|
Có bạn sẽ hài lòng và có bạn sẽ thất vọng. Tôi cũng đã từng ở trong bài toán như vậy, làm sao để cơ hội tốt nhất đến với mình?
Từng ở vị trí một nhân viên chăm chỉ làm việc nhưng không có được một công việc tốt như mơ ước, tôi đã quyết tâm đổi việc và rèn luyện cho chính mình kỹ năng xin việc do mình tạo ra. Tất cả các công thức, nổ lực đều được phát triển từ tính cách nổi bật nhất mà tôi có được. Đó là chịu khó! Càng chịu khó thì sẽ có ngày ló ra cái hay!
Hồi vừa tốt nghiệp đại học Ngân Hàng TP.HCM, tôi được nhận vào hãng máy bay của Hong Kong làm dạng tạm thời (temporary). Lương năm đó chừng 2 triệu. Đủ sống, nhưng dư dả để dành thì không hề dư. Suốt 2 năm trời ở hãng tôi cố gắng làm việc tốt nhất có thể. Nghề này nó đã giúp mình tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp tiếng Anh. Vì hễ chuyến bay bị hoãn hay hủy là khách gọi la, chửi, viết thư phàn nàn kiện cáo tới tấp. Cường độ làm việc cứ là tay đánh, hàm nói, đầu óc phải linh hoạt ứng biến với khách Tây, ta quần quật cả ngày. Bữa nào chiều về cũng rơm rớm nước mắt vì bị "ăn chửi" và áp lực công việc quá lớn. Cộng thêm chính hãng tận Hong Kong họ không chịu cho vô chính thức, bắt làm tạm hoài nên lương cũng chẳng tăng. Thế là quyết tâm: tìm việc!
Ngày nào đi làm về, ăn cơm xong là mình dành hết thời gian tự học tiếng Anh. Tuy là dân chuyên Anh cấp 2-3 trường trung học chuyên Lê Quý Đôn Nha Trang, nhưng mình hiểu chính mình không thể dùng kiến thức căn bản đó để mà xin việc được. Thế là tôi đọc các thể loại báo nước ngoài như VOA, BBC, Viet Nam News.. để luyện vốn từ trong đời thường, trong truyền thông, trong công sở, và trong kinh tế chính trị. Chuyên Anh, nhưng nói và phát âm tôi vô cùng tệ. May làm ở hãng máy bay một thời gian nên kỹ năng nói phát triển khá vượt bậc. Tuy nhiên, ngoài những giao tiếp vòng vòng quanh chủ đề vé, chỗ ngồi, giá tiền thì chấm hết.
Thế là mình ngồi suy nghĩ, cuối cùng cũng tự tìm ra cách học nói. Trước hết, tôi ngồi nói nhảm. Tức là trong đầu suy nghĩ gì, mình sẽ nói to ra bằng tiếng Anh. Từ việc bữa nay quên hủy chuyến đi nghỉ mát của khách, bị phạt ngược lại cả mấy trăm đô may mà viết thư qua tận Hong Kong năn nỉ ỉ ôi, rằng em mới vô làm, đây là sai phạm đầu tiên, em lại là dân làm tạm thời nên không có tiền trả phạt, viết thảm quá được bên hãng họ tha cho, đến cả chuyện hai chị em giành nhau cái áo màu đỏ để sáng mai đi làm. Cả chuyện có ma kêu rú hằng đêm sau cái vườn rộng mấy mẫu, tối thui, ngập nước và chằng chịt cây cối như rừng U Minh trong con hẻm Bùi Đình Túy. Tất cả, tất cả tôi đều nói oang oang ra bằng tiếng Anh.
Sau một hai tuần thì khả năng nói của tôi lưu loát, nhạy bén và phong phú thấy rõ. Để bổ sung thêm vốn từ về giải trí, giao tiếp thường ngày, tôi lâu lâu xem phim Mỹ có phụ đề tiếng Anh. Nói chung là cứ rảnh tí nào, là nói như điên như dại tí ấy.
Võ Thoại Dung từng là HS trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Nha Trang, Khánh Hòa. Dung du học đến Mỹ theo chương trình kết hợp giữa Đại Học Quốc Gia và Houston University, hai năm học tại Mỹ bạn được làm trợ giảng và nhận học bổng toàn phần. Tốt nghiệp làm việc tại Ngân hàng Mỹ và hiện nay đang làm Software Analyst của công ty DICentral Corporation, Mỹ. |
Xong, giờ tới phần chuẩn bị phỏng vấn. Tuy là chưa rải đơn xin gì ráo, nhưng tôi cứ luyện chung chung trước đã. Tôi đọc hết mấy cuốn mẫu xin việc, dịch hết tất cả những câu mình nghĩ họ có thể hỏi, rồi dịch luôn cả câu trả lời thật tỉ mĩ. Tôi ngồi ôm mấy câu đó học thuộc lòng như cháo luôn. Mình nghĩ đơn giản thôi, lúc phỏng vấn hồi hộp vậy mà không thuộc lòng thì coi như chỉ có ngồi rung đùi, mồ hôi túa ra rần rần, tay bứt tóc để mong lòi ra một câu trả lời nào đó cho ra hồn. Sau khi gửi đơn vô một công ty cụ thể nào, mình sẽ lên mạng tìm hiểu hết thông tin về công ty ấy, và đương nhiên là sẽ học thuộc lòng, và ráp vào các câu trả lời phỏng vấn thích hợp.
Về phần viết, từ nhỏ tôi vốn có thói quen viết nhật ký. Nên từ khi ý thức được quyết tâm xin việc, tôi tập viết bằng tiếng Anh toàn bộ. Cứ viết xong rồi thì đọc tới đọc lui sửa lại văn phạm, cú từ. Cái đọc tới lui này nó cũng giúp mình lưu loát trong diễn đạt. Giải phóng hoàn toàn thế giới nội tâm đang diễn ra trong đầu ra giấy và ra miệng hết. Tôi còn luyện tới lui văn phạm qua bộ Proficiency 5 cuốn tới mòn luôn. Còn nhớ cứ chiều chiều tan ca là tôi lại rủ chị bạn thân nán lại văn phòng thêm một tiếng để cùng học cho vui.
Giờ tới phần rải đơn. Mục tiêu là các công ty nước ngoài, nên tôi chỉ coi các mục tuyển người ở báo tiếng Anh, đặc biệt là báo Viet Nam News. Báo này toàn đăng tuyển dụng của các công ty đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các lãnh sự... Nói chung, cứ ước mơ cao, và cố gắng bắt cho được một ngôi sao. Thì có ngày cũng sẽ làm được.
Tôi bắt đầu được gọi phỏng vấn một số nơi như Lãnh Sự Singapore, Lãnh Sự Malaysia, vài công ty nước ngoài, và quan trọng nhất là tổ chức di dân quốc tế IOM (International Organization for Migration), một tổ chức được tài trợ bởi Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới. Có chỗ mình phỏng vấn xong thì im re luôn vì rớt. Có chỗ nhận vô nhưng lương cũng không cao lắm, chưa đúng mong muốn của mình nên mình từ chối ("chảnh" ghê hông, lương có 2 triệu mà từ chối việc 4-5 triệu mới ghê! Nhưng mà biết sao giờ, công sức luyện tập của mình ngày đêm rất nhiều, nên tôi muốn kết quả tốt xứng đáng hơn.)...
Và rồi, cái ngày huy hoàng của mình cũng tới. Vẫn còn nhớ như in buổi xế trưa hôm đó, đang làm việc thì tôi nhận được điện thoại của chị nhân sự bên IOM. Chị báo mình đã đậu vào tổ chức, rồi chị thỏ thẻ báo mức lương "Lương của em mới vào, bậc 3 nên sẽ là năm trăm đô". Mình thoáng nghe tưởng nhầm, hỏi lại lí nhí: "Dạ, năm....năm triệu hở chị?". Chỉ cười ra tiếng "Không, năm trăm đô la Mỹ đó em! Ngày nghỉ của em là 30 ngày một năm, chưa kể các ngày nghỉ của Việt Nam...." .
Chỉ còn nói gì gì thêm nữa, mà nói thiệt lúc đó tâm trí tôi đã lâng lâng bay tận lên nóc nhà rồi. Sung sướng đến không biết tả như thế nào. Sau này vô làm rồi mới biết ngoài 30 ngày nghỉ, cộng thêm ngày nghỉ Việt Nam, rồi cộng thêm ngày nghỉ của bộ phận nước mình làm (như Mỹ, Úc hay Canada), thì có khi gần 45 ngày nghỉ 1 năm. Các anh chị trong tổ chức ai cũng bị năn nỉ hay buộc nghỉ vào cuối năm vì ngày nghỉ bị dồn nhiều quá, có khi lên tới 50-60 ngày...
Làm ở tổ chức này được gần ba năm thì mình xin nghỉ để sang Mỹ du học. Nhưng trong tâm mình vẫn vô cùng yêu quí công việc tại tổ chức IOM vô cùng.
Tới tận bây giờ, tuy đang học tập và sinh sống tại Houston, mình vẫn giữ thói quen nói nhảm hồi đó. Nghĩ gì nói đó, nó vừa giúp cơ miệng mình không bị cứng, vừa giúp mình diễn đạt trôi chảy. Còn việc học tiếng Anh đối với mình nó là việc học cả đời, luyện cả đời. Nên cứ rảnh là mình đọc sách (đọc to), viết sách (tức là viết sách mình đọc xuống 1 quyển vở để luyện từ và văn phạm), viết nhật ký bằng tiếng Anh, và nghe sách Audio (đọc xong 1 đoạn thì nghe lại đoạn đó qua Audio để đọc cho chuẩn). Chính thói quen học này đã duy trì cho mình một phong độ tiếng Anh ổn định và một phong thái tự tin, nên lúc xin việc vào ngân hàng Mỹ (Bank of America) mình lại áp dụng lại các kỹ năng xin việc lúc xưa ở Sài Gòn. Và kết quả đương nhiên là đậu rồi.
Hiện tại mình đang muốn chuyển sang ngành công nghệ thông tin. Nên sau khi học xong bằng Thạc sĩ kế toán, tôi sẽ tiếp tục học bằng hai trong lĩnh vực công nghệ thông tin để lấn sân sang lĩnh vực này.
Nói chung, không có việc gì quá khó nếu mình chịu khó, luyện tập, và rèn giũa kiên trì. Việc gì cũng vậy, cứ chịu khó là sẽ ló cái khôn ra hết!
Chúc các bạn kiếm việc thật thành công rực rỡ....
Bạn đã từng "đau khổ" khi muốn tìm một công việc mới hoặc thay đổi công việc tốt hơn? Bạn đã có kinh nghiệm bổ ích nào? Bạn có từng thành công hay thất bại? Hãy chia sẻ theo công cụ dưới bài hoặc gửi dến mail tto@tuoitre.com.vn . Xin cám ơn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận