01/07/2016 10:02 GMT+7

Vụ “8B Lê Trực” sao cứ để trơ trơ?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Liên quan đến vụ nhà 8B Lê Trực, Thủ tướng đặt câu hỏi: Các đồng chí có xử lý nghiêm không, sai phạm như vậy Hà Nội có “đập” chỗ này được không, hay cứ để trơ trơ như thế?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội phải xử lý nghiêm vụ tòa nhà 8B Lê Trực để lập lại kỷ cương trong xây dựng đô thị - Ảnh: NG.KHÁNH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội phải xử lý nghiêm vụ tòa nhà 8B Lê Trực để lập lại kỷ cương trong xây dựng đô thị - Ảnh: NG.KHÁNH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại cuộc họp trực tuyến chiều 30-6, về vấn đề chấn chỉnh kỷ cương, trật tự xây dựng đô thị. Ông cũng bày tỏ bức xúc khi đề cập đến việc xử lý sai phạm công trình 8B Lê Trực (Hà Nội).

Sau khi đề cập đến nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành 49/50 nghị định hướng dẫn thi hành các luật Đầu tư, Doanh nghiệp... theo tinh thần đổi mới, giải phóng sức sản xuất, kinh doanh, kích thích đầu tư, Thủ tướng đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho những người dự họp. GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là do những nguyên nhân nào?

Có phải do nông nghiệp bị hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL, Nam Trung bộ làm mất đi 1,3 triệu tấn lúa? Các giải pháp đưa ra vừa qua để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã đi vào cuộc sống chưa? Các nghị quyết của Chính phủ đã được các cấp chính quyền nhận thức và triển khai như thế nào? Chúng ta tự hỏi bộ máy của chúng ta đã chuyển biến theo tinh thần phục vụ người dân chưa, Chính phủ đã thật sự là Chính phủ kiến tạo chưa?

Liên quan đến vụ nhà 8B Lê Trực, Thủ tướng đặt câu hỏi: Các đồng chí có xử lý nghiêm không, sai phạm như vậy Hà Nội có “đập” chỗ này được không, hay cứ để trơ trơ như thế? “Những vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải xử lý nghiêm để làm gương.

Thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội, nhưng trước hết phải là cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính. Nếu cán bộ, công chức mà thiếu kỷ cương, lộn xộn thì không thể chấp nhận được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Là địa phương được mời phát biểu trước, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết đến nay TP đã chỉ đạo phá dỡ 238m2 sàn ở tầng 19 nhà 8B Lê Trực, nhưng chủ đầu tư chậm trễ trong tháo dỡ. “TP rất quyết liệt, kiên quyết tháo dỡ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Sửu nói. Ông Sửu vừa dứt lời, Thủ tướng lên tiếng ngay: “Kiên trì, kiên quyết là nói về Biển Đông chứ không nói về 8B Lê Trực.

Vi phạm đã kéo dài quá lâu rồi, tôi đã nghe đồng chí chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo là chủ công trình này đã mấy chục lần vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa xử lý hình sự. Vi phạm như vậy tồn tại trước mắt nhân dân thủ đô và cả nước.

Tôi đề nghị các đồng chí có khẳng định cụ thể, lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh kỷ cương, trật tự xây dựng đô thị, xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, lịch sự. Không thể để công trình này vi phạm kéo dài như vậy được”.

Đề cập vấn đề đóng cửa rừng Tây nguyên, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây nguyên phải thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ. “Tây nguyên là mái nhà của Đông Dương, mất rừng Tây nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ với Tây nguyên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh Nam Trung bộ” - Thủ tướng lưu ý.

Cuộc họp trực tuyến sẽ tiếp tục cả ngày hôm nay (1-7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các bí thư tỉnh ủy, thành ủy cùng tham dự đầy đủ với lãnh đạo UBND các tỉnh thành và đề nghị cùng trao đổi thẳng thắn để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Nông nghiệp tăng trưởng âm: hậu quả sẽ nặng nề

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, như kinh tế phục hồi chậm, tốc độ GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm và để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau.

Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm do giá dầu giảm xuống ở mức thấp. Lạm phát được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.

Tình hình xả thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt xảy ra phổ biến trong thời gian dài, chậm được khắc phục.

Tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng lại tăng cao cả về số người bị thương và người chết. Thiệt hại về rừng do cháy và chặt phá vẫn còn cao. Đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Nhận định về sự sụt giảm đáng lo ở lĩnh vực nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói: “Ngành nông nghiệp ngày càng khó khăn và suy giảm do liên tiếp bị chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết... là điều thấy rõ trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo tính toán của tôi, nếu giá trị sản xuất của khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ giảm 10% thì GDP cả năm của VN giảm khoảng 1,8%. Có điều tôi hơi băn khoăn trong thống kê lần này là giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 0,18% thì mức giảm của giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp đáng ra phải sâu hơn, nhưng trong thống kê lần này hai con số này lại xấp xỉ nhau.

Việc ngành nông nghiệp tăng trưởng âm đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng cuộc sống của người làm nông cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế. Nông nghiệp là đầu vào của ngành công nghiệp chế biến, sản lượng nông nghiệp giảm chắc chắn kéo theo khó khăn về nguyên liệu cho các ngành chế biến khác.

Một cách sâu xa, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu gia tăng để bù đắp khoảng thiếu hụt nguyên liệu tại chỗ.

Nông nghiệp khó khăn sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay căng thẳng hơn, nhưng theo tôi, đã đến lúc chúng ta không nên tập trung quá vào GDP, chỉ xem nó như là chỉ tiêu sơ khởi, cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng.

Để cải thiện tình hình từ đây đến cuối năm không phải là câu chuyện dễ dàng vì còn gắn với việc khôi phục sau thiên tai cũng như khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, câu chuyện phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên phải được đặt ra một cách nghiêm túc.

Điều đáng mừng là gần đây Chính phủ VN đã đưa ra những thông điệp cụ thể như đóng cửa rừng tự nhiên, không phát triển thủy điện, hay chuyện nhà máy giấy ở sông Hậu gần đây... Nếu không nhìn nó là vấn đề cấp bách thì thành tựu phát triển mà VN đạt được sẽ không thực chất”.

L.KIÊN - N.BÌNH

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên