai bà cháu khi “có cá tươi, có lon gạo họ cũng dành mang cho hai bà cháu” - chị Bảy chia sẻ. “Mẹ mất, nhiều đêm Cam ngồi học bài mà nước mắt hai hàng ướt cả cuốn vở nhưng nó chỉ mím môi chịu đựng” - chị Bảy tiếp lời.

Ngày biết Cam đậu vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thì bà ngoại, dì Bảy và cả xóm biển đều vui mừng nhưng bốn năm học ĐH phía trước thật sự chông gai. Ai cũng sợ Cam và ngoại sẽ gục ngã. Nhưng Cam thì khác, cô gái chưa bao giờ có một lời than thân trách phận.

Trái lại, trên gương mặt còn hồn nhiên ấy là sự tự tin và luôn mỉm cười trước thách thức của cuộc sống. “Mẹ đã lam lũ, đổ bệnh để nuôi tôi ăn học đến chừng này mà bỏ học là bất hiếu, là phụ công ơn của mẹ” - Cam tâm niệm.

Vậy là thi xong, Cam lăn vào đi làm thêm. Cam được một khách sạn ở Sơn Trà nhận vào làm dọn dẹp, nhưng cũng chỉ được một tháng hè thì khách sạn ít khách. Khách sạn hết việc, Cam lại xin đi bưng bê trong quán nhậu. “Do làm việc nặng nhọc lại thức khuya nên tôi ốm liệt giường cả tuần luôn” - Cam chia sẻ.

Ba tuần trước, khi trường thông báo nộp gần 3,4 triệu đồng học phí, dì Bảy phải đi vay nóng với lãi suất 150.000 đồng/tháng để nộp cho Cam. “Tôi mới xin làm bưng bê cho một quán cà phê, hi vọng chăm chỉ làm lụng rồi vay chính sách của sinh viên để có thể nuôi ước mơ trở thành nhà kinh tế giỏi” - Cam tự tin nói.

Hỏi bà Kha có lo cho tương lai phía trước của hai bà cháu không, bà Kha tâm sự: “Chỉ mong ông trời phù hộ cho thân già ni khỏe, hết đau chân, bà cháu đùm bọc rồi cũng qua ngày”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lê (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) tâm sự: “Là chủ nhiệm nhiều năm nhưng tôi chưa thấy học trò nào có tính cách hay như Cam. Số phận thật nghiệt ngã nhưng em luôn yêu đời, bản lĩnh sống và học tập, vượt qua khó khăn. Với bản lĩnh ấy, em là học trò xuất sắc nhất của lớp”.

Thanh Thương bóc sen cùng bà ngoại kiếm tiền để nhập học - Ảnh: Tr.Trung

Đi bóc sen kiếm tiền nhập học

Cứ mỗi năm đến hè, khi hoa sen nở rộ khắp cánh đồng ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì việc đi tìm cô học trò Nguyễn Thị Thanh Thương (thôn An Trung, xã Duy Trung) không dễ chút nào.

Hè tới, khi tạm gấp sách vở là Thương lại cùng bà ngoại Phụng Thị Can đi khắp chòi sen trong vùng để làm thuê. Hôm chúng tôi tới nhà, hai bà cháu Thương đang bóc sen thuê ở cánh đồng Rộc Mít cách nhà vài cây số để chuẩn bị tiền đi học. Người chủ ở đây kể: “Năm nào tới mùa sen tôi cũng thuê hai bà cháu vì họ bóc rất chăm chỉ. Chỉ 1.300 đồng/kg nhưng ngày nào hai bà cháu cũng kiếm được 50.000-70.000 đồng...”.

Thương mồ côi cha từ nhỏ, về ở với ngoại từ năm lớp ba sau khi mẹ qua đời. Suốt thời gian Thương đến trường là những ngày tháng bà Can và những người cậu nơi miền quê nghèo phải vất vả bươn chải, chắt chiu từng hạt thóc, củ khoai lang nuôi cháu.

Đáp lại tình thương ấy, Thương cũng ra sức học và liên tục là học sinh giỏi có tiếng của trường. “Nhà nghèo nhưng được cái cháu tự ý thức nên rất chăm học. 12 năm đến trường chưa bao giờ phải tốn tiền mua vở sách, áo quần vì năm nào cũng được phần thưởng ở trường, tới hè cháu tự đi làm thêm để sắm áo quần vào năm học mới...” - bà Can nói trong tiếng sụt sùi.

Còn Thương trải lòng đã có lúc nước mắt rơi, không phải vì cảm thấy lòng trống trải hay vì nợ học phí triền miên mà vì thương bà mỗi ngày lưng lại còng thêm, mắt mờ đi vì nuôi mình ăn học. “Kể cả khi nợ học phí tôi cũng chưa bao giờ có ý định vắng học. Vì tôi biết nếu đầu hàng việc học thì coi như mình mãi mãi đầu hàng số phận và kể như công của cậu, bà trôi sông trôi biển” - Thương nói.

Với số điểm 23,75, Thương đã trúng tuyển vào ngành thú y Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Thương bảo chọn ngành này chưa hẳn vì yêu mà vì có người hứa nếu học ra trường sẽ xin việc giúp, khi ấy Thương mới có điều kiện nuôi lại bà.

Những ngày chờ giấy báo trúng tuyển Thương luôn trong tình trạng thấp thỏm. Thời điểm nhập học càng đến gần thì khoảng thời gian để đi làm thêm càng rút ngắn. Giữa cái nắng hầm hập trong căn chòi tôn bên chòi sen, đôi tay cô học trò nhỏ nhanh thoăn thoắt bóc từng hạt sen.

Đôi tay chai sạn và đen sì vì mủ sen nhưng với Thương chẳng hề gì, bởi thời gian được ở bên bà không còn nhiều. Trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, Thương bảo chỉ có một điều ước là bà có sức khỏe để tiếp tục chứng kiến mình trưởng thành. “Tôi sẽ đi làm thêm, nhưng chưa biết có bước được liên tục trên giảng đường nữa không vì bà già rồi. Tuy nhiên dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng không bỏ học”- Thương nói chắc nịch.

Ông Nguyễn Chín - Ảnh: Đ.Cường

* Ông Nguyễn Chín (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam): “Lãnh đạo của tỉnh vô cùng hoan nghênh, cảm ơn báo Tuổi Trẻ trong suốt nhiều năm qua đã luôn đồng hành cùng các sinh viên nghèo, hiếu học của xứ Quảng. Vùng đất Quảng Nam nghèo nhưng truyền thống hiếu học đã thấm đẫm từ bao đời nay.

Nhiều em tân sinh viên nghèo, khó khăn đã được học bổng Tiếp sức đến trường kịp thời tiếp sức, chắp cánh cho các em vượt qua khó khăn ban đầu. Năm nay sẽ có gần 100 tân sinh viên nghèo của Quảng Nam được tiếp sức, các em sẽ vững dạ bước trên con đường học vấn, bên các em luôn có sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời của xã hội”.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Ảnh: Đ.Cường

* Ông Nguyễn Minh Hùng (phó giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng): “Tôi vẫn nhớ suốt hàng chục năm qua báo Tuổi Trẻ đã thực hiện nhiều hoạt động vì xã hội mà trong đó tôi ấn tượng với học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo. Học bổng mang lại hiệu quả thiết thực, tác dụng lớn đến cuộc sống, học tập của các em sinh viên nghèo trong cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Có thể nói học bổng của Tuổi Trẻ được trao với một tinh thần hết sức trân trọng với tư cách là người đồng hành thật sự với ngành giáo dục, với cha mẹ học sinh. 

Trong nhiều năm qua, các em được nhận học bổng của Tuổi Trẻ khi nhớ về quá trình vượt khó, thành đạt, trưởng thành của mình luôn ghi nhận sự giúp đỡ kịp thời của báo Tuổi Trẻ”. 

 

Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG - H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên