19/04/2015 08:57 GMT+7

​Trí thức trẻ muốn cống hiến hết mình

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - “Chúng tôi thật sự mong muốn các cấp lãnh đạo TP.HCM có những chính sách thích hợp để thêm nhiều cán bộ trẻ của TP có điều kiện phát huy hết năng lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học”.

 GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, giáo sư trẻ nhất VN, phát biểu như trên.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (thứ hai từ phải qua) trò chuyện cùng các đại biểu trong buổi lãnh đạo TP gặp gỡ trí thức sáng 18-4 - Ảnh: Quang Định

Sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đại diện trí thức trẻ phát biểu tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với trí thức nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015). Cuộc gặp do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN TP tổ chức sáng 18-4.

Được tạo điều kiện, đóng góp sẽ không nhỏ

Theo GS Nam, hơn ai hết thế hệ những người làm khoa học trẻ phải có trách nhiệm và sứ mạng tiếp bước các thế hệ cha anh, cùng góp tay góp sức với những thế hệ đi trước để đưa khoa học - công nghệ TP.HCM vươn lên tầm cao mới.

GS Nam cho rằng đội ngũ trẻ này có trình độ chuyên môn và có tâm huyết cống hiến, nếu được tạo điều kiện tốt chắc chắn đóng góp của họ vào sự phát triển TP.HCM và nền khoa học nước nhà sẽ không nhỏ.

Kiến nghị với lãnh đạo TP, GS Nam nhấn mạnh với truyền thống TP.HCM luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, những người làm khoa học trẻ kỳ vọng TP sẽ tiếp tục đi đầu cả nước trong đổi mới cơ chế quản lý khoa học - công nghệ và quản lý tài chính, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học ở TP được toàn tâm toàn ý làm việc và cống hiến hiệu quả nhất.

Còn GS Chu Phạm Ngọc Sơn mong TP có chính sách và biện pháp tập hợp, liên kết chặt chẽ sản xuất với giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, một mắt xích không thể thiếu được trong xây dựng nền công nghiệp hiện đại, nền khoa học - công nghệ tiên tiến.

GS Sơn cũng ôn lại nhiều kỷ niệm không thể quên đối với những người làm khoa học, đó là những cử chỉ, hành động, sự cảm thông, chia sẻ với trí thức của các nhà lãnh đạo TP sau ngày đất nước mới được thống nhất, còn nhiều khó khăn như ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp...

GS Sơn chia sẻ: trí thức TP trong những tháng đầu sau giải phóng cũng có những suy tư, những băn khoăn, có những bỏ cuộc nửa chừng, nhưng “phải nói rằng tuyệt đại bộ phận anh chị em đã thắng trận đối với chính mình, vì tấm lòng yêu nước truyền thống của dân tộc”.

Cần hợp lực để đạt hiệu quả

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - ghi nhận và đánh giá cao vai trò đóng góp trực tiếp quan trọng của đội ngũ trí thức có trên 1 triệu người, với khẳng định “đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Thiếu liên kết

TS Nguyễn Bá Hải - 33 tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ robot sinh học ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng hiện còn thiếu các mối liên kết giữa các thế hệ làm khoa học để thực hiện những công trình khoa học.

TS Hải cũng phân tích việc thiếu những mối liên kết khác như giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Nếu mối liên kết này hình thành tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh, hiệu quả hơn và khi đó nhà khoa học sẽ có nhiều việc làm hơn.

Người đứng đầu Đảng bộ TP “đặt hàng” cho trí thức TP nghiên cứu, cung cấp thêm những cơ sở khoa học, bổ sung các giải pháp hiệu quả để giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, hiến kế cải cách hành chính...

Bí thư Thành ủy TP đề nghị đội ngũ trí thức góp sức thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tại buổi gặp gỡ, câu chuyện giáo dục con em, giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực được nhiều trí thức các thế hệ đặc biệt quan tâm, trong đó GS.TS Ngô Văn Lệ với đề nghị “muốn thay đổi căn bản giáo dục đại học trước hết phải thay đổi cung cách quản lý nhà nước”.

Ông cho rằng Bộ Giáo dục - đào tạo cần trở về với chức năng quản lý nhà nước, không nên làm công việc của một trường lớn, còn các trường đại học khác là các trường nhỏ như hiện nay.

Hãy để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc triển khai nhiệm vụ của mình với tư cách là một cơ sở đào tạo.

“Muốn đổi mới giáo dục toàn diện mà cung cách làm việc không dân chủ cũng khó lòng đạt hiệu quả” - GS Lệ nói.

Trao đổi thêm với báo chí bên lề cuộc gặp gỡ, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP - cho rằng một trong những điều cần khắc phục để đội ngũ làm khoa học trong nước được lớn mạnh, đó là thói quen (làm khoa học) hơi hàn lâm, công trình nghiên cứu xong, nghiệm thu rồi cất vào tủ không làm gì cả. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa tin khoa học trong nước, nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ... từ nước ngoài dễ hơn, lại chắc ăn.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên