Các chuyên viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York căng thẳng vì giá cổ phiếu giảm - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 giảm 1% bất chấp việc chính phủ Mỹ thông báo việc nền kinh tế Mỹ tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn hẳn dự báo trong tháng 12-2015.
Như vậy, trong suốt cả tuần qua chỉ số S&P 500 đã giảm tới 6%. Đây là tuần lễ tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ sau bốn năm.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst 300 cũng sụt 1,5% trong phiên giao dịch 8-1. Tính cả tuần chỉ số này cũng hạ tới 6,7%.
Tương tự, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,8% phiên giao dịch hôm qua và hơn 6% trong cả tuần.
Vẫn lo về Trung Quốc
Sau các biến động dữ dội trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, Các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm hơn nhiều so với những con số thống kê.
“Những gì xuất phát từ Trung Quốc là mối lo ngại lớn đối với thị trường, do đó sự sụt giảm sẽ còn tiếp tục” - nhà phân tích Andrew Slimmon của hãng Morgan Stanley Investment Management nhận định.
Các chuyên gia khẳng định việc chính phủ Trung Quốc can thiệp vào thị trường một cách thô bạo đã phản tác dụng, càng gây thêm sự hỗn loạn.
Theo báo Wall Street Journal, mới đây “kiến trúc sư” xây dựng cơ chế “cúp cầu dao” chứng khoán Xiao Gang đã bị các thành viên Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ trích tơi bời.
Ông Xiao Giang là chủ tịch Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC). “Xiao đang chịu sức ép cực lớn. Sự sụt giảm của thị trường mới đây là hậu quả trực tiếp của hệ thống cúp cầu dao mà ông ta lập ra” - một quan chức CSRC tiết lộ.
Hôm qua, giá cổ phiếu ở Trung Quốc tăng 2% sau khi CSRC bỏ áp dụng cơ chế “cúp cầu dao”. Tuy nhiên AFP dẫn lời nhà phân tích Matthew Sherwood của hãng Perpetual nhận định giới đầu tư rất lo lắng với cách quản lý và can thiệp thị trường quá sâu của chính phủ Trung Quốc.
“Không có sự ổn định trong quản lý chính sách ở Trung Quốc. Chính quyền tùy cơ ứng biến, khiến thị trường bất ổn. Bởi các nhà đầu tư rất ghét sự bất ổn và không rõ ràng” - ông Sherwood nhấn mạnh.
Các nước xuất khẩu dầu vẫn không tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ cắt giảm sản lượng - Ảnh: TASS |
Giá dầu có thể xuống 20 USD
Trong khi thị trường chứng khoán quốc tế đảo lộn, giá dầu vẫn tiếp tục đà suy giảm nghiêm trọng.
Theo Reuters, trong phiên giao dịch hôm qua giá dầu Mỹ hạ xuống còn 33,16 USD/thùng, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 12-2003. Giá dầu Brent ở Anh cũng hạ xuống còn 33,55 USD/thùng.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do nguồn cung toàn cầu quá thừa mứa. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính trong năm 2015, thế giới sản xuất nhiều hơn tới 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày so với mức tiêu thụ.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn, cũng không kích thích được thị trường dầu.
Các nước xuất khẩu dầu vẫn không tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ cắt giảm sản lượng. Nhiều nhà đầu tư dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm xuống tới mức 25 USD/thùng.
Tuy nhiên các chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs cho rằng giá dầu thậm chí có thể tụt xuống tới mức 20 USD/thùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận