06/02/2015 09:31 GMT+7

​Tràn lan thực phẩm không nhãn mác

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Ghi nhận tại nhiều chợ đầu mối ở TP.HCM, các loại bánh mứt, thực phẩm khô không nhãn mác, không ghi hạn sử dụng, sử dụng phẩm màu...vẫn được bày bán tràn lan.

Một số mặt hàng bánh kẹo, trái cây khô bán tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) không được đóng gói và ghi xuất xứ rõ ràng - Ảnh: Tiến Long
Một số mặt hàng bánh kẹo, trái cây khô bán tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) không được đóng gói và ghi xuất xứ rõ ràng - Ảnh: Tiến Long

Sáng 5-2, chúng tôi đến khu chợ chuyên bỏ sỉ các loại bánh mứt, thực phẩm khô phục vụ mùa tết trên đường Trần Bình thuộc chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM).

Tại đây, đa số tiệm bày bán các loại mứt như mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, táo khô, hạt dưa... nhưng chỉ được đựng trong các bao nilông lớn, không được che đậy, không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng... người mua thỏa sức dùng tay không bốc ăn thử. Một số loại mứt như mứt dừa, bí, khoai lang... để thu hút người tiêu dùng, nơi chế biến pha thêm các loại phẩm tạo màu xanh, đỏ, vàng... tuy bắt mắt nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mứt tết “3 không”

Tại tiệm bán bánh mứt NY, nhân viên của tiệm này cho biết đa số các loại mứt bày bán tại chợ được chủ tiệm mua về với số lượng lớn, sau đó bỏ vào bao nilông để bán sỉ, lẻ.

Nếu khách có nhu cầu mua mứt đóng hộp, có thương hiệu thì chủ tiệm sẽ hướng dẫn cho khách chọn các loại mứt bày sẵn trong bao nilông rồi đóng hộp theo ý của khách chứ không có loại mứt đóng hộp.

Năm nay, các tiệm bán mứt không chỉ bày bán các loại mứt không nhãn mác, không hạn sử dụng mà còn bán kèm các loại trái cây sấy khô được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một chủ tiệm bán mứt tại khu chợ Bình Tây cho biết giá của trái hồng sấy khô loại 1 là 120.000 đồng/kg, loại này được đóng trong thùng hơn 4kg, nhập khẩu từ Trung Quốc. Hoặc như các loại nho, táo sấy khô đóng trong các thùng cactông cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc hiện bán rất chạy.

Khi chúng tôi hỏi có bán trái cây sấy của VN, một chủ tiệm nói: “Anh lên Đà Lạt mà mua, giá mắc và không đẹp mắt bằng nên không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc”.

Tương tự khu vực chợ kinh doanh bánh mứt, thực phẩm khô trên đường Trần Bình, tại tầng trệt của chợ An Đông (Q.5), nhiều sạp hàng cũng bày bán các loại bánh mứt, thực phẩm khô không nhãn mác, hạn sử dụng... Một chủ tiệm bán tôm khô, lạp xưởng tại đây cho biết mỗi ngày bỏ mối hàng chục ký tôm khô, lạp xưởng cho các mối ở các tỉnh để bán tết.

Tại khu vực bán tôm khô, khô cá mực của chợ Bình Điền, các chủ sạp bày bán nhiều loại tôm khô có màu sắc đỏ khá đậm và cũng không đóng bao bì, dán nhãn mác...

Đáng nói, dọc con đường bên hông khu bán thực phẩm khô này có nhiều chủ sạp dùng làm nơi phơi các loại khô cá.

Anh Bình, nhân viên phơi khô cá, cho biết các loại cá đang phơi dọc bên khu chợ là do để lâu, cá bị lên dầu, nên chủ sạp cho người phơi nắng để sấy khô. Riêng các loại tôm khô có màu đỏ đậm, anh Bình nói: “Do mối bỏ thêm màu cho đẹp mắt, ăn vào không sao đâu?!”.

Sẽ tăng cường kiểm tra

Ngày 5-2, ông Nguyễn Chí Thành - phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM) - cho biết mỗi đêm chợ đầu mối Bình Điền nhập khoảng 2.400 tấn thực phẩm gồm các loại thủy hải sản tươi, khô; thịt heo, gà; rau củ quả...

Ông Thành cho biết: “Những sạp kinh doanh loại hàng nhập (không có bao bì, nhãn mác - PV), chúng tôi quản lý bằng cách kiểm tra các loại chứng từ xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa. Đồng thời mỗi sạp phải có sổ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và các loại giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...”.

Trong khi đó ông Cao Văn Thành - phó ban phụ trách kinh doanh của chợ Bình Tây (Q.6) - cho biết ban quản lý chợ Bình Tây thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh hàng không nhãn mác tại các quầy, sạp...

Ông Thành thừa nhận tại chợ có một số tiệm kinh doanh hàng không nhãn mác, thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa... do người bán xé lẻ ra bán hoặc muốn giấu thông tin về nơi sản xuất nên chỉ để tên cửa hàng của mình trên bao bì sản phẩm.

Ban quản lý chợ thường xuyên đi nhắc nhở các chủ tiệm thực hiện nghiêm túc, nếu vi phạm hai lần, ban quản lý sẽ kêu chủ tiệm lên nhắc nhở, sau đó nếu tái phạm sẽ bị đình chỉ kinh doanh.

Còn ông Nguyễn Nhu - phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức) - cho biết trong tuần vừa qua, lực lượng phối hợp lấy được 20 mẫu thực phẩm để kiểm tra định tính bằng phương pháp Testkid của Thái Lan, trong đó có bốn mẫu vượt ngưỡng cho phép.

Phía Chi cục Bảo vệ thực vật TP đã lấy những mẫu này về để kiểm tra định lượng và sẽ có hình thức xử lý sau.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên