Giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng cũng tạo áp lực lớn lên giá điện. Trong ảnh: nhân viên ngành điện ở TP.HCM đi thu tiền điện tháng - Ảnh: Châu Anh |
Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 do Bộ Công thương tổ chức sáng 20-1.
Bán điện lỗ, EVN vẫn báo lãi nghìn tỉ đồng
Báo cáo tại buổi họp, Bộ Công thương cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 hơn 234.736 tỉ đồng, tương ứng với mức giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.633,74 đồng/kWh (số liệu đã được kiểm toán độc lập).
Trong khi đó, doanh thu bán điện năm 2015 lại đạt thấp, với hơn 234.339 tỉ đồng, tương ứng với giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.630,96 đồng/kWh.
Như vậy, riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trong năm 2015 đã lỗ gần 400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, nhờ vào thu nhập từ các hoạt động khác có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện với hơn 2.529 tỉ đồng nên trong năm 2015 EVN đã có lãi hơn 2.132 tỉ đồng.
Các khoản thu như từ hoạt động tài chính và lãi tiền gửi là trên 1.324 tỉ đồng, tiền bán công suất phản kháng 871 tỉ đồng, từ cổ tức và lợi nhuận khoảng 88 tỉ đồng...
Đáng chú ý, Bộ Công thương cho biết giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 được công bố như trên chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá.
Theo đó, tính đến ngày 31-12-2015, khoản chênh lệch tỉ giá là trên 9.806 tỉ đồng, cùng cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM là 580 tỉ đồng.
Theo ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc EVN, trong năm 2015 tập đoàn đã tự xử lý được 3.500 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá.
Dù giá khí và giá dầu giảm đã giúp EVN tiết giảm chi phí khoảng 5.000 tỉ đồng, nhưng số tiền chênh lệch tỉ giá còn lại theo quy định vẫn sẽ được phân bổ vào giá điện trong thời gian tới.
“Chênh lệch tỉ giá do khách quan nên EVN đã báo cáo Bộ Công thương cho phép hạch toán dần trong 5 năm, hoặc đưa vào giá điện, hoặc EVN cố gắng giảm giá thành để giảm sức ép tăng giá” - ông Tri bày tỏ.
Chưa có phương án điều chỉnh giá điện năm 2017
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), qua kết quả kiểm tra giá thành năm 2015 của tổ công tác, tỉ giá VND/USD trung bình là 21.948 đồng, tăng 726 đồng so với năm 2014, tương ứng tăng 3,42%.
Hiện EVN phải trả bằng tiền USD cho các chi phí liên quan đến mua nhiên liệu các nhà máy khí, nhập điện từ Lào, Trung Quốc và trả tiền mua điện từ các nhà máy BOT...
Tuy nhiên, bên cạnh khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại lên tới 10.000 tỉ đồng, theo ông Tuấn, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng cũng tạo áp lực lớn lên giá điện.
Đơn cử như giá than đã bắt đầu tăng từ tháng 12-2016, làm chi phí giá thành tăng thêm 4.600 tỉ đồng, trong khi tỉ trọng nguồn cung điện từ than đang tăng lên.
Ông Đinh Quang Tri cũng cho biết thêm, tỉ lệ chạy than cao đang tạo sức ép rất lớn. Dự tính để phục vụ cho nhu cầu phát điện sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than/năm.
Đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội thông qua việc dừng dự án điện hạt nhân nên sẽ phải tính toán lại tổng sơ đồ điện VII và xem xét lại các nhà máy điện than, điện khí và đẩy mạnh phát triển các nguồn điện tái tạo.
Dù khẳng định có nhiều sức ép lên giá điện nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn “trấn an” rằng đến nay Bộ Công thương vẫn chưa quyết định phương án giá điện.
Theo đó, bộ đang yêu cầu EVN xây dựng giá cơ sở năm 2017, tính toán dựa trên kết quả kiểm tra chi phí giá thành và sản xuất năm 2015, ước thực hiện năm 2016.
“Bộ Công thương sẽ thẩm định giá, nếu có biến động của yếu tố đầu vào mới tiến hành điều chỉnh. Còn tại thời điểm này đang kiểm tra nên chưa có quyết định về điều chỉnh giá điện” - ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, trong trường hợp có biến động của giá cơ sở đầu vào bao gồm giá nhiên liệu, tỉ giá, tỉ lệ nguồn điện, chi phí nguồn điện từ các nhà máy mua điện trên thị trường, chi phí cao hơn thì mới tiến hành điều chỉnh.
Do đó, việc tăng giá than chỉ là một yếu tố, nên nếu các yếu tố đầu vào thuận lợi và tỉ lệ tiết kiệm điện tăng lên thì năm 2017 “chưa chắc đã tăng giá điện”.
Phải giải trình nếu tăng giá điện do tỉ giá Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng tỉ giá chỉ là một phần của khía cạnh kinh doanh. Do đó, ngành điện cần phải có một báo cáo đầy đủ, phân tích từng yếu tố liên quan đến lỗ lãi, tại sao phải tăng giá và phương án tăng giá như thế nào là phù hợp. Bởi nếu lỗ vì tỉ giá mà “dồn” vào tăng giá, ngành điện phải có giải trình rõ về các khoản lỗ lãi. Khi tỉ giá có biến động, tất cả các doanh nghiệp vay ngoại tệ đều phải chịu rủi ro tỉ giá và đó là chuyện bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, mọi doanh nghiệp đều phải có khoản dự phòng rủi ro tỉ giá để đảm bảo việc biến động tỉ giá không gây ảnh hưởng nhiều đến giá thành. Vấn đề là ngành điện đã làm gì để dự phòng rủi ro tỉ giá, hay các phương án được đưa ra đã thật sự hiệu quả hay chưa? |
Khuyến khích lắp đặt thiết bị điện mặt trời Để giảm áp lực tăng giá điện và sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả, tạo thêm nguồn điện khi dừng dự án điện hạt nhân, ông Đinh Quang Tri cho biết việc tăng cường điện tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời là xu hướng tất yếu. Hiện nay gánh nặng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế đang nằm trên vai EVN, nên với mức giá thành điện tái tạo đang ngày càng giảm, cùng với xu thế sử dụng công nghệ sạch thì chương trình tiết kiệm điện có ý nghĩa nhất là khai thác tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà của các hộ gia đình. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sẽ xây dựng cơ chế để tạo thuận lợi nhất cho các hộ gia đình lắp đặt và sử dụng điện tại chỗ, trường hợp có dư nguồn điện sẽ được bán lại cho công ty điện lực tại địa phương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận