14/04/2017 08:22 GMT+7

Loại bỏ kháng sinh trong thủy sản

K.TÂM - T.TÚ - K.NAM -  T.NHƠN - C.QUỐC
K.TÂM - T.TÚ - K.NAM - T.NHƠN - C.QUỐC

TTO - Nhiều doanh nghiệp và nông dân cho biết đã “nói không” với dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các hàng rào kiểm soát vẫn cần gắt gao hơn.

Nuôi tôm trong nhà kín theo hướng công nghệ cao, không dùng chất kháng sinh là mô hình đang được nhân rộng tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nuôi tôm trong nhà kín theo hướng công nghệ cao, không dùng chất kháng sinh là mô hình đang được nhân rộng tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Các doanh nghiệp (DN) cho rằng cần có giải pháp ngăn chặn từ gốc, cả nguồn nhập khẩu lẫn các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, tránh trường hợp thay tên đổi họ cho kháng sinh hoặc trộn kháng sinh vào các chất khác đánh lừa người nuôi.

Bắt đầu quen không dùng chất kháng sinh

Hơn bốn năm nay, tất cả xã viên HTX nông ngư 14/10 (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đều đạt hiệu quả chăn nuôi rất cao nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm sạch, nói không với kháng sinh và các loại chất cấm khác.

Một trong những “bí quyết” để đảm bảo tôm không bị bệnh dù không sử dụng kháng sinh, theo ông Ngô Công Luận - giám đốc HTX, là thả tôm giống mật độ thưa kết hợp với nuôi cá rô phi. “Nuôi cá rô phi trong ao lắng có tác dụng lọc vi khuẩn, tạo tảo, rất thích hợp cho nuôi tôm” - ông Luận nói.

Thực tế, theo ông Luận, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm là con dao hai lưỡi, chỉ thành công vài vụ nhưng để lại những hậu quả xấu với ao. “Nói không với kháng sinh, nuôi tôm sạch trước tiên để tự bảo vệ mình bởi giảm được chi phí và hiệu quả ổn định” - ông Luận khẳng định.

Thực tế cũng cho thấy với mô hình nuôi này, hiệu quả của HTX ngày càng tăng, đạt lợi nhuận bình quân 2,1-4,4 tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2013-2016, trong khi được nhiều siêu thị, DN đặt hàng bao tiêu.

Ông Dương Văn Kiệt (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết nhiều nông dân trên địa bàn cũng đang nuôi tôm sinh thái, kết hợp trồng lúa hữu cơ với nuôi tôm. Sau khi thu hoạch lúa, gốc rạ được giữ lại rồi cho nước vào ruộng để tạo thành thức ăn cho tôm. “Nếu sử dụng hóa chất, con tôm sẽ không sống nổi” - ông Kiệt nói.

Phải chặn kháng sinh từ gốc

Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang), cho biết phần lớn các DN xuất khẩu thủy sản đã không sử dụng kháng sinh trong vùng nuôi từ nhiều năm nay. Chỉ cần đối tác nhập khẩu phát hiện dư lượng thuốc kháng sinh, coi như DN đó đối mặt mất khách hàng.

Tuy nhiên, một số nhà kinh doanh đã đặt lại tên mới hoặc pha trộn kháng sinh với các sản phẩm khác... để qua mặt ngành chức năng lẫn người dân.

Theo ông Dương Ngọc Minh - chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương, có tới 99,99% cá tra xuất khẩu của VN được quản lý chặt về dư lượng kháng sinh, bởi DN luôn lấy mẫu phân tích trước khi mua.

“Việc kiểm tra kháng sinh cũng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian lại an toàn, nên gần như các DN xuất khẩu lớn đều có phòng kiểm nghiệm, các DN nhỏ chỉ cần lấy mẫu rồi thuê kiểm nghiệm” - ông Minh khẳng định.

Ngoài ra, người nuôi cũng đã ý thức hơn về việc nuôi sạch, nên tỉ lệ cá da trơn nhiễm kháng sinh bị trả về rất thấp, tỉ lệ này có thể 1/2.000.

Trong khi đó, ông Quảng Trọng Thao - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho rằng việc sử dụng kháng sinh cho hoạt động nuôi trồng thủy hải sản những năm gần đây giảm dần do thị trường ngày càng khó tính, người dân ý thức hơn trong khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh... “Việc sử dụng kháng sinh chỉ còn ở các ao nuôi nhỏ lẻ, số lượng không đáng kể” - ông Đạo khẳng định.

Tuy nhiên theo ông Minh, tỉ lệ tôm bị phát hiện nhiễm kháng sinh vẫn còn nhiều do khả năng đề kháng của loại thủy sản này kém, những hộ nuôi cá thể “nhắm mắt” sử dụng kháng sinh vì lợi ích trước mắt.

“Trên thực tế số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nhiều hơn số DN nuôi, nên khi mua chế biến xuất khẩu ít nhiều có lẫn lộn, kiểm soát thú y chưa chặt nên vẫn xảy ra tình trạng phát hiện dư lượng kháng sinh trên con tôm” - ông Minh cho biết.

Do đó, theo ông Minh, việc quản lý gắt gao hơn với hoạt động nhập khẩu kháng sinh sẽ là biện pháp chủ động kiểm soát được dư lượng kháng sinh trong các loại thủy sản nuôi trồng nói chung, trong đó có cá tra và tôm.

Cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản

Theo nghị định quản lý thức ăn chăn nuôi (TACN), thủy sản vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các loại thức ăn thủy sản đều bị cấm sử dụng kháng sinh. Với các loại TACN, chỉ được sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh.

Trong đó, kháng sinh trong TACN nhằm mục đích kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục cho phép; kháng sinh sử dụng trong TACN nhằm mục đích chữa bệnh cho gia súc, gia cầm non phải nằm trong danh mục được phép lưu hành và theo đơn của bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề. TACN có chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.

Đ.KHÔI

Ông Trần Văn Hài (tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Phát Tiến, Đồng Tháp):

Loại bỏ kháng sinh bằng quy trình khép kín

Để đảm bảo ngăn chặn dư lượng kháng sinh trong thủy sản, chúng tôi tổ chức vùng nuôi riêng, được kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu nuôi trồng đến chế biến. Định kỳ công ty đều có lấy mẫu nước, mẫu cá ở vùng nuôi đem đến các đơn vị xét nghiệm để kiểm tra dư lượng kháng sinh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu tự sản xuất cá giống và xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản nhằm khép kín quy trình sản xuất, loại bỏ hoàn toàn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

K.TÂM - T.TÚ - K.NAM - T.NHƠN - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên