25/08/2007 17:49 GMT+7

Trách nhiệm xã hội, góc nhìn từ doanh nghiệp

   Theo LƯƠNG PHAN- NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
   Theo LƯƠNG PHAN- NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Quan sát xu hướng phát triển kinh tế thế giới trong những thập niên vừa qua, đặc biệt qua lăng kính mô hình chuyển đổi ở nước ta, có thể rút ra ba nhận xét đáng chú ý:

F7CjoLIf.jpgPhóng to

Tạo điều kiện làm việc cho người lao động là điều các doanh nghiệp nên làm

Quan sát xu hướng phát triển kinh tế thế giới trong những thập niên vừa qua, đặc biệt qua lăng kính mô hình chuyển đổi ở nước ta, có thể rút ra ba nhận xét đáng chú ý:

(i) Toàn cầu hóa thúc đẩy mở rộng phạm vi hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia. Sự thay đổi này đồng nghĩa với sự đa dạng về sản phẩm, người tiêu dùng, nhân viên lao động, chủ đầu tư, cổ đông từ nhiều thành phần khác nhau, nhiều đất nước khác nhau…

Công ty nào muốn vươn ra chiếm lĩnh thị trường toàn cầu thì phải luôn đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu, chịu trách nhiệm trước một dư luận toàn cầu.

(ii) Sự đa dạng trên được tiếp sức bởi tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ. Đặc biệt, sự bùng nổ của Internet và những phương tiện lưu chuyển của thông tin dần dần hình thành một hệ thống miễn dịch trước những khoảng trống không minh bạch của thị trường. Ém nhẹm thông tin là một từ sẽ được xóa dần trong từ điển của các doanh nhân.

(iii) Quá trình cổ phần hóa các công ty ở nước ta tạo ta một tình huống mới, hoàn toàn chưa có tiền lệ trước đó. Một mặt, các công ty nhà nước hoạt động dưới “tư duy bao cấp” trong một thời gian dài, đang tăng tốc chuyển mình qua “tư duy cổ phần”, với sự nâng cấp về trách nhiệm cụ thể trong từng công việc. “Tay làm hàm nhai”, thay vì sản xuất và ăn lương theo kế hoạch.

Mặt khác, sự trỗi dậy của tầng lớp tư doanh, với những chính sách khuyến khích của Nhà nước, đã làm tăng tính quy mô về số lượng lẫn chất lượng của thành phần này. Hệ quả: Những biến động trên đặt các doanh nghiệp trước một đòi hỏi lớn về thay đổi tư duy trong kinh doanh.

Việc hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc tế từ đầu năm nay mở ra cho nền kinh tế nước nhà nhiều cơ hội song hành cùng thách thức. Làm sao để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong những năm kế tiếp đang là một câu hỏi quan trọng hàng đầu.

Trước hết, ở tầm vi mô, các doanh nghiệp trong vai trò xương sống của nền kinh tế cũng phải tìm cho mình con đường phát triển bền vững thích hợp trước những đổi thay từ trong lẫn ngoài.

Xin mượn ý kiến của tác giả Trần Hồng Thủy: “Chúng ta không có con đường nào khác hơn để đi ra khỏi vòng nghèo đói là phải phát triển, làm giàu bằng cách tận dụng mọi cơ hội sẵn có và có thể có. Đúng là có thực mới vực được đạo, nhưng bao giờ chúng ta cũng có sự lựa chọn giữa phát triển mù quáng và phát triển sáng suốt. Phát triển sáng suốt là phát triển có văn hóa. Đơn giản nhất là chúng ta phải biết chúng ta đang làm gì, sinh ra hệ quả gì và phải biết hổ thẹn với lương tâm” (DNSGCT 211).

Từ những năm 1970, luận điểm nổi tiếng của nhà kinh tế học Milton Friedman, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ làm tăng lợi nhuận của họ” đã chiếm lĩnh các diễn đàn tranh luận từ giới khoa học, chính trị đến các tầng lớp doanh nhân. Khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility) nhanh chóng trở thành xu hướng của tầng lớp tiến bộ ở các nước phát triển.

Sau gần 30 năm, quan điểm này tiếp tục phát triển và phổ biến rộng rãi, thành một nguyên tắc bắt buộc cho hầu hết các tập đoàn và công ty đa quốc gia. Không những ràng buộc trong phạm trù đạo đức, phần lớn các nguyên tắc này đã được luật hóa, hoặc được công nhận bất thành văn trên sân chơi toàn cầu.

Khai triển cùng hai ý trên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, phát triển có văn hóa phải chăng là kinh doanh để vừa sinh lợi nhuận vừa cống hiến cho xã hội? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nên được hiểu như thế nào, là mục tiêu, động lực hay chiến lược để công ty phát triển thành công? Và trong quá trình gia nhập con thuyền kinh tế thế giới, khái niệm trên sẽ có ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Kinh tế hay đạo đức?

Trên bình diện lý thuyết, có nhiều tranh cãi xung quanh định nghĩa hoàn chỉnh cho khái niệm này. Tựu trung, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” có thể được phân loại như sau: (1) trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; (2) trách nhiệm về bảo vệ môi trường, hoặc ít nhất không vì lý do kinh tế mà gây hại đến môi sinh; (3) trách nhiệm với người lao động, ít nhất là đối với các công nhân viên trong hãng xưởng của mình (lương bổng, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ...); (4) ngoài ra, doanh nghiệp còn nên có trách nhiệm chung với cộng đồng. Gần nhất là địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động.

Như vậy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan tới nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ người tiêu thụ đến các nhà cung cấp nguyên liệu vật liệu tại chỗ, từ công nhân viên cho đến các cổ đông của doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật và văn hóa của từng nước mà việc thực thi “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” sâu rộng đến đâu. Thông thường nhà kinh doanh nào cũng muốn đạt lợi nhuận cao nhất, nên ít ai muốn phải chi thêm phí tổn làm ảnh hưởng đến doanh thu.

Tuy vậy, toàn cầu hóa không chỉ mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp mà còn đặt họ vào một hệ thống giám sát có hệ thống. Từ dư luận của một nước thành dư luận chung của toàn thế giới. Có thể kể ra đây trường hợp của tập đoàn thể thao khổng lồ Nike. Vào những năm 1990, điều kiện lao động khắc nghiệt tại các nhà máy của Nike ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã bị nhiều tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông lên án kịch liệt. Từ đó đã dấy lên phong trào tẩy chay sản phẩm Nike tại các thị trường chính của tập đoàn ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

Tuy phong trào tẩy chay không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, nhưng Nike đã lập tức đưa ra những chương trình xây dựng lại hình ảnh. Hiện tại, bên cạnh vô số những chương trình trách nhiệm xã hội tại thị trường tiêu thụ của Nike ở các nước phát triển và đang phát triển, Nike đã thành lập một hệ thống các tổ chức giám sát độc lập nhằm kiểm tra lao động tại các nhà máy ở vùng châu Á.

Để đảm bảo lợi nhuận của mình, các doanh nghiệp ý thức rằng không thể phát triển mà phớt lờ sức ép của dư luận vốn vừa là khách hàng, công nhân viên hoặc cả các đối tác, chủ đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Các nhà quản lý doanh nghiệp quốc tế không những biết cách làm tăng tối đa lợi nhuận cho công ty, mà còn ý thức rất rõ được việc tạo nên những điều kiện để duy trì và phát triển bền vững những lợi ích.

Một thí dụ kinh điển trong lịch sử thế kỷ XX là sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản trong chính sách đối với người lao động. Sự gia tăng các phong trào công nhân buộc các nhà tư bản phải tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Những điều này đã tăng chi phí, giảm lợi nhuận trước mắt của các công ty, nhưng bù lại họ đạt được chu kỳ ổn định để phát triển lâu dài.

Phong trào “xanh” vào những năm 1980 là một thí dụ khác. Xuôi theo áp lực dư luận, vấn đề bảo vệ môi trường trong kinh doanh được đặt lên hàng cốt lõi. Doanh nghiệp không chỉ đốn cây vét rừng để sản xuất và xuất khẩu, mà phải quan tâm đến việc trồng cây gây rừng. Các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường càng mang nhiều tiêu chí môi trường như sạch, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu hay hóa chất sử dụng không được gây độc hại cho người sản xuất, vận chuyển và khách tiêu thụ.

Hơn thế nữa, những điều kiện này đem lại cho họ lợi thế đặc biệt. Một mặt đây là hình thức xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả nhất khi sản phẩm của mình có điểm khác biệt nổi bật so với các mặt hàng cùng chủng loại. Mặt khác nó đánh vào tâm lý chung của giới tiêu thụ, khi tận dụng những vấn đề xã hội thành một phương châm cho mặt hàng kinh doanh.

Gần đây là trường hợp sản phẩm muối iốt của Tập đoàn Unilever. Liên kết với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Unilever đã cho ra sản phẩm muối iốt tại thị trường ấn Độ. Không chỉ nhằm mục đích lợi nhuận mà gắn liền với lợi ích sức khỏe, sản phẩm muối của Unilever đã nhanh chóng chiếm lĩnh 35% thị phần muối Ấn Độ, dự kiến tăng lên 50%.

Vậy là từ những ý niệm đạo đức ban đầu dưới sức ép của dư luận trở thành luật, các quy định bất thành văn..., các doanh nhân cũng đã tự nhận ra việc tuân thủ các điều lệ này cũng là cơ hội để tăng lợi nhuận. Không nghi ngờ gì nữa, việc hoàn thành trách nhiệm xã hội tạo ra cho doanh nghiệp những con đường phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Và đã đến lúc bàn về trách nhiệm doanh nghiệp Việt Nam?

Cần phải nói ngay là các khái niệm về “trách nhiệm xã hội” hay “phụng sự xã hội” vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta. Nhưng chắc chắn xu hướng đó đang chuyển động dưới tác động của ba chất xúc tác chính.

Thứ nhất, tác động từ bên ngoài sau khi nước ta gia nhập WTO và được hưởng quan hệ kinh tế bình thường với Hoa Kỳ, gọi là quy chế PNTR, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ một số quy tắc kinh doanh có trách nhiệm với xã hội, như các doanh nghiệp quy mô trên thế giới.

Thứ hai, quá trình chuyển đổi thành phần của nền kinh tế quốc dân xác định một nền tảng cấu trúc kinh tế mới. Sự đa dạng và cụ thể hóa về trách nhiệm khiến cho các nhà quản lý không thể làm ngơ trước những đòi hỏi từ xã hội. Trách nhiệm của ban giám đốc trước Hội đồng quản trị phải được cụ thể hóa bằng trách nhiệm của công ty với người tiêu dùng, thể hiện qua chất lượng sản phẩm. Đó là con đường duy nhất để các nhà quản lý trụ lại trước sự sàng lọc gắt gao trước hết của các cổ đông, sau đó là của thị trường.

Thứ ba, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, tầm quan trọng “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” chỉ được nhấn mạnh và trở nên cấp thiết khi xây dựng được một cơ chế giám sát đồng bộ kết hợp giữa chính quyền và các lực lượng dân sự trong xã hội, đặc biệt là các hội đoàn thiện nguyện, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông.

Không phải tự nhiên mà trong thời gian gần đây các vần đề như “vụ nước tương đen”, “làng ung thư”, “các dòng sông chết”... lại được dư luận khắp nơi đánh động một cách đồng bộ và rộng khắp đến như thế. Kết luận ở đây là, khi các doanh nghiệp vẫn còn chưa ngộ ra rằng phát triển bền vững là phương thức tối đa hóa lợi nhuận một cách hiệu quả nhất, thì việc xây dựng một cơ chế khuyến khích dư luận đứng ra tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình và những biện pháp chế tài hợp lý sẽ là những điều tối cần thiết để hình thành ý thức “trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp” ở nước ta.

   Theo LƯƠNG PHAN- NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên