14/12/2014 09:22 GMT+7

​Giấc mơ du học của cô bé mồ côi cha

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TT - Sớm mồ côi cha, cùng mẹ về nương nhờ ông ngoại, song ước mơ du học để thành tài của cô học trò nhỏ Phạm Ngọc Trâm không ngừng lớn lên theo năm tháng.

Phạm Ngọc Trâm tưới nước cho vườn rau của ông ngoại - Ảnh: T.Thành

Trong góc học tập ngăn nắp, tấm di ảnh của người cha được đặt bên bình hoa vải, cô học trò ngồi cặm cụi học bài, nắn nót viết từng dòng chữ. Trâm (lớp 8/1 Trường THCS Bùi Thị Xuân, TP Nha Trang) kể khi mới là học sinh lớp 2, em đã mang nỗi đau mất cha. “Em đặt di ảnh trên bàn học để khắc ghi hình ảnh cha và quan trọng hơn, để có thêm động lực học thật tốt”.

Mong mẹ bớt nhọc nhằn

Cách đây sáu năm, ông Phạm Văn Dũng - công tác ở Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ - đã qua đời trong một tai nạn giao thông, để lại gánh nặng cơm áo cho người vợ trẻ Đặng Thị Thu Hằng và cô con gái nhỏ.

Chồng mất đột ngột, bà Hằng phải xoay xở đủ nghề để nuôi con, từ lượm ve chai ở Bình Dương đến làm công nhân may mặc ở Đồng Nai và hiện tại là nhân viên phục vụ tại nhà khách hải quân ở TP Nha Trang.

Tiền lương 1,3 triệu đồng/tháng chưa đủ để trang trải cuộc sống, nên bà Hằng còn phải làm thêm nghề cắt may vải thuê, và cách đây ba năm bà đưa con gái về ở nhờ nhà ông ngoại trên đường Bửu Đóa, P.Phước Long, TP Nha Trang. Hai mẹ con sống nhờ lương hưu mỗi tháng 3 triệu đồng của ông.

Lớp phó học tập gương mẫu

Cô Đỗ Thị Xuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 8/1 Trường THCS Bùi Thị Xuân, cho biết ở lớp Trâm luôn là một trong những học sinh dẫn đầu về thành tích học tập cũng như tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa của trường.

“Đặc biệt, chữ viết của em Trâm rất đẹp, vừa học giỏi toán, vừa học giỏi văn nên nhiều năm nay em được tín nhiệm làm lớp phó học tập và là tấm gương sáng để bạn bè trong lớp noi theo” - cô Xuyến nói.

Sớm thấy được nỗi nhọc nhằn của mẹ, có lẽ vì thế mà Trâm chín chắn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Suốt tám năm liền, Trâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.

“Năm lớp 5, niềm vui lớn nhất với em là đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Song từ khi lên THCS, em nhận thấy mình phải tìm cơ hội du học, đó là chiếc chìa khóa để giảm bớt gánh nặng cho mẹ” - Trâm chia sẻ.

Trâm cho biết mới đây trong kỳ thi tiếng Anh IOE (Olympic tiếng Anh) trên mạng ở cấp trường, em đã đạt được điểm cao thứ ba trong khối lớp 8 và hiện nằm trong đội tuyển đi thi tiếng Anh IOE cấp thành phố sắp tới. “Em sẽ quyết tâm đạt điểm số cao nhất, vì ước mơ du học trong tương lai” - Trâm tự tin.

Giúp ông mỗi ngày

Ông Đặng Văn Cương (87 tuổi) là ông ngoại của Trâm bị bệnh tim đã 12 năm nay, vẫn thường kể với mọi người về tình huống hiểm nghèo của mình. Đó là sáng sớm một ngày cuối năm 2013, khi Trâm vừa ngủ dậy, bỗng nghe thấy tiếng ông gọi pha sữa yếu ớt hơn thường ngày. Rồi bất ngờ ông lên cơn đau tim, khó thở, huyết áp tăng đột ngột.

Theo sự chỉ dẫn của ông, Trâm gọi số điện thoại cấp cứu, rồi cả hai ông cháu cùng lên xe cấp cứu đến thẳng bệnh viện. Nhờ thế mà ông được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

“Tôi thấy vui và may mắn vì trong nhà có cô cháu nhỏ, lúc thì pha sữa cho ông uống, khi tưới nước, nhặt cỏ cho vườn rau của ông và có lúc hai ông cháu cùng đọc sách, học cách bấm huyệt để phòng khi lên cơn đau” - ông Cương nói.

Điều thú vị, trên cánh cửa trước phòng Trâm có dán một bài tập viết chính tả mang tiêu đề “Ông ngoại” (của tác giả Nguyễn Việt Bắc) đề ngày 26-5-2011.

Những hàng chữ nắn nót trên tờ giấy đã ngả sang màu vàng nhưng còn rõ nét: “Trước ngưỡng cửa trường tiểu học, tôi đã may mắn có ông ngoại - thầy giáo đầu tiên của tôi” - Trâm cho biết bài văn ấy cũng chính là tình cảm của em với ông ngoại. “Ông ngoại đã dạy em học từ năm lớp 2 và cũng chính ông đã che chở, nuôi nấng mẹ con em đến bây giờ” - Trâm kể.

Những ngày này dù bận rộn với việc học ở trường để chuẩn bị cho các kỳ thi cuối học kỳ I, nhưng cô bé Trâm vẫn đảm đang nấu cơm, quét nhà, rửa bát... Em bảo: “Tuy không giúp được nhiều việc nhưng em tin sẽ tạo những niềm vui nho nhỏ để ông và mẹ có thêm sức khỏe, chuẩn bị đón một năm mới đang đến gần thật vui”.

Ngày 14-12, tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” trao 64 suất học bổng (3 triệu đồng/suất) dành cho học sinh là con cán bộ chiến sĩ hải quân đang học tập tại tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến vào ngày 28-12, đợt trao thứ hai sẽ được tổ chức tại thành phố Hải Phòng.

Được biết, học bổng này nhằm tuyên dương học sinh vượt khó, học giỏi, qua đó động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ hải quân yên tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Chương trình trao tổng cộng 333 suất học bổng với kinh phí 1 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đồng Tâm tài trợ.

Đến nay chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” đã tiếp nhận 55 tỉ đồng từ đóng góp của các cơ quan, đơn vị và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Phần lớn số tiền nói trên đã được sử dụng để mua trang thiết bị chuyên dụng và chăm lo hậu phương của cán bộ chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và trao học bổng cho con ngư dân bám biển...

THÁI BÌNH

* Dành cho 333 học sinh là con cán bộ chiến sĩ hải quân  

* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ và Quân chủng Hải quân

* Tài trợ: Công ty cổ phần Đồng Tâm

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên