Gà được bày bán trên đường Trang Tử, Q.5, TP.HCM chiều 23-6 - Ảnh: Quang Định |
Ngay sau đề nghị này, Bộ Tài Chính đã có văn bản phản hồi với Bộ NN&PTNT cho biết quy định về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y có sự trùng lắp và chồng chéo nên đề xuất bỏ luôn thông tư 04 năm 2012 về thu phí, lệ phí trong công tác thú y.
Nhiều loại phí bất hợp lý sẽ được bỏ
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23 - 6, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết trường hợp Bộ NN&PTNT có chung ý kiến với Bộ Tài chính có nghĩa các khoản lệ phí, phí đối với công tác thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, cấp phép sản xuất kinh doanh thuốc thú y... nêu trong thông tư 04 sẽ không thu nữa. Theo Bộ Tài chính, tổng số thu các khoản phí, lệ phí đối với công tác thú y hằng năm được khoảng 350 tỉ đồng.
Mặc dù kiên quyết đề xuất bãi bỏ 31 khoản phí, lệ phí đang bị kêu, nhưng Bộ NN&PTNT không phải là không có những băn khoăn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ngành thú y cho hay bãi bỏ 31 khoản phí, lệ phí này sẽ giúp doanh nghiệp được cởi trói, nhưng các chi cục thú y địa phương sẽ không có hoặc giảm kinh phí hoạt động, dẫn tới mất hệ thống thì gay go. “Chúng tôi lo rằng không thu phí, lệ phí nữa thì dễ có chuyện buông lỏng quản lý, hậu quả là bệnh gia súc, gia cầm sẽ lây lan sang người rất nguy hiểm” - vị đại diện này nói.
Tuy nhiên, nhìn lại danh sách 31 khoản phí, lệ phí bị đề nghị bãi bỏ, có những khoản phí, lệ phí rất vô lý như phí kiểm dịch trứng tằm, trứng cút, trứng đà điểu, kiểm dịch tinh dịch động vật, phí đánh dấu gia súc, bấm thẻ tai đại và tiểu gia súc... Vị đại diện của ngành thú y thừa nhận nên bãi bỏ phí kiểm dịch trứng cút, trứng tằm, trứng đà điểu... vì nguy cơ không cao. Mặt khác, các dịch vụ có thể xã hội hóa được thì nên xã hội hóa, Nhà nước không nên thu nữa.
Vẫn còn nhiều loại phí cần loại bỏ
Nhiều người chăn nuôi và cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia cầm cho biết đang rất mong đợi Bộ Tài chính bỏ nhiều loại phí đè lên con gà, quả trứng trong suốt nhiều năm qua. Với họ, 14 loại phí mà Bộ NN&PTNT đề nghị bỏ trên con gà là còn ít, bởi nếu tính hết thì vẫn còn những loại phí nữa cần loại bỏ.
Dù chưa có con số cụ thể nhưng theo ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, các loại phí đánh lên con gà chiếm khoảng 5% giá thành chăn nuôi. Không chỉ tiền, các quy định về phí này còn kèm theo thủ tục phức tạp, mất thời gian của cả người chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh.
Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay do vừa sản xuất con giống vừa kinh doanh nên đơn vị này phải đóng rất nhiều loại phí. Để sản xuất giống, doanh nghiệp cần nhập khẩu gà bố mẹ từ nước ngoài phải đóng phí kiểm soát dịch bệnh thú y.
Trứng gà đẻ ra đem đến nhà máy ấp cũng phải đóng phí, gà con mới nở đem về trại nuôi phải đóng phí. Chưa hết, trong quá trình nuôi, trang trại phải đóng phí bảo vệ môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý động vật chết, phí môi trường, phí chứng nhận trang trại an toàn dịch bệnh...
Khi con gà được đưa đi bán, người nuôi phải đóng phí kiểm dịch xuất chuồng. Nếu vận chuyển ngoại tỉnh, doanh nghiệp phải đóng phí cho thú y địa phương mà xe chở gia cầm có đi qua. Đến cơ sở giết mổ doanh nghiệp lại phải đóng phí vào cửa. Giết mổ xong cũng có phí tem kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm trên mỗi sản phẩm đưa ra thị trường. Đó là chưa kể phí “không tên” trong quá trình vận chuyển.
“Sau khi bắt gà từ trang trại cần nhanh chóng đưa vào trung tâm giết mổ, nếu không chúng sẽ chết trên xe. Chỉ cần một khâu nào đó trên quá trình vận chuyển bị chậm lại để kiểm tra giấy tờ khoảng một giờ đồng hồ thì lỗ nặng. Do đó, doanh nhiệp phải “biết điều” nếu không muốn bị làm khó” - giám đốc doanh nghiệp này nói.
Đồ họa: Việt Anh |
Lo buông lỏng kiểm soát dịch bệnh?
Theo thông tư 04 năm 2012, ngoài 31 loại phí, lệ phí đang được đề nghị bãi bỏ, vẫn còn hàng trăm loại phí, lệ phí liên quan đến vệ sinh thú y. Câu chuyện một con gà gánh tới 14 loại phí, lệ phí được công bố tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngày 11-6 vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận, do phí và lệ phí đã làm tăng giá gà, trứng gà thành phẩm vốn đang chịu áp lực từ gà ngoại nhập vào VN nhiều với giá rẻ.
Phát biểu với báo chí bên lề cuộc họp cuối tuần trước, đại diện Cục Thú y cho biết các loại phí, lệ phí được đề nghị bãi bỏ chủ yếu áp dụng với doanh nghiệp chăn nuôi lớn, không áp dụng với người dân chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ngoài ra, ông này cũng cho rằng cần kiểm soát kiểm dịch tránh nguy cơ dịch bệnh, như trứng nhập khẩu đem ấp nở ra gia cầm giống phải kiểm dịch xem có dịch bệnh hay không.
Theo vị này, việc bãi bỏ phí, lệ phí có cả hai mặt lợi và hại. Lợi là doanh nghiệp thấy nhẹ nhàng, nhưng mặt khác lại là lo nguy cơ dịch bệnh. Hỏi về các khoản phí, lệ phí đang thu hiện nay có nên bãi bỏ thêm, vị này cho rằng nếu cắt hết sẽ ảnh hưởng tới hệ thống 25.000 cán bộ thú y hiện nay.
Bên cạnh tốn kém chi phí và làm tăng giá thành sản phẩm, vì dù phí kiểm dịch mỗi quả trứng giống chỉ 5,5 đồng nhưng tất cả các chi phí này đều cộng vào giá thành quả trứng và sau đó là giá thành gia cầm giống, thì việc có thêm phí, lệ phí tức là có thêm thủ tục hành chính gây khó cho người chăn nuôi.
Cuối năm 2014 vừa qua Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y kiểm tra tình trạng “giấy kiểm dịch trứng chỉ có giá trị một ngày” làm khó người chăn nuôi ở Bảo Thắng, Lào Cai.
Và khi kiểm tra lại, quy định gây khó này nằm trong quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT! Một chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng sau đề xuất bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đều cần rà soát lại xem khoản phí nào kém hiệu quả, ít nguy cơ hay đang gây khó thì tháo gỡ cho người chăn nuôi, nếu không giá thực phẩm nội cứ giữ mức cao mãi mà thời gian hội nhập, giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng đang đến gần.
Thu cả phí kiểm tra... chất thải động vật Trong danh mục kiểm dịch sản phẩm động vật và có nguồn gốc động vật, thức ăn chăn nuôi hiện hành, ngoại trừ 31 loại phí, lệ phí đã được Bộ NN&PTNT đề nghị bãi bỏ, còn rất nhiều khoản phí được nhiều chuyên gia nông nghiệp cho là rất “phản cảm” như phí... kiểm dịch phế liệu tơ tằm (tuy chỉ 13.500 đồng/tấn), phí kiểm dịch sừng mỹ nghệ (500 đồng/cái), phí kiểm dịch đồ hộp các loại (135 đồng/kg), hay phí kiểm tra chất thải động vật đã qua xử lý (7.000 đồng/tấn)... |
Nhiều loại phí “đè” con gà Ông Âu Thanh Long, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng phí nhiều và vô lý thì ai cũng biết, đã thế nhiều loại phí còn chồng lên nhau. Ví dụ, nếu một con gà đã được kiểm dịch trước khi xuất bán rồi lại còn phải đóng phí vào trung tâm giết mổ, từ trung tâm giết mổ đi ra còn phải đóng thêm một loại phí nữa là vô lý. Chưa kể nếu con gà sống trước khi vào cơ sở giết mổ tính phí trên đầu con thì khi giết mổ lại tính phí trên các bộ phận riêng rẽ. Một con gà sau giết mổ thành các bộ phận đóng gói riêng biệt gồm cánh, đùi, chân, đầu, mình... thì trong mỗi bao chứa các sản phẩm đó lại phải dán nhãn và đóng phí. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận