16/11/2015 08:05 GMT+7

Thủ tục rườm rà là cơ hội vòi vĩnh

LÊ THANH (lethanh@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH (lethanh@tuoitre.com.vn)

TT - DN đều đánh giá ghi nhận nỗ lực, chuyển biến của ngành hải quan. Tuy nhiên nhóm mà doanh DN góp ý nhiều nhất là thủ tục hải quan với 42% tổng số ý kiến...

Ông Phạm Thanh Bình - Ảnh: Lê Thanh

Ông Phạm Thanh Bình - Ảnh: Lê Thanh

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, VCCI công bố báo cáo khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) về thủ tục hải quan, dù có tới 94% DN đánh giá pháp luật hải quan đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn gây rất nhiều phiền hà cho DN. Làm thế nào để giảm bớt tình trạng này?

“Con người vẫn là điều quan trọng nhất. Trước hết cán bộ phải có cái tâm, có tinh thần hợp tác, phục vụ DN rồi mới đến chuyên môn nghiệp vụ. DN rất tinh, họ nhận ngay ra cán bộ nào có tâm hay không

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia hải quan, người tổng hợp ý kiến DN trong khảo sát - phân tích:

- Rất nhiều hội nghị gần đây, trước khi nói lên những bức xúc của mình, DN đều đánh giá ghi nhận nỗ lực, chuyển biến của ngành hải quan. Tuy nhiên, thực tế còn 6% DN đánh giá cải cách pháp luật của ngành hải quan chưa tốt, trong đó là những bức xúc của DN. Do vậy, có 945 ý kiến mà báo cáo đã phân thành 4 nhóm với 18 loại vấn đề.

Nhóm mà DN góp ý nhiều nhất là thủ tục hải quan với 42% tổng số ý kiến. Song nhóm vướng mắc về chính sách không có nhiều ý kiến của DN phản ảnh nhưng lại khiến DN bức xúc nhất như thủ tục hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra chuyên ngành.

* Là người nhiều năm từng làm cán bộ của ngành hải quan, ông đánh giá thủ tục hoàn thuế hiện nay như thế nào?

- Đúng là thủ tục hoàn thuế rất phiền phức, nặng nề. Trong thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính có hơn 200 trang, nhưng khoảng 50 trang chỉ nói về thủ tục hoàn thuế. Điều này nói lên rằng đó là những thủ tục rất rườm rà, là cơ hội cho sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Những người lãnh đạo thì lo phải hoàn cẩn thận, không ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu, còn đối với công chức thì có một số người lại cho rằng ban ơn cho DN dù đây là tiền của DN. Nên việc DN đi hoàn thuế đang được nhiều cán bộ công chức hiểu ở đây là DN đi xin hoàn thuế, mà đã là quan hệ xin - cho thì rất dễ gây tiêu cực, phiền nhiễu.

* Loại thủ tục nào hiện nay DN hay than phiền nhất, thưa ông?

- Không chỉ thủ tục hoàn thuế, mà là cả thủ tục không thu thuế, xét miễn thuế. Đây là câu chuyện đã kéo dài nhiều năm mà tới nay vẫn còn.

Nhưng điển hình là việc áp mã cũng được DN kêu rất nhiều. Nói là mã số nhưng đó là cái hiện lên bề nổi, còn bản chất sâu xa ở đằng sau là mức thuế. Nói nôm na là chỉ cần chuyển sang một mã khác tức thì mức thuế khác rồi, có thể là một trời một vực.

Một câu chuyện thực tế mà một DN phản ảnh rằng không biết làm thế nào cả vì một mặt hàng khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan áp mã với mức thuế tương ứng 5%.

Tuy nhiên khi DN xin đi giám định thì Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan chứ không ai khác lại đưa ra các chỉ số đánh giá mặt hàng này có mã số với mức thuế 0%. Cũng vẫn chưa xong, kiểm tra sau thông quan lại áp mã có thuế 9%. Như vậy cùng một mặt hàng mà chính cơ quan hải quan lại áp ba mã tương ứng với ba mức thuế khác nhau.

Trong tổng hợp các ý kiến về đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, DN cũng nói thẳng hải quan làm sao am hiểu sản phẩm bằng DN. Chúng tôi là kỹ sư, tiến sĩ, những chuyên gia về sản phẩm nên quá biết mặt hàng đó, còn cán bộ hải quan không hiểu nhiều mặt hàng mà chỉ có kỹ thuật áp mã. Thế nhưng DN cũng phải chịu, đành phải thua cán bộ hải quan.

Trong những bức xúc của DN thì áp mã khiến DN có nhiều ấm ức, bực bội nhất. Thực tế hàng trăm ngàn mặt hàng, cán bộ hải quan làm sao biết được hết. Thực tế có nhiều anh cán bộ cứ như là biết hết, rồi chỉ bám vào nguyên tắc áp mã để làm.

* Phải chăng chính sách trong lĩnh vực hải quan chưa thật sự minh bạch, rõ ràng là nguyên nhân khiến tình trạng DN bị một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, làm khó?

- Đây là một nguyên nhân chính. Thực tế, một số chính sách của ta chưa minh bạch, rõ ràng, khó thực hiện, không phải là một nghĩa dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng, giải thích, khiến một văn bản mà có nhiều giải thích khác nhau.

Thực tế DN có thể nói thế này nhưng cơ quan hải quan A nói một cách khác, thậm chí hải quan B nói không giống như hải quan A. Chính vì thế sự không rõ ràng của chính sách khiến cán bộ hải quan nào đó có ý gây khó, gây nhũng nhiễu cho DN cũng dễ thực hiện.

Hay quy định trong các văn bản không có sự thống nhất với nhau. Đơn cử như văn bản này thì nói hàng hóa nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kết quả kiểm tra chất lượng mới được thông quan, nhưng có văn bản khác nói hàng hóa nếu đủ điều kiện thì được đưa về bảo quản.

Nếu công chức nào thông cảm cho DN, xét thấy hàng hóa không có nguy cơ gây rủi ro mà tạo thuận lợi cho DN thì cho hàng về. Nhưng cũng nhiều người khác không cho DN được mang hàng về khi lấy văn bản yêu cầu chặt chẽ hơn để buộc DN phải thực hiện.

LÊ THANH (lethanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên