08/07/2017 09:40 GMT+7

Dự án thua lỗ ngành dầu khí: Khó xử lý do vướng cơ chế?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nếu cứ nghĩ đây là tiền của Nhà nước, việc thất thoát hay thua lỗ là trách nhiệm của ai đó còn ta không có trách nhiệm gì.

Dự án xơ sợi Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đang gặp vướng mắc trong việc khởi động trở lại - Ảnh: TIẾN THẮNG
Dự án xơ sợi Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đang gặp vướng mắc trong việc khởi động trở lại - Ảnh: TIẾN THẮNG

Nếu chọn giải pháp an toàn nhất, còn chuyện dự án đi đến đâu, không quan tâm đến thiệt hại sẽ không có giải pháp đột phá...

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định như vậy tại buổi chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) và các công ty thành viên liên quan đến việc xử lý đối với 5 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành dầu khí.

Không dám quyết vì sợ trách nhiệm!

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc PVN, cho biết ngay sau cuộc họp do Phó thủ tướng chủ trì trước đó, lãnh đạo PVN đã có họp khẩn để kiểm điểm và phân công công việc, trách nhiệm cho từng lãnh đạo trong việc xử lý các dự án.

“Nhận lỗi” về việc các dự án chưa có chuyển biến, nhưng ông Sơn cho rằng vướng mắc nhất hiện nay không chỉ quyết toán với nhà thầu, mà khó khăn về dòng tiền và chi phí khiến việc xử lý các dự án đi vào... bế tắc.

Dẫn chứng dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex), một lãnh đạo PVN, cho biết theo kế hoạch được phê duyệt, nhà máy này sẽ khởi động trở lại, nhưng phải bỏ thêm vốn khoảng 256 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nguyên tắc xử lý các dự án là không được bỏ tiền vốn nhà nước, nên “không thể làm được” do PVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sử dụng vốn của PVN cũng được hiểu là sử dụng vốn nhà nước.

Dù vậy, lãnh đạo PVN cũng thừa nhận việc khởi động lại PVTex rủi ro rất lớn bởi nguy cơ thua lỗ rất cao. Nếu hợp tác với nước ngoài, trong trường hợp có lỗi gia công và vận hành, PVTex cũng phải chịu và phải hạch toán chi phí, có thể dẫn tới lỗ.

Do đó, PVN đề xuất các nhà máy phải có thời gian “lỗ kế hoạch” mà còn được hưởng các cơ chế như giãn khấu hao, bao tiêu sản phẩm, cơ cấu lại vốn, giãn trả nợ gốc...

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, về nguyên tắc Bộ Chính trị yêu cầu Nhà nước không cấp thêm vốn để xử lý các dự án, nhưng không có nghĩa là các cổ đông của các dự án không tham gia.

“Nếu không chi thêm đồng nào, các phương án không triển khai được. Dự án nào cũng cần tiền, nếu hiểu là Nhà nước không cấp thêm vốn thì rõ ràng là... bó tay” - ông Vượng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo PVN cho rằng cách làm này phải được Chính phủ, Bộ Công thương thống nhất và xác nhận bằng văn bản chỉ đạo rõ ràng thì “mới xử lý vấn đề được”.

Muốn xử lý phải có cơ chế hỗ trợ?

Cũng tại cuộc họp, theo lãnh đạo PVN dù đã cố gắng tạo điều kiện cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất chủ động tìm kiếm việc ở bên ngoài nhưng kết quả rất hạn chế do bị vướng cơ chế, bởi không được chỉ định thầu, trong khi doanh nghiệp đang lỗ nên bị loại khi tham gia đấu thầu.

Chưa kể, các hợp đồng trước đây thực hiện không quyết toán và thất lạc hồ sơ rất khó để giải quyết.

“Cần có phương án hỗ trợ với doanh nghiệp, Chính phủ nên áp dụng biện pháp kỹ thuật đảm bảo tối đa việc làm cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia đấu thầu...” - đại diện PVN kiến nghị.

Ông Phan Tử Giang, tổng giám đốc Tổng công ty Đóng tàu Dung Quất (DQS), cho rằng dù thua lỗ nhưng nhà máy vẫn hoạt động. Để giải quyết được khó khăn, cần phải có cơ chế đặc biệt như khi đấu thầu, thực hiện chỉ định thầu, hoặc tạo cơ chế cho DQS tham gia một số dự án trong nước.

Theo ông Giang, phương án dài hạn là tìm đối tác để thoái vốn hoặc bán nhà máy, nhưng do ngành đóng tàu và vận tải đang khó khăn, khó tìm được nhà đầu tư nào mua DQS với khoản nợ lớn như vậy.

Theo PVN, tình trạng của ba dự án nhiên liệu sinh học khả quan hơn nhưng cũng còn không ít khó khăn. Ông Đinh Văn Sơn, thành viên hội đồng thành viên PVN, cho biết dự án nhiên liệu Bình Phước dự kiến sẽ khởi động lại, PVN sẽ làm việc với đối tác nước ngoài để có kế hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, các nhà phân phối xăng dầu trong nước, đặc biệt là Petrolimex, phải cam kết bao tiêu sản phẩm.

Ông Cao Hoài Dương, tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) - cổ đông của các nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dung Quất, cho biết đã lên phương án thoái vốn theo ba bước, gồm đấu thầu công khai, theo lô hoặc thỏa thuận trực tiếp.

Dự kiến sẽ hoàn thành thoái vốn trước thời điểm 31-12-2017, nhưng vấn đề quan trọng nhất là tìm đối tác.

Theo ông Dương, chủ trương thay thế xăng A92 bằng xăng E5 sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư rót vốn vào các dự án. Tuy nhiên, ông Dương kiến nghị các ngân hàng phải khoanh nợ, giãn khấu hao nhà máy.

* Ông Hoàng Quốc Vượng (thứ trưởng Bộ Công thương):

Không chỉ chọn giải pháp an toàn

Các phương án xử lý đưa ra đều khó khăn, có rủi ro nên phải lựa chọn phương án nào... “đỡ xấu nhất”. Do đó, PVN cần đặt mình vào vị trí là chủ đầu tư dự án, đang phải bỏ tiền túi ra để xử lý mới có hiệu quả. Không thể nhìn nhận các dự án thua lỗ như những dự án bình thường, cứ “theo luật mà làm” sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Thay vào đó, nếu thấy có giải pháp tốt nhất cho dự án mà còn vướng các quy định của luật, cần báo cáo lên cấp trên, chẳng hạn với vấn đề tài chính, Nhà nước không bỏ thêm vốn nhưng doanh nghiệp có thể huy động nhiều nguồn khác nhau, có thể trích lập từ quỹ dự phòng để triển khai dự án. Khi có hiệu quả, dự án được bán, chuyển nhượng, có thể thu lại và trả về quỹ.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên