06/01/2016 08:30 GMT+7

Bộ trưởng Thăng nói giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ!

LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)
LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói Vietnam Airlines lợi nhuận cao như thế thì giảm giá vé máy bay cho bà con nhờ!

 

Hành khách đi máy bay VNA. Dù giá xăng giảm mạnh nhưng giá vé máy bay vẫn không chịu giảm - Ảnh: T.T.D.
Hành khách đi máy bay VNA. Dù giá xăng giảm mạnh nhưng giá vé máy bay vẫn không chịu giảm - Ảnh: T.T.D.

Trong khi giá nhiên liệu máy bay (Jet A1) vào những tháng cuối năm 2015 đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hãng hàng không vẫn trì hoãn việc giảm giá vé máy bay với lý do giá vé đã thấp, rồi biến động tỉ giá, các chi phí khác tăng…

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai công tác năm 2016 của Bộ GTVT ngày 4-1, ông Phạm Viết Thanh - chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines - cho biết năm 2015 tổng doanh thu hợp nhất của hãng là 70.000 tỉ đồng, tăng 129% so với kế hoạch.

Lợi nhuận công ty mẹ tăng 44% so với kế hoạch đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.400 tỉ đồng.

Kết thúc phần báo cáo của ông Thanh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra gợi ý: lợi nhuận cao thế thì giảm giá cho bà con nhờ!

Nhiên liệu đã giảm 40%

Giá nhiên liệu Jet A1 đang có xu hướng giảm dần hơn một năm qua. Thống kê giá bán tại khu vực châu Á (giá Platts) cho thấy giá trung bình loại nhiên liệu này trong tháng 11-2015 là 57,457 USD/thùng (chưa kể thuế, phí), giảm hơn 40% so với mức giá cùng thời điểm này năm trước (96,406 USD/thùng).

Đến tháng 12-2015, giá xăng máy bay tiếp tục giảm còn 47,66 USD/thùng, giảm hơn 39% so với mức giá 78,357 USD/thùng cùng kỳ năm 2014.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% chi phí của hãng hàng không, nên khi nhiên liệu giảm đương nhiên chi phí đầu vào của các hãng cũng giảm theo.

Cục từng yêu cầu các hãng giảm giá vé máy bay bằng cách tăng thêm chương trình khuyến mãi, tạo điều kiện cho người dân đi lại bằng hàng không.

Theo ông Thanh, vào tháng 9-2015 cục đã yêu cầu các hãng hàng không giảm giá vé khi giá nhiên liệu Jet A1 khoảng 57 USD/thùng, giảm 27,7 USD/thùng so với cùng kỳ năm 2014. Một lãnh đạo Jetstar Pacific cho biết thời điểm này năm ngoái chi phí nhiên liệu của hãng chiếm 40-43%, nay giảm thêm hơn 10% vì hưởng lợi từ giá nhiên liệu giảm.

Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Minh - tổng giám đốc Vietnam Airlines, với mức giá nhiên liệu như hiện nay, chi phí nhiên liệu sẽ chiếm 26% trong tổng giá vé của hãng.

Tuy nhiên, các hãng cũng cho biết biến động tỉ giá trong năm 2015 (5-6%) đã làm tăng chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không gồm: thuê, mua máy bay, chi phí nhân công người nước ngoài... cộng thêm các chi phí thuế nhập khẩu nhiên liệu tăng 3% và phí môi trường tăng 300% (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) khiến phần lợi nhuận lẽ ra có được từ việc giảm giá nhiên liệu không nhiều.

Hãng nói đã giảm giá vé

Lãnh đạo một hãng hàng không giá rẻ khẳng định giá vé hiện nay đã giảm, thậm chí giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, khiến lượng khách đường bộ đã chuyển sang đi bằng đường hàng không. Ngoài chuyện giá nhiên liệu giảm, thị trường hàng không nội địa cũng có thêm nhiều máy bay được đưa vào khai thác, buộc các hãng phải giảm giá vé để cạnh tranh.

Cũng theo các hãng hàng không, khách đi lại bằng đường hàng không thuần túy không phát triển thêm bao nhiêu nên các hãng phải đưa thêm nhiều vé giá thấp để cạnh tranh trực tiếp, thu hút khách đường bộ.

Ông Lại Xuân Thanh kể khi mở đường bay TP.HCM lên khu vực Tây Nguyên, một hãng hàng không giá rẻ đã lấy mức giá của xe giường nằm chạy chặng này làm mức giá thấp nhất bán ra trên thị trường, khiến cả hãng vận chuyển đường bộ và các hãng hàng không khác phải tiếp tục hạ giá theo để cạnh tranh.

Cũng theo ông Thanh, trong tổng số 40,1 triệu khách đi lại bằng đường hàng không nội địa năm 2015, tăng 21,2% so với năm 2014, có rất đông hành khách chuyển từ vận tải đường bộ sang do giá vé máy bay đã bằng giá vé vận tải đường bộ.

Thống kê từ phòng vận tải hàng không Cục Hàng không cho thấy tăng trưởng hơn 3 triệu hành khách trong năm 2015 so với năm 2014 của Vietjet Air thể hiện rõ xu hướng dịch chuyển này.

Ông Phạm Ngọc Minh khẳng định không thể có tăng trưởng trên 20% ở thị trường hàng không trong nước bằng hành khách đi lại thường xuyên bằng đường hàng không, mà chủ yếu khách từ vận tải đường bộ chuyển sang.

Ngoài ra, theo các hãng hàng không, nhiều chương trình khuyến mãi đã được áp dụng cũng là cách để giảm giá vé. Đại diện Jetstar Pacific cho biết trước đây doanh nghiệp này chỉ có chương trình cố định bán vào chiều thứ sáu hằng tuần, nhưng nay đã có thêm chương trình từ cuối giờ sáng mỗi ngày.

Vietjet Air cũng cho biết thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, trong khi Vietnam Airlines cho hay hãng vẫn thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi, khoảnh khắc vàng với các mức giá khá ưu đãi.

* Ông Lại Xuân Thanh (cục trưởng Cục Hàng không):

Yêu cầu các hãng tính toán lại giá vé

Giá vé hàng không có rất nhiều loại giá (trung bình 12-15 loại vé) nên các hãng sẽ chủ động tính toán những phương án kinh doanh, nếu có giảm có thể giảm bằng các hình thức: tăng thêm lượng vé cho các dãy giá vé rẻ.

Hãng phải đăng ký các mức giá và Cục Hàng không chỉ kiểm soát giá trần. Với tình hình giá nhiên liệu giảm như hiện nay, cục sẽ yêu cầu các hãng hàng không tính toán để đăng ký lại giá mới cho hợp lý.

* Ông Phạm Ngọc Minh (tổng giám đốc Vietnam Airlines):

Tăng tỉ lệ vé giá rẻ là giảm giá

Vietnam Airlines có 10-15 mức giá từ cao đến thấp và được tính toán cân đối bằng hệ thống máy tính. Khi thị trường có nhu cầu thấp, dãy vé giá rẻ sẽ được ưu tiên mở ra bán trước.

Khi thị trường tốt lên, dãy vé giá thấp sẽ đóng bớt lại để các mức giá hạng cao được đưa ra bán. Chỉ cần thay đổi tỉ lệ hạng bán trong dãy giá thấp cũng là hình thức giảm giá vé mà không cần công bố chương trình giảm giá nào.

Cục Hàng không nói tùy các hãng

Theo ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không, ý của Bộ trưởng Đinh La Thăng là khuyến khích các hãng hàng không giảm giá. Cục Hàng không cũng đang khuyến khích các hãng tiếp tục có phương án giảm giá theo cách kinh doanh của hàng không.

Theo ông Thanh, hàng không có đặc thù là không phải chỉ có một mức giá cố định rồi giảm mức giá đó xuống, mà các hãng có nhiều dãy giá khác nhau để hành khách lựa chọn. Chính do có dãy giá khác nhau nên cũng chỉ khuyến khích các hãng giảm giá tùy theo phương án kinh doanh của từng hãng. Yếu tố quan trọng nhất là tạo cạnh tranh giữa các hãng để giảm giá.

“Đó là cái gốc của kinh tế thị trường. Hàng không có giá trần để xây dựng mức giá đảm bảo mức giá vé cộng với các khoản phụ thu bán vé không được vượt mức giá tối đa. Nhưng hiện nay không có hãng nào có giá vé kịch giá trần, đến nay các hãng đang có giá vé tối đa cũng chỉ 80% giá trần mà Cục Hàng không quy định, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2015” - ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cho rằng khuyến khích hàng không giảm giá nhưng hàng không có đặc thù trong kinh doanh, nên việc giảm giá thế nào phải tùy theo đặc thù của các hãng hàng không.

TUẤN PHÙNG

LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên