04/11/2016 09:25 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới chạy theo thành tích, 53/63 tỉnh thành mang nợ

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đến tháng 3-2016, có trên 1.700 xã và 27 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. So với mục tiêu thì vẫn chưa đạt, tuy nhiên vì xây dựng nông thôn mới mà nhiều địa phương phải mang nợ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: ĐỨC BÌNH

 

Hàng trăm ngàn tỉ đồng đổ vào nông thôn mới

Ngày 4-11, Quốc hội dành nguyên ngày để thảo luận tại hội trường về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mở đầu phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chương trình này.

Theo báo cáo, đến hết tháng 12-2015 cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1%) đạt chuẩn nông thôn mới (tính đến tháng 3-2016 có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 19,7%).

Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết trong 5 năm qua, cả nước đã huy động hơn 851.000 tỉ đồng đầu tư cho chương trình này. Trong đó ngân sách nhà nước gần 267.000 tỉ đồng, vốn tín dụng gần 435.000 tỉ đồng, huy động từ doanh nghiệp trên 42.000 tỉ đồng, người dân và cộng đồng đóng góp là gần 110.000 tỉ đồng.

Về kết quả cho vay tín dụng, giai đoạn 2010-2015 dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 569.080 tỉ đồng, bằng 2,56 lần so với dư nợ cuối năm 2010 (222.443 tỉ đồng) và tăng 12,63% so với cuối năm 2014. Doanh số cho vay trong giai đoạn 2011-2015 đạt 2.382.559 tỉ đồng. Vốn vay tín dụng chủ yếu tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, an sinh xã hội...

Nợ hơn 15.200 tỉ đồng 

Theo ông Vũ Hồng Thanh, kết quả xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2015 đạt 17,1%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (20% xã nông thôn mới). Kết quả cũng không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt số xã đạt nông thôn mới ở Đông Nam bộ là 46,4%, đồng bằng sông Hồng 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên 13,2%, ĐBSCL 16,7%.

Nói về hạn chế, ông Vũ Hồng Thanh cho biết một số nơi triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Một số xã dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình, nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Một số địa phương chỉ tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình, trụ sở, nhà văn hóa, trường học... chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền hơn 15.200 tỉ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt.

Theo ông Thanh, tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã). Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước.

Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, với số nợ đọng chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước.

Có chợ mở ra nhưng bỏ phí

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, chưa tính đến yếu tố vùng miền nên kết quả chưa cao. Đặc biệt, một số tiêu chí như chợ, bưu điện rất bất hợp lý, khiến “có chợ mở ra nhưng bỏ phí”.

Theo vị đại biểu này, xây dựng nông thôn mới nhưng nhiều xã chạy theo thành tích, quá sức dân, khiến 53/63 tỉnh, thành nợ vì xây nông thôn mới. Ông Phương cho rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền, cần hỗ trợ các tỉnh đặc biệt khó khăn. Phải đầu tư nông thôn để giữ dân, để thu hút thành phố về nông thôn. Cần tăng vốn cho ngân hàng chính sách.

Còn theo đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn bị tắc ở ba vấn đề: tiêu thụ sản phẩm; thiếu công nghệ cao; sản xuất manh mún, thả nổi. “Có xã không có lấy một doanh nghiệp nên thiếu về cây, con giống chất lượng cao” - đại biểu Cự nêu.

Ông Võ Kim Cự đề nghị cần quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu, có đầu tư công nghệ cao vào các mặt hàng chủ lực, để tăng xuất khẩu, tạo việc làm. Cần bổ sung chính sách hỗ trợ, kêu gọi xã hội hóa, đầu tư nguồn lực đúng tầm. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên