31/01/2015 09:59 GMT+7

​Vốn vay sẽ rẻ hơn

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tích cực cân đối vốn và chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

NHNN đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1-1,5% trong thời gian tới - Ảnh: TTO

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2015 tiếp tục giảm là cơ sở để kéo lãi suất giảm thêm. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất tại Công ty nhựa kỹ thuật Sakura, TP.HCM Nguồn: Tồng cục Thống kê - Ảnh: T.Đạm - Đồ họa: V.Cường

Ngày 30-1, trao đổi với báo chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1-1,5% trong thời gian tới.

Theo bà Hồng, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tích cực cân đối vốn và chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đưa nợ xấu xuống dưới 3%

“Các tổ chức tín dụng cân đối mở rộng tín dụng khi cần thiết, song định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành đặt ra là 13-15%. Còn tổng phương tiện thanh toán là 16-18%, cao hơn mức năm 2014 khoảng 2-4%. Riêng đối với tỉ giá, NHNN cam kết điều hành ổn định, mức điều chỉnh không quá 2% trong cả năm nay” - bà Hồng cho biết.

Theo bà Hồng, trong năm 2015 Trung tâm thông tin tín dụng phải hoàn thành đề án xây dựng xếp hạng tín dụng cho tất cả khách hàng để đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả. Đó là một trong những giải pháp của NHNN nhằm đưa nợ xấu về dưới mức 3% trong năm nay.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về dưới mức 3%, NHNN đã triển khai một loạt biện pháp như trình Thủ tướng phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh. Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi.

“Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu phải xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 với chi tiết chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng tháng. Lộ trình xử lý nợ xấu phải đảm bảo đến cuối tháng 6 năm nay xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu...” - bà Hồng cho biết.

Cũng theo bà Hồng, lãi suất cho vay sẽ vẫn giữ ổn định trong năm nay. Hiện phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với năm lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Còn lãi suất cho vay USD, mức phổ biến 3-7%/năm tùy theo kỳ hạn như kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng ở mức 3-6%/năm, còn trên sáu tháng phổ biến ở mức 5,5-7%/năm.

Lãi suất vẫn quá cao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Trọng Lý - chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu - cho biết lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện nay quá cao 10,5-12%/năm.

Trong bối cảnh bình quân lạm phát cả năm 2014 so với cả năm 2013 chỉ 4,09%, lãi suất cho vay, nhất là cho vay trung và dài hạn, cần phải được giảm ngay trong những tháng đầu năm.

“Chúng ta hội nhập sâu với thế giới rồi mà lãi suất cho vay vẫn cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các nước thì doanh nghiệp làm sao có thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài” - ông Lý bức xúc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Phúc - giám đốc Công ty TNHH Hạnh Phúc - cho rằng lãi suất cho vay trung và dài hạn cần được xem xét giảm ngay không chần chừ được nữa.

“Doanh nghiệp muốn vay ở kỳ hạn dài mà không được. Ngân hàng không cho vay, thậm chí đẩy lãi suất cho vay kỳ hạn 9 tháng đến 1 năm là 10-11%/năm. Kỳ hạn càng dài thì lãi suất cho vay càng cao” - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, với cách cho vay của ngân hàng như hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể làm ăn kiểu chụp giật, cứ 3-4 tháng lại phải đi làm lại hồ sơ vay vốn mới.

“Đã là khách vay lâu năm của ngân hàng 15 năm nay, thế nhưng để vay được vốn đầu tư vào những dự án đầu tư lâu dài quả là không dễ dàng gì, trừ trường hợp phải chấp nhận lãi suất cho vay rất cao” - ông Phúc băn khoăn.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước cho biết việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn là không dễ. Bởi cơ cấu nguồn vốn hiện nay có tới 85% vốn huy động ở kỳ hạn ngắn chỉ 1-3 tháng.

“Hơn nữa, cho vay trung và dài hạn có độ rủi ro cao hơn so với ngắn hạn. Hai năm nay, nhiều ngân hàng nơm nớp lo âu khi duyệt cho vay những hồ sơ vay trung dài hạn trên hai năm” - vị này nói.

Vị này cho biết thêm nhiều doanh nghiệp là khách hàng lâu năm của ngân hàng, dự án kinh doanh rất khả thi, doanh nghiệp làm ăn thật sự đàng hoàng...

Tuy nhiên, không ít trường hợp doanh nghiệp không thể trả được nợ do nguyên nhân khách quan như bị bạn hàng xù nợ, bị thiên tai... khiến ngân hàng vạ lây.

* Ông Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia):

Cần tập trung kéo giảm lãi trung và dài hạn

Dư địa giảm lãi suất không còn, trong khi lãi suất phụ thuộc vào lạm phát và cung tiền của NHNN.

Từ đầu năm, NHNN đã đưa ra thông điệp sẽ cố gắng đưa lãi suất trung và dài hạn xuống 9-10%. Đây là chính sách vô cùng quan trọng, chắc chắn NHNN sẽ có điều chỉnh cung tiền để đạt được điều này.

Thực tế hiện nay lãi suất cho vay của VN đã giảm và ở mức thấp, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn còn cao.

Vấn đề điều hành ở đây là làm sao để duy trì lãi suất thấp như hiện nay hoặc thấp hơn (có thể giảm 0,5%). Vì chỉ cần lạm phát trên 5% thì rất dễ hình thành mặt bằng lãi suất mới vào cuối năm, theo hướng cao hơn.

* Ông Đinh Đức Quang (phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB):

Lãi suất chưa phải là yếu tố quyết định đi vay của doanh nghiệp

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động ở mức 6,5-9,5%/năm tùy ngành nghề, lĩnh vực.

Lãi suất cho vay trung và dài hạn có cao hơn nhưng nếu duy trì được những điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản ngân hàng tốt như hiện nay thì lãi suất này có thể được kéo giảm xuống trong thời gian tới.

Thực tế, có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng chăm sóc rất tốt, sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng nhưng vẫn không dám vay. Bản thân họ cũng phải cân nhắc vay vốn với mức rộng cho sản xuất, đầu tư, cân đối đầu ra, đầu vào.

Bởi vậy, câu chuyện hiện nay không chỉ là câu chuyện vốn. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhiều từ các ban ngành khác để có thể tiêu thụ hàng hóa, ổn định kinh doanh sản xuất.

* Bà Betty Rui Wang (chuyên gia kinh tế về thị trường VN của Ngân hàng Standard Chartered):

Có cơ hội để giảm lãi suất

Trong năm 2014, lãi suất của VN đã giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Năm 2015, giá dầu thấp sẽ giúp lạm phát VN tiếp tục giảm, NHNN có nhiều cơ hội để cắt giảm lãi suất tái cấp vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.

Về điều hành tỉ giá, sự phát triển của kinh tế trong năm 2015 cũng là yếu tố giúp tỉ giá tiền đồng ổn định. Thu hút đầu tư nước ngoài khả quan, dự trữ ngoại hối của VN đang và sẽ tiếp tục được cải thiện.

Do đó, ít có khả năng VN phá giá tiền đồng ở mức cao. Bất cứ điều chỉnh tỉ giá của NHNN trong năm 2015 đều liên quan đến sự điều chỉnh của các đồng tiền khác trong khu vực chứ không phải đến từ nội tại của nền kinh tế VN, và mức phá giá này cũng chỉ thêm 1%.

* Ông Nguyễn Trường Chinh (giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Năm Thụy):

Vẫn phải đi vay kiểu “có lúa cho mượn gạo”

Lãi suất có giảm hơn nhiều so với trước đây nhưng chính sách cho vay của các ngân hàng vẫn còn cứng nhắc, chỉ có tài sản thế chấp doanh nghiệp mới được vay và vay lãi suất tốt.

Mọi giao dịch của công ty đầu ra, đầu vào, doanh số đều qua ngân hàng. Họ biết doanh nghiệp làm ăn đang lên, tăng trưởng tốt nhưng để vay được số tiền lớn hơn giá trị mức định giá tài sản thế chấp là không thể. Chưa kể các ngân hàng định giá rất thấp nên số tiền vay khá hạn chế.

Hiện nay, lãi suất ngắn hạn có giảm nhưng lãi suất trung và dài hạn vẫn còn cao, trên 12%. Trong các cuộc họp, ngân hàng vẫn nói sẽ có phương án giúp doanh nghiệp vay vốn nhưng nói riết cũng không thấy thay đổi gì.

Đáng ra ngân hàng cần linh hoạt hơn trong chính sách cho vay, nếu ngân hàng quản lý được dòng tiền của doanh nghiệp rồi thì nên mạnh dạn cho vay, nếu không doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn, mở rộng sản xuất. Với kiểu cho vay hiện nay thì cũng giống như có lúa mới cho mượn gạo.

NHƯ BÌNH ghi

 

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên