09/10/2015 14:29 GMT+7

TPP sẽ gõ cửa từng nhà

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - TPP gõ cửa từng nhà khi chúng ta phải tuân thủ luật chơi ngặt nghèo hơn, nhiều thứ, nhất là luật pháp, thói quen kinh doanh phải thay đổi.

Khách hàng chọn mua quần áo của các thương hiệu nước ngoài -  Ảnh: Thuận Thắng

Gần chục năm trước, tháng 11-2006 tại phiên họp đặc biệt, ông Pascal Lamy - tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - thực hiện nghi thức gõ búa kết nạp Việt Nam vào tổ chức này, mở ra sân chơi hội nhập, thì nay với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đất nước lại đứng trước cơ hội hội nhập mới cao hơn, sâu hơn, đẳng cấp hơn.

Cũng là hội nhập, nhưng ý nghĩa của hai thời điểm lại khác nhau. Với WTO, chúng ta là người đến sau, là thành viên thứ 150, cũng là lúc nhiều nước đã tìm kiếm những cơ hội giao thương khác hiện đại hơn, phù hợp với hoàn cảnh mới như các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ngược lại với TPP, chúng ta gần như tham gia từ đầu để hình thành sân chơi mà như đại diện thương mại Mỹ Micheal Froman nói khi công bố kết thúc đàm phán TPP là “xây dựng các quy tắc thương mại trong nhiều thập kỷ tới”. Là nước đi trước, sau này khi TPP được mở rộng cho nhiều nước tham gia, lúc đó chúng ta đã là thành viên thuần thạo TPP.

Rồi đây TPP sẽ gõ cửa từng nhà, từng doanh nghiệp. Nói thế bởi TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội bước ngoặt.

Ví dụ như theo nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” - hiểu đơn giản là mọi thứ để làm ra áo quần xuất khẩu phải do các nước thành viên TPP sản xuất mới được ưu đãi thuế, chúng ta có cơ hội giảm được nhập siêu khổng lồ từ Trung Quốc, giúp bảo toàn, thậm chí phát triển được những khoản xuất siêu sang nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Giảm nhập siêu, tăng xuất siêu, chúng ta mới có của ăn của để, đất nước và đời sống người dân mới khấm khá. Sẽ bớt đi tình trạng đổ xô qua nước bạn mua nguyên liệu, từ cây kim, sợi chỉ để gia công - công đoạn ít có ăn nhất trong quy trình sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu.

Chúng ta sẽ xây thêm nhà máy, mời gọi nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam để sản xuất từ A đến Z các sản phẩm ngay trên đất nước mình, hoặc tham gia chuỗi sản xuất trong thành viên TPP, qua đó tạo việc làm cho người lao động, thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Cơ cấu lại nền kinh tế là từ đấy. Rồi đây, kinh tế Việt Nam sẽ chuyển hướng qua sản xuất, một bộ phận người dân chưa có việc làm hay buôn bán đắp đổi qua ngày sẽ chuyển sang làm ở hãng xưởng, có thu nhập ổn định hơn. Rồi hàng hóa sẽ rẻ hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, phải kiểm soát môi trường tốt hơn...

TPP gõ cửa từng nhà khi chúng ta phải tuân thủ luật chơi ngặt nghèo hơn, nhiều thứ, nhất là luật pháp, thói quen kinh doanh phải thay đổi. Không thể làm ăn đơn lẻ, chụp giật mà là theo chuỗi, phải tôn trọng bản quyền; thói quen lấy cắp ý tưởng, làm hàng nhái, hàng giả không có đất sống.

Cơ hội không chỉ dành cho chúng ta mà là cho các thành viên TPP. Thách thức là rất nhiều, thậm chí gay gắt khi TPP đi vào cuộc sống. Không thể ngồi chờ ai giúp mình hội nhập, giúp mình khai thác cơ hội, tất cả đều phải chuyển động. Nếu không, cá nhân sẽ bị bỏ rơi, doanh nghiệp đóng cửa, đất nước bị tụt hậu.

Ngay lúc này, không ít doanh nghiệp, cá nhân với kinh nghiệm có từ hàng chục năm gia nhập WTO đã có suy nghĩ phải sớm tiếp cận và tạo cho mình “cẩm nang hội nhập TPP” để tận dụng cơ hội mới. Chỉ có chuẩn bị tốt, lao vào cuộc thì cơ hội mới mở ra để mọi người cùng lên tàu hướng về phía trước.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên