01/02/2015 09:00 GMT+7

​Ngôi trường chở ước mơ

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Những ngày đông Hà Nội vẫn ấm áp, bởi không khí vui vẻ từ các lớp học nghề ở REACH - Trung tâm Tư vấn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội.

Học viên học nghề cắt tóc tại Trung tâm REACH - Ảnh: Nguyễn Khánh
Học viên học nghề cắt tóc tại Trung tâm REACH - Ảnh: Nguyễn Khánh

Các lứa cựu học viên của REACH từ những ngày đầu thành lập (năm 2004) đến nay đặt cho trung tâm một cái tên gần gũi, dễ nhớ: ngôi nhà chở ước mơ. Bởi trước đó, với họ, ước mơ ngay từ những điều bình dị trong cuộc sống cũng là xa xỉ.

Suốt bao năm qua, REACH vẫn âm thầm biến những ước mơ giản dị của các bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trở thành sự thật.

“Người hữu ích luôn có một nghề của riêng mình”

REACH là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập dưới sự quản lý của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA. Tiền thân của REACH là “Dự án đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường” (LABS), do Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ từ năm 2004.

Các khóa học của REACH được thiết kế cho thanh niên từ 18-25 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo hướng nghiệp chính quy. Học viên REACH sau khi tốt nghiệp thường có được việc làm với mức thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp uy tín ở Việt Nam.

REACH đào tạo ba khóa học/năm vào các tháng 3, 7 và 10. Thời điểm thích hợp nhất để nộp hồ sơ là tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 trước khi bắt đầu khóa học mới. Để biết thêm chi tiết, truy cập vào trang web: www.reach.org.vn.

Đó là tâm sự của cô học viên Nguyễn Thị Thuận - cựu học viên REACH khóa 2012 - về những trải nghiệm học một nghề để lập thân ở Hà Nội. Sau khóa học ở REACH, hiện nay Thuận đã có công việc ổn định tại một tiệm cắt tóc ở phố Hàng Bè, Hà Nội.

Quê Thái Bình, cô út Nguyễn Thị Thuận sinh ra trong một gia đình nông dân rất nghèo, học tới lớp 9 Thuận phải nghỉ để phụ việc nông bấp bênh cùng gia đình.

Nung nấu ước mơ có một nghề riêng vì: “Tôi thấy phụ nữ xung quanh mình đều rất vất vả. Phụ nữ hữu ích là người có một nghề của riêng mình”.

Cách đây hai năm, Thuận tìm đến REACH qua lời giới thiệu của bạn bè cùng quê từng là cựu học viên của trung tâm. Lời giới thiệu hấp dẫn với cô gái tuổi mới lớn đang hoang mang trước việc mưu sinh: “Trường dạy nghề miễn phí trong vài tháng.

Được giới thiệu nghề sau khi học”. “Tôi nhớ ngày đạp xe đến REACH là hôm mà bụng đói cồn cào và thấp thỏm. Sau khi nghe bạn kể, tôi lấy tiền tiết kiệm mua vé xe ra Hà Nội, tìm đến trung tâm khi hạn đăng ký đã trễ hai tuần.

May sao thầy cô xét hoàn cảnh khó khăn của tôi đã nhận hồ sơ xin học”. Ban ngày đi học, tối Thuận bán trà đá thêm ở sân vận động Mỹ Đình để trang trải cuộc sống. Từ cái nôi của REACH, Thuận đã có một nghề của riêng cô để lập nghiệp.

Ngồi ở nơi làm việc tại Hà Nội, Vũ Thị Mai - cô gái khuyết tật ở Gia Lai - hồi tưởng những ngày đầu tiên đi học trong đời:

“Tôi sinh ra đã không có cả hai tay. Cha mẹ lại nghèo nên không đủ cả tiền và niềm tin cho tôi đến trường. Ước mơ trong bốn bức tường của tôi khi đó là khát khao được đi học như bao bạn bè.

May mắn cha tôi mua sách, bút để tôi tự học chữ ở nhà bằng chân. Có lẽ cuộc đời tôi sẽ dừng lại trong bốn bức tường nhà ấy nếu như tôi không biết đến REACH qua Facebook của bạn bè.

Ngày tôi đến trường, thầy cô tại trung tâm đã chào đón tôi nồng nhiệt như các học viên bình thường. Tôi được học thiết kế đồ họa trên máy vi tính. Và sau đó, các thầy đã giới thiệu cho tôi một công việc phù hợp ở Hà Nội”.

Chọn cho mình nơi hòa nhập với đời

“Ai cũng có những xuất phát điểm riêng không thể chọn lựa. Nhưng điều chúng ta có thể làm là chọn cho mình nơi sẽ đến” - chị Phạm Thị Thanh Tâm, giám đốc Trung tâm REACH, chia sẻ.

Người phụ nữ 37 tuổi này luôn là người chị lớn trong đại gia đình REACH từ năm 2004 đến nay. Trên 10.000 học viên REACH đã tốt nghiệp là từng ấy người em của chị Tâm có trong tay một nghề thật sự cho riêng mình. Niềm vui từ sự thành công của các lứa học viên đã thành động lực để chị Tâm và đồng nghiệp gắn bó với dự án suốt 10 năm qua.

So với các trung tâm dạy nghề khác, REACH chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường hiện tại như nghề làm tóc, trang điểm, thiết kế đồ họa đơn giản... Học viên có thể đến từ những làng quê nghèo, từ các trung tâm giáo dưỡng bắt buộc hay những bạn trẻ muốn làm lại cuộc đời sau nhiều lầm lỡ.

Khó khăn lớn nhất với các đối tượng học viên này là sự hòa nhập cộng đồng. Vì vậy thầy cô ở REACH vừa phải là những người dạy nghề, vừa như người bạn cảm thông và gần gũi để hỗ trợ những học viên đặc biệt này.

Bạn Đ.T.T.H., học viên lớp làm móng, hớn hở chia sẻ với các học viên khác về tiệm móng mới mở ở Hà Nội. Trước đó, H. đã trải qua trường giáo dưỡng vì hành nghề mại dâm.

M.T. - một phụ nữ ở Hà Tây - cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt. Chồng M.T. do cờ bạc, nghiện ma túy nên gia đình tan vỡ. Một mình M.T. phải gồng gánh gia đình và sa chân vào nghề mại dâm. Đến với REACH, M.T. chọn nghề làm móng để trở lại với cuộc sống lao động đơn giản nhưng có thể nuôi con một cách trong sạch.

Buổi chiều cuối năm 2014, chúng tôi được dự một buổi họp mặt xúc động giữa nhiều cựu học viên đặc biệt ở REACH. Họ đều là thanh niên đường phố, phụ nữ bị lừa bán sang biên giới hoặc trở về từ các trung tâm giáo dưỡng.

Niềm vui ngày gặp mặt cuối năm của các học viên này còn là những tin vui vì bạn bè của họ đã thành đạt. Có người mở được tiệm tóc ở phố, thu nhập ổn định và có thể đón những nhân viên mới là các khóa học viên sắp tới ở REACH.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên