03/03/2015 15:45 GMT+7

​Việt Nam gấp rút hoàn tất đàm phán TPP

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm là 18%

Toàn cảnh cuộc gặp cấp cao TPP tại Bắc Kinh năm 2014 - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, sáng 3-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế nhằm tổng kết hoạt động hội nhập quốc tế năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020. 

Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh và các thành viên Ban Chỉ đạo.

3/6 FTA đã cơ bản hoàn tất

Tại phiên họp, điểm sáng lớn nhất trong hội nhập quốc tế năm 2014 được coi là việc đẩy nhanh và tiến tới kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong năm 2014, 3/6 FTA đang đàm phán đã cơ bản hoàn tất và lãnh đạo 2 bên đã ký các Tuyên bố chung về kết thúc hoặc hướng kết thúc đàm phán, gồm FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA).

Đối với các Hiệp định còn lại, Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các khâu đàm phán cuối cùng, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do Châu Âu.

Về trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020, Bộ Ngoại giao đề xuất một số nhiệm vụ lớn: Tích cực chuẩn bị, đăng cai tổ chức thành công các hoạt động đa phương lớn, tạo dấu ấn của Việt Nam; chủ động đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế; đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thúc đẩy hoàn tất và triển khai hiệu quả các FTA sẽ ký trong giai đoạn 2015-2020; ...

Khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động hội nhập quốc tế thời gian qua đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước, nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp đề xuất cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đối ngoại song phương và đối ngoại đa phương cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Cả thế giới là một thị trường

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế nêu rõ sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, công tác hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm là 18%, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mang lại nhiều lợi thiết thực cho đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hội nhập quốc tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục, trong đó nổi lên là việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết thành kế hoạch của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa cụ thể.

Một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động hội nhập quốc tế; hoạt động phối hợp có nơi, có lúc còn chưa tốt; có những mảng, lĩnh vực về hội nhập còn thiếu chủ động trong triển khai thực hiện;…

Đề cập nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như vũ bão, cả thế giới là một thị trường, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó lấy hội nhập kinh làm trung tâm; chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

“Phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22; các Bộ, ngành, địa phương phải có chương trình, kế hoạch hội nhập một cách cụ thể, rõ ràng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Về kinh tế, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung mạnh vào thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát huy lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Trong đối ngoại đa phương, Thủ tướng lưu ý cần hết sức chủ động, đề xuất, khởi xướng để xây dựng luật chơi chung theo mẫu số chung, theo thông lệ quốc tế và theo Hiến chương Liên hợp quốc và theo lợi ích của đất nước; tiếp tục chủ động tham gia các điều ước quốc tế, tham gia và các hoạt động ở các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên