Ông Vũ Văn Chung - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trao đổi về các thông tin quảng cáo rằng chỉ cần đầu tư 500.000 - 1 triệu USD là có thể nhận “thẻ xanh” định cư tại Mỹ cũng như Canada, Úc… ông Vũ Văn Chung - cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư - khẳng định không cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để nhận “thẻ xanh”.
Ông Chung cho biết:
- Nhà nước chỉ khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tổ chức, cá nhân phải đăng ký đầu tư ra nước ngoài với Bộ Kế hoạch và đầu tư để được xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) ra nước ngoài. Sau khi có giấy CNĐKĐT và được Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển tiền qua một tài khoản duy nhất, nhà đầu tư mới có thể tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.
“Các tổ chức, cá nhân phải có hồ sơ hợp lệ, có mục tiêu đầu tư, kinh doanh rõ ràng và phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ căn cứ vào tính hợp lệ và các điều kiện theo quy định, nếu đáp ứng mới cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. |
Ông Vũ Văn Chung (cục phó Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và đầu tư) |
* VN đã cấp phép cho trường hợp nào đầu tư ra nước ngoài để nhận “thẻ xanh” chưa, thưa ông?
- Chúng tôi không tiếp nhận hồ sơ và không cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài cho mục tiêu đầu tư mua nhà để nhận “thẻ xanh”. Theo quy định, việc cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài là để thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân phải có hồ sơ hợp lệ, có mục tiêu đầu tư, kinh doanh rõ ràng và phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp giấy CNĐKĐT sẽ căn cứ vào tính hợp lệ và các điều kiện theo quy định, nếu đáp ứng mới cấp.
* Nhiều doanh nghiệp quảng cáo rằng chỉ cần đầu tư vào Mỹ 500.000 - 1 triệu USD là có thể xin thẻ xanh để định cư. Việc chuyển tiền là bất hợp pháp?
- Hoạt động “đầu tư” hay chính xác là mua nhà tại nước ngoài để nhận “thẻ xanh” là giao dịch thương mại, dân sự quốc tế thông thường, không được coi là hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định về đầu tư ra nước ngoài của VN. Do vậy, không thuộc phạm vi xem xét của cơ quan cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp tổ chức, công dân, cá nhân VN đã có nhà và nhận “thẻ xanh” tại nước ngoài. Việc thanh toán cho các giao dịch thương mại, dân sự quốc tế diễn ra ngày càng nhiều và phổ biến, bằng nhiều phương thức khác nhau nên rất có thể một số giao dịch mua nhà tại nước ngoài được thực hiện dựa trên một phần của các giao dịch thanh toán quốc tế.
* Nhiều người đăng ký đầu tư ra nước ngoài với mục đích nhận “thẻ xanh” nhưng đăng ký như một dự án bình thường, liệu có hợp pháp?
- Chính sách cho mua nhà hay đầu tư ở mức độ nào đó sẽ được nhận “thẻ xanh” là quy định nhằm thu hút đầu tư, khơi thông thị trường bất động sản, giải quyết công ăn việc làm của một số nước. Các quy định trên của nước tiếp nhận đầu tư không liên quan đến chính sách đầu tư ra nước ngoài của VN.
Cá nhân, tổ chức ở VN đầu tư ra nước ngoài, nếu theo đúng quy định của pháp luật, tức có dự án đầu tư, có mục đích đầu tư kinh doanh rõ ràng, có hồ sơ hợp lệ, đáp ứng điều kiện theo quy định thì sẽ được xem xét cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài.
Còn với việc đầu tư đó, họ nhận được những ưu đãi gì từ nước sở tại, việc tiếp nhận là quyền của nhà đầu tư, trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật VN, pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và các hiệp định song phương, điều ước quốc tế mà VN đã ký kết hoặc tham gia.
* VN sẽ có biện pháp quản lý như thế nào với dòng vốn chảy ra nước ngoài không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh, mà chỉ nhằm lấy “thẻ xanh”?
- Như đã đề cập ở trên, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài khi nhà đầu tư có dự án cụ thể, mục tiêu đầu tư kinh doanh rõ ràng, có hồ sơ hợp lệ và đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển tiền ra nước ngoài và kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài không nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh, liên quan đến chính sách quản lý ngoại hối và thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngoại hối và các cơ quan chức năng có liên quan.
Đối với đầu tư ra nước ngoài nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh, Luật đầu tư năm 2014 có một số quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và rút ngắn thời gian xem xét, cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài... tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng có cơ chế quản lý, giám sát chặt nguồn tiền đầu tư ra nước ngoài. Chẳng hạn, các dự án đầu tư dù của Nhà nước hay tư nhân khi mà tiền mặt ngoại tệ chuyển ra nước ngoài từ 20 tỉ đồng (gần 1 triệu USD) thì phải lấy ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước trước khi cấp giấy CNĐKĐT.
Tất cả dự án đầu tư sau khi được cấp giấy CNĐKĐT ra nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý và giám sát chặt chẽ việc chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển tiền về VN của nhà đầu tư thông qua một tài khoản duy nhất mở tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại VN.
71 dự án đầu tư ra nước ngoài Trong sáu tháng đầu năm 2015, VN có 71 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 279 triệu USD, đầu tư tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường như Campuchia, Lào, Myanmar, Nga, Hoa Kỳ, Đức, Úc, Singapore… Riêng Hoa Kỳ có 9 dự án, với tổng vốn đầu tư 51 triệu USD. Các dự án đăng ký đầu tư đều có mục tiêu kinh doanh rõ ràng và theo quy định, nhà đầu tư phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan chức năng của VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận