21/07/2010 06:30 GMT+7

Game bạo lực và tác hại

PHI LONG ghi
PHI LONG ghi

TT - Tiếp theo loạt bài “Trong thế giới game online” phản ánh một bộ phận giới trẻ đắm chìm trong thế giới ảo đến suy kiệt sức khỏe, suy giảm nhân cách, lần này Nhịp sống trẻ trở lại câu chuyện game online dưới góc độ bạo lực và sự tiêm nhiễm bạo lực từ game đến lối sống của một bộ phận giới trẻ.

Dưới đây là ghi nhận ý kiến của các chuyên gia tâm lý, chuyên viên sinh hoạt cộng đồng.

sWtHt1Gw.jpgPhóng to

Một điểm game online ở Bình Thạnh hoạt động lúc 1g sáng - Ảnh: M.C

* Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt):

Tính bạo lực trong game ngày càng dã man

keWTTSVd.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Tâm - Ảnh: Phi Long

Tính bạo lực trong game online hiện nay ngày càng tinh vi, hung dữ hơn. Trước đây chỉ đơn giản đánh bằng tay thì bây giờ được cung cấp hàng loạt vũ khí có tính sát thương cao hơn và giết được nhiều người chơi hơn.

UBND TP.HCM vừa có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng về quản lý trò chơi trực tuyến (game online). Theo đó, kiến nghị cho rằng trò chơi trực tuyến có những tác động tiêu cực đối với xã hội, là nguồn gốc phát sinh (hoặc làm gia tăng) một số tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Kiến nghị nêu: yêu cầu công khai tiêu chí đánh giá bạo lực và cờ bạc trong trò chơi trực tuyến, trên cơ sở đó thẩm định lại các trò chơi đã cấp phép. Đồng thời với quan điểm không khuyến khích trò chơi trực tuyến, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thuận chủ trương cấm quảng cáo trò chơi trực tuyến dưới mọi hình thức như cấm quảng cáo rượu bia, thuốc lá...

Trong tâm lý, con người có hai bản năng là gây hấn và tình dục. Bản năng gây hấn đã bị các nhà làm game lạm dụng. Họ đã biết kích hoạt khả năng này để tăng phần kích thích trong các game thủ, từ mức độ thấp nhất là đánh nhau bằng tay chân đến các loại hung khí như thật là kiếm, dao và súng, thậm chí cả... cưa máy. Các nhà phát hành game lập luận trong game phải có tính đối kháng, nhưng đâu nhất thiết phải đối kháng bằng cơ bắp, bằng những hành vi hung ác tàn bạo.

Không có một thước đo nào chính xác để nói game nào đó bạo lực ít hay nhiều, nhưng những hành vi như đâm chém, cừu sát, đồ sát là bạo lực, dã man và khó chấp nhận ngay cả trong game.

Một hành vi vô pháp luật trong game như giết người một cách dã man và được xem là chuyện bình thường sẽ dễ dẫn đến những hành vi phạm pháp trong xã hội thực. Nó nguy hiểm ở chỗ nhiều game thủ sẽ chấp nhận và xem những việc đó là bình thường, hình thành một lối sống bất chấp luật pháp từ game bạo lực.

Tâm lý của giới trẻ là khi thấy những hành vi bạo lực trên game thường xuyên sẽ cảm nhận, chấp nhận hình ảnh đó (đã, khoái, thích thú), lâu ngày đúc kết thành niềm tin (nhập tâm vào cuộc sống trong game, như game).

Khi đó ảo thực lẫn lộn, các game thủ sẽ ám ảnh trong tâm thức những hành vi đó, cuối cùng là chấp nhận và cho đó là một hành vi bình thường trong xã hội thực. Chuyện băng nhóm học trò đánh nhau trong trường học cũng (có phần) xuất phát từ những bang hội trong thế giới game online mà ra. Ở đây không chỉ tác động vào ý thức, tiềm thức mà còn đánh vào vùng vô thức của mỗi người - nơi con người không tự kiểm soát được.

* Ông Nguyễn Thành Nhân (giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam):

Họ đã ngụy biện cho tính bạo lực

gK3uu1eA.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Thành Nhân - Ảnh: Mai Vinh

Dưới cái nhìn của một người từng nghiên cứu những tác động của game online trong nước và một số nước ở châu Á để triển khai chương trình cai nghiện game online tại Việt Nam năm 2008, ông Nguyễn Thành Nhân - giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - khẳng định việc sử dụng các hành vi bạo lực trong game hiện nay là một cách làm cho game online cũng như offline trở nên hút người chơi.

Theo ông Nhân, còn các game bắn súng như Đột kích của VTC, Biệt đội thần tốc của Vinagame, Đặc nhiệm anh hùng của FPT online... là những trò chơi tập trung vào việc bắn giết vô tội vạ, giết càng nhiều càng tốt. Tính bạo lực quá nhiều và dễ dàng kích thích tính “anh hùng”, “độc tôn” của giới trẻ...

Qua lý lịch của các bạn trẻ ông Nhân gặp tại lớp cai nghiện game online do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức, có hai dạng biến chuyển tâm lý khi sa đà vào game online: trở nên hung hãn và dữ tợn hơn; số khác thì lầm lì và trở nên cộc cằn. Cái đáng sợ nữa là trẻ có thể hành xử giống những gì mà mình chơi trên game online ngay cả với người thân của mình.

Theo ông Nhân, một số bạn trẻ khi không được thể hiện mình trên thế giới thực thì “đổ” hết ức chế đó vào thế giới ảo. Ví dụ: khi mình hay bị ức hiếp, không biết thổ lộ với ai, vào game mình có cơ hội đánh, giết tùy thích. Ông Nhân khuyến cáo: hành xử tùy tiện theo cách trên lâu ngày trở thành thói quen. Và một điều dễ dàng nhận thấy là các bạn lập bang hội cũng chỉ để tăng thêm sức mạnh và chơi game cho hấp dẫn thêm, chứ không hề kích thích khả năng làm việc nhóm, khả năng huấn luyện, lãnh đạo... Đây chỉ là sự ngụy biện mà các công ty game đưa ra.

_____________________

Xuất hiện trên tập vở học sinh

qxKIp0tn.jpgPhóng to
Tràn ngập hình ảnh game online trên tập vở học sinh - Ảnh: Th.Thắng

Việc xuất hiện các quảng cáo game trên tập vở học trò là một hình thức đầu độc đáng lên án và phê phán vì nó sẽ tăng phần kích thích ham muốn chơi game trong mỗi học sinh. Nhiều em có thể không biết đánh Word nhưng chơi game lại rất rành. Trên mỗi bao thuốc lá đều có ghi độ tuổi được mua, ngay cả trên các trang “web đen” cũng có dòng cảnh báo lứa tuổi nào phù hợp truy cập vào, trong khi những loại game bạo lực chém giết nhau lại không hề có quy định lứa tuổi nào được chơi.

PHI LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên