22/09/2014 03:02 GMT+7

​“Chuyện nhỏ” của người lớn?

TT - “Chuyện nhỏ” kỳ này xin giới thiệu hai mẩu “chuyện nhỏ” của người lớn về hai câu chuyện ở đô thị và nông thôn, chủ đề khác nhau nhưng dường như có cùng tâm sự.

Trách gì đứa con nít?

Tôi thường đi siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) vào dịp cuối tuần. Trong một lần chọn hàng, tôi để ý thấy một người mẹ chừng 40 tuổi, ăn mặc khá sang trọng lén lút bóc nho Mỹ không hạt cho con ăn (đứa bé chừng 3 tuổi).

Vừa bóc người mẹ này vừa giục con: “Ăn nhanh lên kẻo người ta nhìn thấy”. Đứa bé cứ thế nhai hết trái nho này đến trái nho khác rồi hỏi mẹ: “Nho chưa rửa mà cũng ăn được hả mẹ? Nhỡ đau bụng thì sao?”.

Người mẹ lườm con: “Ngốc ạ, ăn vụng còn bày đặt vệ sinh gì nữa. Ăn nhanh lên để lát nữa mẹ đưa ra quầy kẹo sôcôla, ăn thỏa thích đi rồi về đừng đòi mẹ nữa nhé”.

Nghe vậy, tôi thấy buồn buồn vì là người mẹ mà lại dạy con tính ăn vụng một cách công khai.

Nhìn hai mẹ con cứ lén lút ăn nho, cố gắng để nhân viên siêu thị không nhìn thấy, tôi thấy tồi tội cho đứa trẻ.

Khi ra quầy bánh kẹo, tôi lại thấy có hai em bé khác cứ kéo hàng rơi xuống rồi cười đùa thỏa thích. Các em còn giẫm chân lên, rồi ném từ chỗ này sang chỗ kia khiến bánh kẹo lẫn lộn cả vị trí. Ở đó, một người mẹ trẻ vẫn làm ngơ.

Tôi nhẹ nhàng nhắc các bé thì bị người mẹ này nổi đóa: “Ai mắc mớ đến cô? Chúng nó còn nhỏ, đùa nghịch chút có sao? Mất gì của cô đâu mà xía vào?”.

Tôi cố thanh minh: “Như vậy thì mất công các anh chị nhân viên siêu thị phải sắp xếp lại đồ và gây khó khăn cho khách hàng mà chị”.

Người mẹ “làm tiếp”: “Ai trách gì đứa con nít? Xếp lại đồ là trách nhiệm của nhân viên, làm gì mà mất công với chả mất của? Lắm chuyện”.

Vừa nói người mẹ vừa kéo tay hai đứa bé đi qua hàng khác, không quên buông lời: “Dở hơi, bày đặt”.

Nghĩ thật buồn, là người lớn mà cứ vô tư dạy con tính xấu.

Đúng là tôi không trách gì đứa con nít mà trách chính người lớn thấy con có những hành động không đúng mà vẫn bỏ qua, làm ngơ.

NGUYỆT LINH

Chuyện nhỏ của mẹ...

Mẹ có hai vườn rau, một để bán và một để ăn. Vườn bên này rau kém xanh tốt do thiếu nước, thiếu phân nhưng mẹ bảo rằng để nhà ăn, thi thoảng đem cho cô bác họ hàng. Vườn bên kia diện tích rộng hơn, rau non mỡ màng vì mẹ bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ đều đặn. Mẹ bảo rằng: “Chỉ nhà mình biết vậy thôi..., mà rau nào ngoài chợ chẳng có tí thuốc trừ sâu?”.

Ngoài trồng rau bán, mẹ vẫn hay đi vét cá ngoài sông. Mùa dễ kiếm cá, mẹ chỉ mất nửa ngày mà mang về bao nhiêu là cá tôm. Con to, con nhỏ mẹ đều lấy hết. Loại to mang bán cho người ta nấu ăn, còn loại nhỏ, dù là nhỏ nhất, cũng có thể lượm về bán cho người ta chăn nuôi.

Nhớ nhất là đợt phòng tài nguyên huyện đem thả cá con ra sông theo chương trình gì đó mà mẹ quên tên. Họ thả cá giống đoạn thượng nguồn thì ngay hạ nguồn mẹ đã nhanh tay vét sạch đám cá giống về làm “thức ăn chăn nuôi”.

Khái niệm “thả cá giống tái tạo nguồn thủy sản”, “bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống”... không phải là điều mẹ bận tâm, vì theo mẹ thì “mẹ không làm cũng sẽ có người khác làm thay”.

Từ ngày có xe thu gom rác vào đến từng ngõ xóm, mẹ không vứt rác tứ tung khắp vườn, cũng không còn gom bao nilông để đốt nữa.

Nhưng phần rác thải khó phân hủy này được mẹ “gửi ké” sang nhà cô hàng xóm, mỗi lần công nhân vệ sinh đi qua ngõ thu gom rác lại phàn nàn: “Nhà cô P. nhiều rác gấp đôi các nhà khác!”.

Chỉ hai mươi ngàn đồng tiền phí thu gom rác mỗi tháng nhưng với mẹ là “lãng phí”, “nhà nông không nhiều tiền như nhà cán bộ” (!?). Vài bao rác được vận chuyển “miễn phí” với mẹ là “không đáng gì”, “không thấm vào đâu”...

Chuyện tuy nhỏ nhưng cứ khiến con băn khoăn mãi.

Con sẽ nói chuyện hay góp ý với mẹ thế nào đây, khi lúc nào con cũng là “con nít con nôi” trong mắt mẹ?

NGUYỄN LÊ

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên