17/12/2014 15:04 GMT+7

Finance Asia: Tin ở chứng khoán Việt Nam

CHÂU LUÂN (Theo Finance Asia)
CHÂU LUÂN (Theo Finance Asia)

TTO - Finance Asia cảm nhận "không khí" nền kinh tế vĩ mô VN đang cải thiện rõ rệt và tin đây là cơ hội chín muồi để các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu trong thị trường này.

Chính phủ VN tự tin tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ vượt 5,8%, và lạm phát nhiều khả năng hạn chế dưới 3% - mức thấp trong lịch sử. Trong ảnh là Trung tâm TP.HCM nhìn từ Thủ Thiêm - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Liệu đó là bước khởi đầu cho chu kỳ giảm hay báo hiệu khởi động một đợt tăng tốc mới của chứng khoán VN? 

Khởi động 

Finance Asia đã đưa ra một số dẫn chứng từ vĩ mô đến vi mô để chứng minh cho nhận định trên.

Hai mặt của giá dầu trong nước

Các đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu dưới tác động giá xăng dầu suy yếu đã bắt đầu ảnh hưởng đến chứng khoán dầu khí VN - nhóm vốn hóa khủng trên sàn giao dịch Việt. 

Điều quan trọng, dù giá dầu sụt giảm ngắn hạn có thể gây tổn thương cho ngành dầu khí VN, nhưng trong dài hạn nó sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng - vốn chiếm 70% GDP nước này trong 5 năm qua. 

Ngoài ra, do VN vừa là nước xuất khẩu dầu thô, vừa nhập các sản phẩm dầu mỏ nên tác động giá dầu thế giới được hạn chế ở mức tối thiểu.

Chính phủ VN tự tin tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ vượt 5,8%, và lạm phát nhiều khả năng hạn chế dưới 3% - mức thấp trong lịch sử. Kế hoạch kinh tế 2015 thể hiện tăng trưởng lạc quan: tốc độ tăng GDP 6,2%, chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%, và tăng trưởng xuất khẩu đạt 10% với thâm hụt thương mại giới hạn ở mức 5% xuất khẩu.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là một trụ cột vững chắc để VN tăng trưởng. Hiện tại VN đang trở thành trung tâm sản xuất của một số tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel, Microsoft, và Bridgestone.

Trước kia, Chính phủ tập trung cổ phần hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc quốc doanh (SOEs), tuy nhiên mức độ đóng góp của nhóm này vào GDP cả nước không đáng kể (từ 34,7% vào năm 2009 còn 32,2% năm 2013).

Nhưng bắt đầu từ năm 2014, Finace Asia đã nhìn thấy các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hơn được đưa vào lộ trình phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên, gồm Viglacera, Vinatex và Vietnam Airlines.

Cùng với yêu cầu không thoái vốn cốt lõi, và cho phép bán tài sản quốc gia dưới giá trị sổ sách, Finance Asia nhận định cải cách SOEs sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới.

Những tín hiệu lạc quan

Cải cách ngân hàng đồng thời cũng thu về những số liệu lạc quan. Tỉ lệ nợ xấu chính thức giảm nhẹ, còn 3,88% tính đến tháng 9-2014 - so với 4,17% hồi tháng 6, 4,11% tháng 7 và 3,9% tháng 8.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ước tính tỉ lệ nợ xấu sẽ neo ở mức 5,4% vào cuối tháng 9, và có thể giảm còn 3,7 - 4,2% vào cuối năm 2014 - so với 17% cùng kỳ năm 2012.

Về thị trường bất động sản, luật nhà ở mới cho người nước ngoài mua nhà tại VN sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2015. Đó là nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản.

Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những cải tiến tương tự, vốn hóa thị trường tăng lên 55 tỉ USD với khối lượng giao dịch hàng ngày đạt 125 triệu USD ở cả 2 sàn TP.HCM và Hà Nội.

Tổng sở hữu nước ngoài trên sàn chứng khoán VN xấp xỉ 21-22%. Hiện chính phủ đang nỗ lực mở rộng giới hạn sở hữu nước ngoài bằng nhiều biện pháp, từ trực tiếp gia tăng giới hạn sở hữu nước ngoài 49% lên 60-100% trong các tổ chức phi ngân hàng tùy từng ngành, đến giới thiệu chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).

Ở cấp độ vi mô, lợi nhuận ròng và lợi nhuận hoạt động của 65 công ty - chiếm 90% tổng vốn hóa thị trường - dự kiến tăng lần lượt 8,4% và 5,6% trong năm 2015.

Hai số liệu trên sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường cổ phiếu năm tới. Ngoài ra, các hoạt động M&A và thanh lý tài sản cũng ghi nhận tiến bộ đáng kể trong năm 2014 - 2015, và đóng góp một phần đáng kể vào thu nhập của các công ty niêm yết.

CHÂU LUÂN (Theo Finance Asia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />