06/04/2015 09:32 GMT+7

Tham vọng “thủ phủ mắc ca của thế giới”

MAI VINH - NHẬT HUY thực hiện
MAI VINH - NHẬT HUY thực hiện

TT - Việc Việt Nam trồng mắc ca với diện tích lớn gấp đôi diện tích loại cây này trên toàn thế giới đã khiến nhiều người lo ngại.

Nông dân làm rãnh thoát nước để cây mắc ca không bị ngập nước mưa - Ảnh: Mai Vinh

Với tham vọng biến Lâm Đồng thành thủ phủ cây mắc ca của thế giới, Tập đoàn Him Lam đã hoàn tất bước xây dựng dự án và chuẩn bị ươm giống, phối hợp với nông dân tại Lâm Đồng trồng hơn 200.000ha cây mắc ca trong vòng năm năm.

Việc trồng mắc ca với diện tích lớn gấp đôi diện tích loại cây này trên toàn thế giới đã khiến nhiều người lo ngại. Thông tin về dự án, ông Lê Văn Liền, giám đốc dự án mắc ca Lâm Đồng, cho biết:

- Tập đoàn Him Lam (gọi tắt là Him Lam), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và nông dân cùng thực hiện dự án theo hướng nông dân trồng trên đất của mình, LienVietPostBank cho vay vốn và Him Lam tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, mua, chế biến, bán trong nước và xuất khẩu.

Ảnh: M.Vinh
Đây là sản xuất liên kết nên khâu nào thất bại thì thiệt hại toàn liên kết sẽ gánh chịu, không chỉ riêng nông dân
Ông LÊ VĂN LIỀN (giám đốc dự án mắc ca Lâm Đồng)

* Thưa ông, 200.000ha cây mắc ca là con số quá lớn và triển khai trong thời gian ngắn, liệu các bên đã cân nhắc hết những rủi ro?

- Cây mắc ca đã trồng thử nghiệm cách đây hơn 10 năm tại Lâm Đồng và nông dân đã tăng thu nhập đáng kể nhờ vào cây trồng này.

Con số theo kế hoạch quá lớn đã khiến nhiều người lo ngại nhưng chúng tôi rất thận trọng và nghiên cứu rất kỹ, không chỉ tính toán thị trường trong nước mà còn nước ngoài. Tiền doanh nghiệp bỏ ra thì doanh nghiệp phải thận trọng để bảo toàn trước khi nói chuyện có lãi.

Đúng là con số 200.000ha quá lớn, gấp đôi diện tích mắc ca toàn thế giới, nhưng phải làm như vậy mới có được lợi thế làm chủ vùng nguyên liệu, chi phối được thị trường.

Chúng tôi khẳng định nhu cầu sử dụng, chế biến mắc ca thực tế cao gấp năm lần hiện nay vì tính phù hợp của hạt mắc ca với công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và chế biến mỹ phẩm.

Cho vay dài hạn để trồng mắc ca

Tháng 2-2015 tại Lâm Đồng, Ban chỉ đạo Tây nguyên và Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức hội thảo về chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây nguyên với sự tham gia của Tập đoàn Him Lam và LienVietPostBank.

Theo ông Lê Văn Liền, hội thảo thống nhất chiến lược trong năm năm tới sẽ triển khai trồng 220.000ha cây mắc ca trên toàn Tây nguyên.

Sau hội thảo, tỉnh Lâm Đồng thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch trồng 200.000ha trong thời gian năm năm.

Cũng tại hội thảo này, LienVietPostBank cho biết sẽ dành khoảng 22.000 tỉ đồng cho nông dân vay dài hạn để đầu tư trồng cây mắc ca.

* Các nước Mỹ, Úc, Nam Phi và Trung Quốc đang dẫn đầu về diện tích mắc ca, nhưng hơn 10 năm qua diện tích mắc ca ở các quốc gia này vẫn giậm chân tại chỗ. Lẽ nào các quốc gia này không hiểu được lợi ích của mắc ca?

- Không phải các nước này không muốn đẩy mạnh trồng mắc ca, nhưng không phải vùng đất nào của họ cũng trồng được. Chi phí nhân công của họ quá đắt, trong khi trồng mắc ca có nhiều công đoạn không thể tự động hóa. Sự đắt đỏ về đất đai khiến lợi nhuận nông nghiệp không thể so sánh với các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Nhưng cần nói rõ 200.000ha là con số mong muốn đạt được. Còn diện tích trong năm năm tới bao nhiêu không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chúng tôi mà ở nông dân. Vì đây là dự án liên kết với nông dân chứ không phải chúng tôi đi xin đất để trồng.

Việc của chúng tôi là chứng minh cho nông dân thấy trồng mắc ca có lợi nhuận cao. Nông dân thấy thuyết phục sẽ chuyển sang trồng mắc ca, còn không thì nông dân sẽ có những lựa chọn khác.

* Dự án sử dụng quỹ đất quá lớn sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu cây trồng của Tây nguyên vốn đang ổn định. Chưa kể người trồng mắc ca có thể sẽ lấy cớ để phá rừng lấy gỗ... Ông bình luận thế nào về những vấn đề này?

- Phần lớn diện tích mắc ca trồng xen canh với chè, cà phê là những loại cây chủ lực có diện tích lớn ở Lâm Đồng và Tây nguyên, tập trung ở đất nông nghiệp đang trống và đồi trọc.

Có nghĩa chúng tôi sẽ trồng xen mắc ca vào những vườn cây của nông dân chứ không phải trồng trên một diện tích đất mới. Cũng vì lo ngại chuyện phá rừng mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo chúng tôi tuyệt đối không được hỗ trợ kỹ thuật cho bất cứ đơn vị, nông hộ nào có dấu hiệu phá rừng hay đốn hạ cà phê, chè, cao su để trồng cây mắc ca.

Mắc ca cho thu hoạch đến 80 năm tuổi nên canh tác xen canh phù hợp. Nếu xen canh với cà phê, chè thì sau một thời gian chè tái tạo lá mới, cà phê tái canh cải tạo giống thì mắc ca vẫn ra quả và thu nhập nông dân vẫn không bị hụt. Để thực hiện dự án, chúng tôi cũng cam kết với tỉnh Lâm Đồng không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn trong cơ cấu cây trồng và quy hoạch nông nghiệp của tỉnh.

* Hiện Lâm Đồng đã có cây mắc ca cho thu hoạch nhưng đầu ra vẫn chưa có gì khẳng định sẽ bền vững do chưa có các nhà máy chế biến sau thu hoạch?

- Ở Lâm Đồng, hiện khoảng 50ha mắc ca đã cho thu hoạch và đa số người dân giữ lại làm giống hoặc bán cho các cơ sở sơ chế nhỏ tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng... Số đang phát triển, chưa tới tuổi thu hoạch quá lớn nên câu chuyện kinh doanh vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên thời gian sắp tới, khi sản lượng hạt mắc ca tăng thì nhà máy sơ chế và chế biến sản phẩm từ mắc ca sẽ được xây dựng. Và quy mô sẽ được mở rộng dần theo mức tăng trưởng diện tích, sản lượng mắc ca.

Dự án chúng tôi dự kiến xây dựng 23 nhà máy chế biến, 23 cơ sở giống đảm bảo chất lượng và cung cấp đúng các loại cây giống mắc ca mà thế giới cần để thực hiện kế hoạch trồng 200.000ha mắc ca tại Lâm Đồng.

Ưu tiên phát triển hệ thống xuất khẩu với khoảng 70% sản lượng mắc ca. Chúng tôi không chủ trương bán sản phẩm thô mà tập trung cho công nghệ sau thu hoạch để tránh bị lệ thuộc các công ty chế biến nước ngoài.

Một vài nơi trồng mắc ca ở Đà Lạt đã bắt đầu ra trái - Ảnh: Mai Vinh

* Nếu nông dân không bán được mắc ca thì vốn vay đầu tư và các thiệt hại khác họ phải hứng chịu đầu tiên. Việc này dự án có tính tới chưa, thưa ông?

- Một dự án lớn với mức đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng không thể không tính toán những giả thuyết vừa nêu ra. Cách làm ăn liên kết của chúng tôi với nông dân dựa trên nguyên tắc sau: 

Thứ nhất, nông dân đồng ý trồng mắc ca. Thứ hai, Him Lam cam kết bao tiêu, cam kết khả năng phát triển của cây tốt trên đúng thửa đất của nông dân và cam kết cung cấp đúng giống thị trường cần, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật xuyên suốt. Khi có đủ hai yếu tố trên thì ngân hàng sẽ ra quyết định cho nông dân vay dài hạn để đầu tư.

Nếu rủi ro vẫn xảy ra thì có bảo hiểm cho người trồng mắc ca. 

“Chúng tôi không ném tiền qua cửa sổ”

Ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đã khẳng định như vậy khi có ý kiến nghi ngờ về mục tiêu trồng 200.000ha mắc ca tại Lâm Đồng trong năm năm tới.

Theo ông Hưởng, không phải đến bây giờ mới tính đến chuyện trồng mắc ca mà gần 20 năm trước Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nghiên cứu thí điểm. Trên thực tế những cây trồng trong dân đang cho thu nhập cao, dân đã làm giàu, tuy nhiên đáng tiếc là đến nay chưa có tổng kết chính thức nào. 

Giải thích về con số 200.000ha, ông Hưởng nói đó là diện tích trồng loại cây này mà ngân hàng có thể sẵn sàng bỏ tiền ra cho nông dân vay để trồng, nhưng điều kiện ở đây là phải có quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN.

Theo ông Hưởng, hiện nay nếu trồng đúng quy trình kỹ thuật thì chỉ hai năm mắc ca cho ra trái bói, bốn năm là nông dân trả hết gốc và lãi vay. “Chúng tôi không ném tiền qua cửa sổ. Trước khi phát triển dự án này, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ” - ông Hưởng nói.

ÁNH HỒNG

Hiếm hoi lắm mới tìm được nơi bán hạt mắc ca ở Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không dễ mua hạt mắc ca

Ngày 5-4, chúng tôi thử tìm hạt mắc ca trên thị trường TP.HCM nhưng rất khó kiếm. Ghé vào một số cửa hàng thực phẩm cao cấp ở quận 1, quận 3 tìm mua hạt mắc ca nhưng đều nhận được cái lắc đầu của nhân viên bán hàng.

Nhân viên một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) cho biết cửa hàng có đủ các loại hạt như hạt óc chó, hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân... nhưng không có hạt mắc ca. Còn cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) nói hạt mắc ca chỉ bán vào dịp Tết Nguyên đán vì hạt này giá cao (lên đến 400.000-500.000 đồng/kg) trong khi người mua còn ít biết đến.

Thử tìm mua hạt mắc ca trên mạng, chúng tôi chỉ thấy một vài điểm tại TP.HCM bán loại hạt này và dầu làm từ hạt mắc ca nhập khẩu, trong khi nếu tìm trên Google cụm từ “bán cây mắc ca giống” cho nhiều kết quả hơn.

Theo anh Nguyễn Minh Tuấn - nhân viên marketing một công ty nhập khẩu thực phẩm ở Tân Bình, tại VN hạt mắc ca ít được biết tới vì đây là loại thực phẩm mới trong khi giá bán cao.

Thời gian gần đây, hạt mắc ca rang sẵn (tách vỏ hoặc nguyên vỏ) được sử dụng nhiều hơn trong các dịp lễ tết. Một số công ty trong nước cũng nhập khẩu các loại dầu và mỹ phẩm làm từ mắc ca để phân phối cho các mục đích như chế biến món ăn, dưỡng da, làm đẹp...

Theo các nhà khoa học, cây mắc ca (tên tiếng Anh là macadamia) có nguồn gốc từ Úc nhưng hiện nay đã được trồng rộng rãi ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới như châu Mỹ, châu Phi và châu Á.

Hạt mắc ca được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến bánh kẹo, bánh ngọt, các loại thức ăn nhẹ. Cũng như hạt điều, hạt mắc ca ngày càng được sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau trong cuộc sống hằng ngày ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc và lãnh thổ Đài Loan.

Với hàm lượng dầu cao và khả năng ổn định oxy hóa cao, chiết xuất từ hạt mắc ca đang được ứng dụng rộng rãi trong việc sản xuất các loại kem dưỡng da và trong mỹ phẩm. Các nghiên cứu khoa học gần đây cũng chỉ ra ăn nhiều hạt mắc ca có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Tuy nhiên, đây không phải là đặc tính riêng của mắc ca mà hầu hết các loại hạt ăn được nổi tiếng thế giới như hạt dẻ, hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt Brazil... đều có những đặc tính tương tự.

TRẦN MẠNH

Úc không trồng mắc ca ồ ạt

Trái ngược với sự hồ hởi của một số doanh nghiệp triển khai dự án, giáo sư Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc), chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp sống nhiều năm ở Úc (quốc gia có sản lượng mắc ca lớn nhất thế giới), cho rằng đây là một dự án “hoang tưởng”.

Nói mắc ca có tiềm năng lớn thì thực tế cây trồng nào cũng có tiềm năng cả, nhưng VN mình có đáp ứng được thị trường đó hay không là một chuyện rất khác.

Thứ nhất, đây là một mặt hàng cao cấp, nhưng đồng thời cũng là mặt hàng không ăn cũng được chứ không phải là các mặt hàng thiết yếu như gạo, lúa mì... Phần lớn hạt mắc ca là làm sôcôla, nhu cầu không lớn. Giá mắc ca hiện nay cao vì nguồn cung không lớn, nhưng đi kèm đó là đòi hỏi chất lượng hạt phải cao.

Bên cạnh đó, mắc ca là loại hạt có hàm lượng dầu rất cao nên dễ bị hư hỏng và khó bảo quản. Như vậy để trồng được cây mắc ca cho hạt có chất lượng cao đã khó, để giữ hạt mắc ca chất lượng đến khi bán hàng còn khó hơn.

Nó đòi hỏi một quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản hết sức cao cấp mới giữ được chứ không thể nhặt dưới đất như điều, phơi trên nền đất như cà phê và đóng bao tải cất trong nhà như hồ tiêu.

Mắc ca xuất xứ từ nước Úc, mỗi năm nước này cũng chỉ sản xuất được 45.000 tấn hạt mắc ca (nguyên vỏ). Do giá tăng cao những năm qua nên sản lượng loại hạt này của Úc được dự đoán sẽ tăng lên nhưng cũng ở mức 47.000 tấn trong năm 2015.

Câu hỏi đặt ra là tại sao giá cao như vậy, thị trường hấp dẫn như vậy mà Úc không sản xuất thêm thật nhiều mắc ca để bán vì tiềm năng đất đai, công nghệ của họ có thừa?

Thực tế với người Úc, không chỉ mắc ca, mà bất kỳ sản phẩm nào họ cũng phát triển thị trường trước khi triển khai sản xuất. Phát triển một ngành hàng mà không có thị trường thì coi như bỏ. Người Úc không ồ ạt phát triển cây mắc ca bởi họ nhận định với sản lượng 45.000-50.000 tấn/năm đủ để giữ được mức giá cao.

Vì vậy việc kế hoạch đến năm 2020 VN phát triển đến 200.000ha mắc ca, tôi không hiểu hạt làm ra bán cho ai? Muốn biến tiềm năng từ mắc ca thành hiện thực phải có kế hoạch và phải làm thận trọng. Chẳng hạn cần sản xuất trước 10.000 tấn hạt mỗi năm, khi đã có thị trường thì nâng lên 20.000-30.000 tấn/năm.

Đằng này ngay với nông sản nói chung VN cũng chưa xây dựng được một thương hiệu có tiếng trên toàn cầu, huống chi mắc ca còn là một loại cây trồng rất mới mẻ tại VN. 

Tôi có thời gian dài ở Úc, nước này cũng có những kế hoạch trồng các loại cây khác nhưng không bao giờ họ làm một cách quá nhanh chóng như VN đang triển khai cây mắc ca. Bởi nếu dự án không khả thi, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là nông dân.

Nông dân nhiều địa phương đang được hỗ trợ tín dụng để trồng mắc ca. Việc đầu tiên là họ đi mua cây giống về trồng nhưng mua cây giống nào, mua ở đâu có chất lượng? Có hàng chục loại mắc ca khác nhau, loại nào tốt, loại nào phù hợp với điều kiện khí hậu VN, loại nào thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng nào thì phải có sự nghiên cứu mới trả lời được. 

Chỉ khi thử nghiệm trên quy mô lớn cỡ hàng hecta trở lên thì các vấn đề thực tế như nước tưới, dinh dưỡng, sâu bệnh... mới thể hiện chính xác nhất kết quả.

Vì vậy, theo tôi, hãy làm từ từ, không nóng vội.

T.MẠNH ghi

Chỉ 17.000ha nhưng cung cấp toàn cầu

Theo Hiệp hội Mắc ca Úc, có khoảng 17.000ha mắc ca ở đất nước này cho ra 45.000 tấn hạt mỗi năm (khoảng 11.500 tấn hạt tách vỏ).

Úc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới về hạt mắc ca. Họ cung cấp khoảng 28% tổng nguồn cung toàn cầu loại hạt này tới hơn 40 quốc gia khác nhau trên thế giới, vượt qua Nam Phi và Hawaii (lần lượt cung cấp 25% và 16% nguồn cung mắc ca toàn cầu).

 

MAI VINH - NHẬT HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên