23/09/2015 16:06 GMT+7

Mượn rượu bia giao tiếp là biện hộ!

HOÀNG ÂN
HOÀNG ÂN

TTO - Tôi là một người trẻ dưới 30 tuổi. Khi đi làm, tôi không sợ bất cứ vấn đề gì trong quá trình làm việc nhưng e ngại nhất lại chính là những buổi hội họp hoặc liên hoan mà có kèm khoản rượu bia vào.

Nam hay nữ đều không ngại bia - Ảnh: TIÊN LÊ
Nam hay nữ đều không ngại bia - Ảnh: TIÊN LÊ

Từ bao giờ người Việt xem bia rượu là thước đo trong giao tiếp, làm việc, phải có tí rượu cho dễ nói chuyện như vậy?

Người lớn "dô dô", tiêm nhiễm con cháu

Hình ảnh người lớn cứ một hai dô dô thì thử hỏi những người trẻ không bắt chước làm theo thì hơi khó.

Tệ hơn là nhiều lúc cái cảnh mà cha mẹ đứa trẻ say sưa về nhà và bắt đầu sử dụng "quyền năng" của người say.

Họ được làm bất cứ cái gì, người dữ thì dùng tay chân đánh đập người thân trong gia đình, người hiền nhất thì ói mửa lảm nhảm những điều vô nghĩa, thậm chí là dùng lời nói nhục mạ người thân mình. Mà cứ đến sáng hôm sau họ lại nói chả nhớ gì!

Những hình ảnh như vậy, cho dù lặp lại ít hay nhiều thì nó cũng gieo mầm vào đầu trẻ nhỏ, những người trẻ hình ảnh lệch lạc rồi. Thế rồi những cuộc nhậu cứ được tiếp nối vô tội vạ từ đời này sang đời khác.

Người lớn chúng ta là tác nhân trực tiếp gieo mầm vào đầu những đứa trẻ rằng: “Uống rượu bia và nhậu nhẹt quá đà” là một điều bình thường con ạ!

Lười mới đi làm "vài ve"

Hình như chúng ta đều không dám nhìn thẳng vào một sự thật là chúng ta đang sống giả dối với nhau. Việc chúng ta mượn rượu bia để giao tiếp là biện hộ. Sao không giao tiếp đúng nghĩa mà phải mượn "hơi men"?

Phải chăng bình thường chúng ta tránh nói thẳng nhưng xem việc nhậu nhẹt là giải pháp nói ra nỗi lòng của mình?.

Hơn thế nữa, chúng ta làm việc không chăm chỉ, chưa hết năng suất thì mới dễ dàng nhậu nhẹt tràn lan. Tôi đã ở nhà trọ chung với rất nhiều người từ công nhân, sinh viên, người đi làm công, cán bộ nhà nước.

Điều tôi dễ nhận thấy nhất là người nào làm việc hết sức, học tập hết sức thì gần như về đến nhà họ chỉ muốn ăn uống, nghỉ ngơi chả ai có hơi sức đâu mà đi làm "vài ve".

Và điều nữa, chính sách như thế nào mà trẻ em cầm tiền đi mua bia rượu thoải mái vô tư không ai kiểm soát? Hình như quản lý còn ở tầm xa quá?

Bao giờ nhậu nhẹt, lạm dụng rượu bia được coi là một việc bình thường thì ngày đó rượu bia sẽ còn tràn lan phố phường.

Chút chút có thể là cái bẫy?

Tôi có đôi lời với cô Phan Nguyễn Phượng Ngân, sinh viên năm, 4 ĐH KHXHNV TPHCM. Cô Ngân cho rằng "Nữ cũng phải biết uống chút chút". Theo cô Ngân, "nhậu" mà "uống chút chút" là cỡ nào?

Con gái tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán, hai năm nay đi làm tiếp xúc khá nhiều thành phần, song chưa bao giờ uống rượu bia, dù là "chút chút" và dù trong tình huống được mời hoặc bị ép bởi bất kỳ ai.

Theo con gái tôi, đó có thể là "cái bẫy", phụ nữ giao tiếp làm ăn làm việc đâu nhất thiết phải biết uống "chút chút" rượu, riết thành thói quen uống "nhiều nhiều" hồi nào không hay.

Còn tôi, xin nói mọi động thái ép người khác uống rượu bia, nhất là ép phụ nữ, đều cần phải bỏ ở bất kỳ ai. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép rượu rượu bia phụ nữ, ngoại trừ hạng phàm phu tục tử, phải không?

SÀI GÒN NGUYỄN

HOÀNG ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên